Sunday, July 7, 2019

Ba mươi năm chịu đựng hôi thối, dân Khánh Sơn mang đủ thứ bệnh


Người dân khu vực bãi rác Khánh Sơn bất bình trước chủ trương của chính quyền Đà Nẵng không di dời và đóng cửa bãi rác. (Hình: Gia Đình và Xã Hội)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Trước chủ trương sẽ không di dời mà sẽ xây dựng nhà máy “xử lý chất thải rắn” trên bãi rác Khánh Sơn, trong cuộc đối thoại với chính quyền Đà Nẵng, nhiều người dân đã bật khóc vì nỗi uất ức phải gánh chịu ô nhiễm trong gần 30 năm qua.
Báo Người Lao Động cho biết, sáng 6 Tháng Bảy, 2019, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng đã tổ chức đối thoại với hơn 400 người dân khu vực bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) để thông báo về dự án nâng cấp bãi rác.
Ông Tô Văn Hùng, giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường Đà Nẵng, cho biết để giải quyết bài toán ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn, thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương “nâng cấp bãi rác Khánh Sơn” thành Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Rắn của thành phố.
Sau khi nghe chính quyền công bố kế hoạch, cho đến quá 12 giờ trưa cùng ngày, nhiều người dân vẫn không chịu ra về vì quá bất bình, uất ức trước chủ trương không di dời, đóng cửa bãi rác Khánh Sơn.
Nói với báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Thành (ở phường Hòa Khánh Nam), cho hay đã gần 30 năm nay, người dân sống ở khu vực bãi rác đã chịu quá nhiều thiệt thòi. Ô nhiễm, bụi bặm, mùi hôi… khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, mang đủ thứ bệnh tật.

Người dân Khánh Sơn khóc trong buổi đối thoại với chính quyền. (Hình: Gia Đình và Xã Hội)

Cũng theo bà Thành, trước đây Công Ty Cổ Phần Môi Trường Việt Nam cũng đã xây dựng nhà máy xử lý rác ở Khánh Sơn, tuy nhiên mỗi khi nhà máy “khởi động” lên thì người dân lại “chịu không nổi.”
“Giờ nghe nói công ty này tái phát làm nhà máy thì sao chịu được. Đúng ra 10 năm là di dời rồi kéo ra 20 năm, 30 năm mà chừ là không dời. Chẳng lẽ đời mẹ hưởng hơi đời con hưởng khói? Chúng tôi không xin tiền xin gạo mà chỉ xin một hơi thở trong lành cho những đứa trẻ con,” bà Thành bày tỏ.
Bà Huỳnh Thị Năm tiếp lời, người dân Khánh Sơn không đồng tình với việc tiếp tục xây dựng nhà máy đốt rác tại đây. “Yêu cầu thành phố đem lò đốt ra khỏi Khánh Sơn, hố rác không cho nâng cấp, dân Khánh Sơn đã khổ quá nhiều,” nói tới đây bà Năm bật khóc.
Bà Năm cho rằng, qua gần 30 năm, thế hệ của những người như bà đã già nhưng phải quyết tâm để thế hệ con cháu không còn phải chịu cảnh ô nhiễm. “Con tôi mới 40 tuổi đã chết vì ung thư, chồng tôi cũng chết rồi. Nếu thành phố thấy cái nhà máy đốt rác mới này xử lý tốt, thơm tho thì hãy mang đi chỗ khác. Đừng để ở Khánh Sơn nữa,” bà Năm cầu khẩn.
Hơn chục ý kiến của người dân khu vực Khánh Sơn đều không đồng tình với chủ trương nâng cấp bãi rác Khánh Sơn và kiến nghị, chính quyền thành phố nên tính toán đóng cửa bãi rác Khánh Sơn, đưa Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Rắn vào khu công nghiệp, nơi không có dân cư để tránh ô nhiễm.
“Người dân kiến nghị di dời bãi rác Khánh Sơn là do tình trạng quá ô nhiễm kéo dài. Thế nhưng, nếu xây dựng bãi rác khác thì con số 3.2 triệu tấn rác hiện tại ở Khánh Sơn sẽ đi về đâu? Việc xây dựng khu liên hợp với công nghệ tiên tiến sẽ giải quyết bài toán ô nhiễm ở bãi rác, đồng thời xử lý toàn bộ số rác hiện có ở Khánh Sơn. Bãi rác Khánh Sơn khi đó sẽ không còn rác nữa mà là khu công nghiệp xử lý, tái chế rác ở Đà Nẵng. Lãnh đạo thành phố cũng đã hết sức thận trọng, lựa chọn công nghệ tiên tiến và không gây bất cứ ô nhiễm nào,” ông Hùng biện minh.
Trong khi đó, trả lời người dân Khánh Sơn, ông Đặng Việt Dũng, phó chủ tịch thường trực Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng, chỉ nói “lãnh đạo thành phố sẽ ghi nhận ý kiến bà con để có những phương án phù hợp nhất với nguyện vọng của người dân và hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.” (Tr.N)

No comments:

Post a Comment