Hoài Hương-VOA-05/04/2019
Nữ diễn viên Mỹ Jane Fonda ngồi trên nòng súng phòng không, hát một bài ca phản chiến tặng bộ đội miền Bắc gần Hà Nội trong chiến tranh Việt Nam vào tháng 7/1972. Hành động phản chiến của bà bị nhiều cựu chiến binh Mỹ coi là hành động 'phản bội'
Gần 47 năm sau khi tới thăm Hà Nội vào cao điểm của chiến tranh Việt Nam, nữ minh tinh màn bạc Mỹ Jane Fonda vẫn phải trả giá cho chuyến đi định mệnh, dù trong quá khứ, bà dã nhiều lần ngỏ lời xin lỗi các cựu chiến binh Mỹ về ‘sai lầm không thể tha thứ’ của mình.
Mới đây, ‘Hà Nội Jane’, biệt danh được đặt cho nữ diễn viên Jane Fonda, lại xuất hiện trên báo chí Mỹ khi Giám sát viên Greg Lazzaro của Hội đồng Giám sát thị trấn Seneca Falls, bang New York, yêu cầu ngưng tài trợ và cắt đứt quan hệ với Viện Vinh danh Phụ nữ Quốc gia (National Women’s Hall of Fame), vì Viện này đã chọn Jane Fonda vào danh sách 10 phụ nữ được vinh danh trong năm 2019.
“Những hành động của Jane Fonda, ... chụp ảnh với bộ đội miền Bắc trong khi ngồi trên nòng súng phòng không dùng để bắn hạ máy bay Mỹ, gây chia rẽ đất nước chúng ta, các cựu chiến binh mãi cho tới bây giờ, vẫn coi đây là một hành động phản quốc.”Greg Lazarro, thành viên Hội đồng Giám sát thị trấn Seneca Falls, New York
Đề nghị của Giám sát viên Lazzaro đã bị bác vào đêm 2/4, tuy nhiên cuộc tranh luận gay gắt về công và tội của Jane Fonda, gần 50 năm sau chuyến đi thăm Hà Nội vào lúc chiến tranh Việt Nam lên tới cao điểm, nêu bật một lần nữa tính cách nhạy cảm và sự chia rẽ sâu xa trong xã hội Mỹ vì chiến tranh Việt Nam, trong đó hơn 58.000 binh sĩ Mỹ đã hy sinh.
Ông Lazzaro đơn cử những hành động phản chiến của Jane Fonda trong thời chiến tranh Việt Nam để giải thích vì sao ông đề nghị ngưng tài trợ và cắt đứt quan hệ với Viện Vinh Danh Phụ nữ Quốc gia. Ông nói ông hành động vì lòng tôn trọng dành cho các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, vốn không thể tha thứ những hành động ‘phản bội’ của Jane Fonda.
Nghị quyết được giám sát viên Lazarro phổ biến tuần trước, có đoạn viết:
“Những hành động của Jane Fonda, như tiếp tế vật dụng y tế, thuốc men cho Bắc Việt trong thời chiến tranh Việt Nam, châm biếm các tù nhân chiến tranh Mỹ bị bắt ở Việt Nam,… chụp ảnh với bộ đội miền Bắc trong khi ngồi trên nòng súng phòng không dùng để bắn hạ máy bay Mỹ, đã gây chia rẽ đất nước chúng ta, khiến cho các cựu chiến binh từng chiến đấu ở Việt Nam mãi cho tới bây giờ, vẫn coi là một hành động phản quốc.”
Thời gian vẫn chưa xóa nhòa được hình ảnh của ‘Hanoi Jane’ mặc áo bà ba, ngồi trên nòng súng, cười tươi như hoa chụp ảnh chung với bộ đội phòng không Bắc Việt. Hình ảnh cô diễn viên sáng giá của Mỹ, đoạt giải Oscar, đứng về phe “địch” vào một ngày tháng 7 năm 1972, vẫn còn đậm nét trong ký ức của những cựu chiến binh Mỹ từng bị cầm tù, hay đổ máu trên chiến trường Việt Nam, nhưng may mắn hơn nhiều động đội, còn sống sót để trở về.
Seneca Falls là một thị trấn nhỏ nhưng đóng vai trò lịch sử vì là nơi khai sinh của phong trào Nữ quyền tại Hoa Kỳ. Hội nghị đầu tiên về quyền phụ nữ tổ chức tại đây vào năm 1898 - được coi là một bước ngoặt quan trọng, dẫn đến nước Mỹ hiện đại, trong đó phụ nữ được quyền đi bầu, và những đóng góp của phụ nữ được thừa nhận và vinh danh.
Ngoài Jane Fonda, trong 10 phụ nữ được vinh danh năm nay còn có cố dân biểu Louise Slaughter và Thẩm phán Tòa án Tối cao Sonia Sotomayor.
No comments:
Post a Comment