HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Công an Hà Tĩnh cho biết Formosa đang thải ra 14 nhóm chất thải với 64 danh mục của hàng ngàn tên chất thải độc hại khác nhau, nhưng không cung cấp cho cơ quan hữu trách để theo dõi, xử lý.
Theo báo Một Thế Giới ngày 6 Tháng Năm, 2019, trong công văn liên quan đến việc “Xử lý chất thải của Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS)” gửi Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Trọng Hải, giám đốc Công An tỉnh Hà Tĩnh, cho biết theo đánh giá của Cảnh Sát Môi Trường, Công An Hà Tĩnh, quá trình hoạt động của FHS “đã phát sinh rất nhiều loại chất thải, được phân thành 14 nhóm và 64 danh mục với hàng ngàn tên chất thải trên tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh hàng năm là 3,360,000 tấn.
Cụ thể: Bùn cán nóng phát sinh 35 tấn/ngày, lượng tồn kho 10,700 tấn; bùn phối trộn tồn kho 28,737 tấn; bùn lò cao phát sinh 200 tấn/ngày, lượng tồn kho 70,000 tấn; bùn lò chuyển phát sinh khoảng 128,000 tấn và xỉ thép phát sinh 2,500 tấn/ngày, tồn kho khoảng 780,000 tấn.
“Việc phân định các loại bùn, bụi đều do Formosa thuê các đơn vị tư nhân (được Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cấp phép) để phân tích các chỉ tiêu về môi trường và căn cứ vào đó để phân loại có nguy hại hay không. Trong khi đó, các cơ quan hữu trách không lấy mẫu đối chứng để kiểm tra tính chính xác của kết quả phân tích, do đó việc phân định chất thải rất khó mang tính khách quan, chính xác (như việc bùn lò cao trước đây phân tích là chất thải nguy hại, nhưng sau đó phân tích lại kết quả là chất thải thông thường). Đặc biệt, các kết quả phân tích chất thải ‘vượt ngưỡng,’ Formosa không cung cấp cho cơ quan hữu trách để theo dõi, quản lý,” theo công văn.
Bên cạnh đó, “Formosa cố tình đánh tráo tên các loại chất thải. Chẳng hạn, FHS gọi các loại bùn thải là ‘bùn quặng, bùn khoáng’… không thể hiện đúng bản chất. Bởi các loại bùn của Formosa là chất thải sản xuất công nghiệp, trong khi “bùn khoáng” là loại bùn thiên nhiên được hình thành do những biến đổi của địa chất là cố tình làm sai lệch bản chất của chất thải.”
Dù có đưa ra phương án tái chế chất thải rắn, bùn lò cao, lò chuyển chứa nhiều kẽm (Zn) không thể tái sử dụng trực tiếp bằng việc đầu tư lò đáy quay RHF dùng để tách kẽm trong bùn để tái sử dụng, nhưng chỉ đạt 30-70%, phần còn lại thì… chịu.
Bởi vì Formosa “không đánh giá các thành phần nguy hại khác trong bùn, sẽ gây nguy hại cho môi trường. Và khi xử lý xỉ thép bằng công nghệ lò điện hồ quang sẽ phát sinh khí thải SO2 lớn vì xỉ thép có hàm lượng lưu huỳnh cao…”
Cũng theo công văn này, trong bảy loại xỉ thép, có ba loại xỉ thép đã được “hợp chuẩn” dùng làm vật liệu cấp phối, san lấp cho công trình xây dựng, giao thông, phụ gia khoáng cho sản xuất xi măng cho chính FSH nhưng bốn loại còn lại là thép xỉ, bột xỉ từ lò chuyển, gang xỉ, bột từ xỉ khử lưu huỳnh được tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hoặc bán cho các nhà máy luyện thép.
“Trong đó, bột từ xỉ khử lưu huỳnh có hàm lượng lưu huỳnh cao (S), khi đưa vào các nhà máy luyện thép công nghệ lò điện hồ quang (công nghệ cũ) sẽ phát sinh khí thải SO2 rất lớn, nếu không có hệ thống xử lý khí thải được đầu tư bảo đảm sẽ gây ô nhiễm môi trường.”
Công an Hà Tĩnh đã yêu cầu Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cùng các bộ hữu trách “tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và yêu cầu” Formosa phân loại xử lý các loại chất thải theo đúng nội dung cam kết trong báo cáo ĐTM (đánh giá tác động môi trường) và quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Sau khi công văn trên được báo chí Việt Nam loan tin, công luận bất bình cho rằng, biển đã chết vì Formosa và tới đây có thể tài nguyên đất và không khí.
Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ phẫn nộ bày tỏ trên trang Facebook cá nhân: “Điều nguy hiểm là Formosa cố tình giấu nhẹm các cơ quan hữu trách, nhập nhèm không minh bạch trong vấn đề xử lý chất thải độc hại và người lãnh đủ sẽ là người dân Việt Nam, tài nguyên Việt Nam và môi trường Việt Nam. Trong khi đó, những kẻ mở cửa rước Formosa về giày mả tổ thì vẫn ung dung hưởng thụ những đồng tiền tanh bẩn từ việc bán đứng một vùng quê cho Formosa vùng vẫy.” (Tr.N)
No comments:
Post a Comment