ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Dịch tả heo Phi Châu đã xuất hiện tại hai huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai, đang làm giới chăn nuôi và người tiêu thụ sợ hãi trong nguy cơ có thể lan nhanh ra các tỉnh khác ở miền Nam. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng hai huyện này công bố dịch tả heo Phi Châu là “công bố ẩu.”
Tỉnh Đồng Nai với hàng trăm cơ sở nuôi heo từ lớn đến nhỏ được coi là “thủ phủ” của ngành nuôi heo tại Việt Nam. Hôm Thứ Ba, 7 Tháng Năm, 2019, báo Infonet cho hay: “Hai huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vừa công bố dịch tả lợn Châu Phi.”
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 4 Tháng Năm, Ủy Ban Nhân Dân huyện Trảng Bom có quyết định “công bố dịch đối với bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn xã Đồi 61, huyện Trảng Bom.” Cùng thời điểm này, Ủy Ban Nhân Dân huyện Nhơn Trạch cũng có quyết định “công bố dịch tả heo Châu Phi đã có tại địa bàn xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch từ ngày 2 Tháng Năm.”
Tuy nhiên, nói với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Văn Chánh, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đồng Nai – trưởng Ban Chỉ Đạo Phòng, Chống Khẩn Cấp Dịch Tả Heo Châu Phi, cho rằng Đồng Nai chưa có dịch tả heo Phi Châu, hai ổ dịch đó là dịch heo tai xanh, hai văn bản trên do hai huyện làm “ẩu.”
Theo báo Thanh Niên, Sài Gòn với hơn 7 triệu dân là khách hàng tiêu thụ nhiều thịt heo nhất từ Đồng Nai và cũng có rất nhiều trang trại chăn nuôi bên cạnh các gia đình nông dân nuôi heo ở các huyện ngoại thành. Khi được tin, chính quyền ở Sài Gòn đã vội vàng “tăng cường kiểm soát, thành lập thêm hàng loạt chốt chặn ở các khu vực cửa ngõ.”
Miêu tả dịch heo Phi Châu tại hai huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai, báo Infonet cho biết: “Tại huyện Trảng Bom, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện đầu tiên tại một hộ chăn nuôi thuộc ấp Tân Đạt, xã Đồi 61 vào ngày 24 Tháng Tư với tổng đàn 268 con. Tại huyện Nhơn Trạch cũng đã phát hiện có hai hộ chăn nuôi với tổng số 29 con có triệu chứng dịch tả lợn Châu Phi. Toàn bộ số lợn bệnh ở hai huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch đã được mang đi tiêu hủy.”
Khoảng hơn một tháng kể từ cuối Tháng Ba, 2019, cho đến khi có dịch ở Đồng Nai, người ta không thấy có thêm tin tức gì mới. Ngày 31 Tháng Ba, người ta thấy Bộ Nông Nghiệp và Phát Triền Nông Thôn CSVN cho biết có 476 xã của 91 huyện, thuộc 23 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch tả heo Phi Châu với 73,000 con heo bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy. Phần lớn là các tỉnh phía Bắc và Bắc miền Trung.
Có vẻ như đèo Hải Vân và dải đồi núi chập chùng ngăn đôi hai miền Nam Bắc đã cản trở đường “Nam tiến” của dịch tả heo Phi Châu về phía Nam được ít tuần lễ. Nhưng nay không phải Quảng Nam, tỉnh gần với Thừa Thiên-Huế có dịch, mà vào sâu tận phía Nam, nơi được mô tả là “thủ phủ” của kỹ nghệ nuôi heo Việt Nam.
Như vậy, thêm tỉnh Đồng Nai, dịch tả heo Phi Châu đã xảy ra tại 24 tỉnh, thành phố tại Việt Nam theo thứ tự trước sau là Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên-Huế, Lai Châu, Bắc Giang, Quảng Trị, Vĩnh Phúc và Đồng Nai.
Theo báo Dân Việt, “Điều đáng nói là, ý thức phòng bệnh của người dân thực sự chưa cao, những người dân sinh sống dọc tuyến đường liên huyện nối xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất) đi xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) phản ánh về tình trạng xác heo chết vứt bừa bãi bên đường, gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ xảy ra dịch bệnh.”
Nếu các biện pháp đối phó thụ động và kém hiệu quả, dịch sẽ rất có thể lây lan nhanh ra các tỉnh chung quanh, ông Nguyễn Kim Đoán – phó chủ tịch Hiệp Hội Chăn Nuôi tỉnh Đồng Nai – cho rằng rất có thể cuối năm 2019 sẽ có một đợt “khủng hoảng thiếu” thịt heo do nhiều địa phương ở miền Bắc đang có dịch tả heo Phi Châu. Dịch bây giờ xuất hiện ngay tại miền Nam, nguy cơ thiếu thịt heo lại càng nghiêm trọng hơn đối với loại thịt quen thuộc nhất trong các bữa cơm của người Việt.
Theo báo Dân Việt hôm Thứ Hai, giá heo hơi cả nước “vừa tăng nhẹ trở lại được hơn một tháng sau chuỗi ngày giá xuống thấp, thị trường ảm đạm vì ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi ở các tỉnh phía Bắc, thì mới đây, giá heo hơi ở nhiều tỉnh thành lại tiếp tục đi xuống, nhất là khu vực Đông Nam Bộ giá heo hơi đang giảm rất nhanh, khiến bà con chăn nuôi vô cùng lo lắng.”
Vẫn theo báo Dân Việt, ngay thời điểm xuất hiện dịch tả heo Phi Châu tại các tỉnh phía Bắc, tỉnh Đồng Nai đã “ban hành kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch tả heo châu Phi. Tỉnh dự tính sẽ chi 17.3 tỷ đồng (hơn $742,568) nhằm chủ động phòng, chống hiệu quả dịch tả heo Châu Phi; khống chế, dập tắt dịch bệnh khi mới phát hiện và còn ở diện hẹp; sẵn sàng ứng phó nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo cho sản xuất chăn nuôi phát triển.”
Mới “dự tính” đối phó thì dịch đã đến rồi. (TN)
No comments:
Post a Comment