CÀ MAU, Việt Nam (NV) – Trong lúc đang đọc quyết định cưỡng chế đất của người dân ở xã Thạnh Phú, đoàn cán bộ huyện Cái Nước bị gia đình chủ đất cầm dao tấn công, tạt xăng đốt gây phỏng nặng.
Chiều 7 Tháng Tám, 2019, xác nhận với báo Người Lao Động, ông Phạm Phúc Giang, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau), cho biết nhiều cán bộ thuộc đoàn cưỡng chế đất ở xã Thạnh Phú (huyện Cái Nước) trong lúc làm nhiệm vụ đã bị phỏng do người dân dùng xăng chống đối.
Báo Tiền Phong dẫn tin từ Khoa Cấp Cứu Bệnh Viện Đa Khoa Cà Mau cho biết, đã tiếp nhận 10 bệnh nhân bị phỏng là cán bộ xã Thạnh Phú, Chi Cục Thi Hành Án và Công An huyện Cái Nước. Trong số các bệnh nhân có người bị phỏng nặng vùng mặt, có thể phải chuyển lên bệnh viện Sài Gòn để chữa trị.
Tin cho biết, khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, chính quyền huyện Cái Nước thành lập đoàn gồm nhiều lực lượng tổ chức cưỡng chế phần đất của ông Lê Vũ Khi (ở xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước). Trên mảnh đất này, gia đình bà Lê Thị Hiến (52 tuổi, chị ruột ông Khi) đang sinh sống hợp pháp.
Vài tháng trước, Tòa Án Nhân Dân huyện Cái Nước tuyên án, buộc gia đình bà Hiến phải di dời nhà cửa, trả lại đất cho chủ mới mua sau khi người này khởi kiện ra tòa đòi đất. Tuy nhiên, gia đình bà Hiến phản ứng dữ dội cho rằng sự vụ không liên quan.
Nói với báo Tiền Phong, bà Lê Thị Điệp (75 tuổi, chị ruột bà Hiến) giải thích rằng cha mẹ của bà để lại phần đất hơn 4,600 mét vuông cho ông Lê Vũ Khi (em ruột của bà Điệp và bà Hiến) đứng tên. Trong đó, cha mẹ của bà cho bà Lê Thị Hiến hơn 3,000 mét vuông “có giấy tờ, có anh em trong gia đình ký tên đồng thuận và xã Thạnh Phú đo đạc nhưng chưa kịp tách thửa làm ‘sổ đỏ’ chỉ có giấy tay.” Tuy nhiên ông Khi đã cầm cố rồi bán cho người khác toàn bộ phần đất trên, bao gồm phần đất cha mẹ để lại cho bà Hiến.
Không cần phân biệt đúng sai, đoàn cán bộ vẫn “tiến hành cưỡng chế theo kế hoạch.” Uất ức, anh Phạm Văn Nguyên (con trai bà Hiến) cùng người em rể cầm dao, hất xăng vào đoàn cán bộ bật lửa đốt rồi bỏ chạy.
Hậu quả làm hàng loạt cán bộ trong đoàn cưỡng chế bị phỏng, trong đó có chín người được đưa lên Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Cà Mau cấp cứu và một người được chuyển lên bệnh viện ở Sài Gòn để điều trị.
Sau khi xảy ra vụ này, lực lượng Công An huyện Cái Nước đã đưa vợ chồng bà Lê Thị Hiến, ông Phạm Hoàng Kiếm và ông Lê Văn Lập (anh bà Hiến) về trụ sở để “làm việc.” Riêng anh Phạm Văn Nguyên và người em rể đã bỏ trốn. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment