Theo VOA-Phạm Chí Dũng/04/04/2019
Thủ Thiêm, một trong những "nhức nhối" lớn nhất liên quan đến đất đai ở Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam vừa gây thêm ‘tội ác’ khi một lần nữa cố tình luồn lách nhằm kéo dài thời hạn trình ra Quốc hội Luật Đất Đai - bộ luật mà đã trở thành một trong những tội ác lớn nhất trong lịch sử đảng CSVN khi luôn mặc định ‘sở hữu đất đai toàn dân’ mà không chịu công nhận quyền sở hữu đất đai tư nhân và đã làm lợi cho vô số nhóm lợi ích - quan chức khi biến Đất thành Đô (dân gian đương đại Việt Nam thường gọi là ‘Hai Đê’), trong khi biến hàng triệu người dân Việt thành dân oan đất đai.
‘Tội ác’ mới
Tại phiên họp của Ủy ban Pháp luật quốc hội diễn ra trong hai ngày 25 và 26 tháng 3 năm 2019, sau khi xuất hiện một số ý kiến của đại biểu quốc hội yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ Luật Đất đai sửa đổi để sẵn sàng đưa vào chương trình và trình Quốc Hội, phía Chính phủ đã đề nghị rút dự án Luật Đất đai sửa đổi khỏi chương trình năm 2019 cho đến sau năm 2020, với lý do để cho việc sửa đổi thật “chín”.
Bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường Trần Hồng Hà, đại diện của cơ quan được chỉ định nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai 2013, cũng là tác giả kiêm đạo diễn của thảm họa xả thải môi trường Formosa mà đã đẩy đến nửa triệu dân các tỉnh miền Trung vào cảnh khốn quẫn nhưng vẫn không hề bị xử lý bằng bất kỳ hình thức pháp luật nào, cho rằng “đất đai tại Việt Nam là một lãnh vực nhạy cảm và phức tạp và khi thực hiện sửa đổi thì càng thấy khó khăn và vướng mắc”.
Không thể cho rằng Trần Hồng Hà và những quan chức của chính phủ trực tiếp liên quan đến đất đai như Nguyễn Xuân Phúc - thủ tướng, Trương Hòa Bình - phó thủ tướng thường trực và cả giới quan chức bên đảng của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng không nằm lòng những bản báo cáo của các cơ quan Thanh tra chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường về một chủ đề cực kỳ nhạy cảm: đơn thư khiếu tố đất đai chiếm đến 85 - 90% tổng số đơn thư khiếu nại tố cáo, đưa chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam trở thành một trong những dẫn chứng chói lọi nhất trên bảng vàng tham nhũng đất đai và cưỡng đoạt nhân dân - theo thống kê của các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Đề nghị rút Luật Đất Đai của phía chính phủ - bị nghi ngờ rất lớn về việc có bàn tay ‘thày dùi’ của một số nhóm lợi ích, tài phiệt, quan chức “vấy máu ăn phần” trong đó, xảy đến trong bối cảnh cơn ung thư cưỡng chế đất vẫn không hề thuyên giảm trên toàn cõi Việt Nam, khiến cho ngày càng nhiều người dân trắng tay ngay trên mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. Vụ ‘cướp sạch’ 5 ha đất Vườn Rau Lộc Hưng do chính quyền TP.HCM đích danh thủ phạm vào giáp tết nguyên đán 2019 là chứng cứ mới nhất, quá đủ để thiết lập một phiên tòa xử giới quan chức về tội, lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái và biến người dân thành kẻ thù bất đắc dĩ của chế độ cầm quyền cường bạo này.
Nhìn lại tội ác cũ
Việt Nam từ sau thời mở cửa kinh tế những năm 90 của thế kỷ 20 đã chứng kiến vô số cảnh lấy đất, cướp đất tàn bạo của nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Có hàng ngàn ví dụ trong một phần tư thế kỷ qua ở Việt Nam, kể từ thời điểm bắt đầu đường parabol hướng lên của thị trường bất động sản từ năm 1995 và kéo theo rất nhiều vụ thu hồi đất không thỏa đáng, trái pháp luật và sau này là bất chấp đạo lý đối với nông dân.
Cùng với cơ chế đền bù cho nông dân với giá chỉ bằng 1/10 đến 1/20 giá thị trường, rất nhiều khuôn mặt đại gia đã phất lên qua những con sóng bất động sản từ năm 1995 đến năm 2011. Rất nhiều nạn nhân liên quan đến chính sách thu hồi đất đai đã phải ròng rã khiếu kiện nhiều năm trời, tạo thành những đám đông biểu tình ghê gớm. Nhiều nạn nhân đã phải vào tù chế độ và trở thành tù nhân lương tâm.
Tất cả những bất công trên đã tích tụ đủ dày để biến thành ý thức phản kháng của một bộ phận nông dân bị mất đất, biến họ thành dân oan và tạo nên mối xung khắc, dẫn tới xung đột với giới quan chức chính quyền tại nhiều địa phương. Vụ thu hồi đất hết sức bất công tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên năm 2012, vụ âm mưu ‘cướp sạch’ 59 ha đồng Sênh của người dân xã Đồng Tâm ở Hà Nội năm 2017, vụ ‘cướp trắng’ khổng lồ ở khu đô thị mới Thủ Thiêm tại Sài Gòn mà hậu quả còn kéo dài đến nay là những bằng chứng điển hình.
Đặc thù tâm lý trong xã hội Việt Nam là lòng dân càng bất mãn thì phản ứng của người dân càng lúc càng trở nên thiếu kiềm chế. Trong một số vụ việc những năm gần đây, đã xuất hiện dấu hiệu vượt khỏi tâm lý kiềm tỏa sợ hãi để bước đến tâm trạng phản kháng, thậm chí sẵn sàng đối đầu, cho dù đó chỉ là hành động đối kháng tự phát chứ không được tổ chức. Có thể nêu ra hàng loạt vụ việc người dân phản ứng về đất đai ở nhiều địa phương như Nam Định, Bắc Giang, Hưng Yên, Nghệ An, Sài Gòn… và ngay tại ngoại thành Hà Nội, rất gần với tổng hành dinh của chính phủ và Bộ Chính Trị đảng. Việc ngày càng hiện ra những người dân như Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng năm 2012 và Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình năm 2013 nổi lên chống đối chính quyền chính là điển hình cho lòng phẫn uất đã biến thành tự phát vô cảm đến mức bất chấp của dân oan, đối diện với thói vô lương tâm của giới quan chức địa phương.
“Tập trung tích tụ đất đai” cho kẻ nào?
Trong khi hoàn toàn chưa có cơ sở nào để tin rằng chủ trương “Tập trung tích tụ đất đai” của đảng cầm quyền sẽ “tăng năng suất lao động và làm cho nông dân đỡ khốn khổ hơn” như lối tuyên giáo không còn biết liêm sỉ là gì của hệ thống báo đảng, chủ trương này đã bị biến thành công cụ của những kẻ “tay không bắt giặc”, không chỉ là tai họa xã hội mà còn là một nguy cơ chính trị khủng khiếp đối với chế độ theo cách “chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân.”
Dù chưa chính thức, “Tập trung tích tụ đất đai” bắt đầu bị soi mói lợi dụng, và nếu không được kiểm soát chặt chẽ, vô hình trung chủ trương này có thể tiếp tay cho hành vi “lấy của người nghèo chia cho người giàu.”
Hãy nhớ, tương tự như xã hội Trung Quốc, khoảng 70% triệu phú và tỷ phú đô la ở Việt Nam có xuất thân “đi lên từ đất”. Xã hội Việt Nam cũng bổi thế đang ‘vươn lên một tầm cao mới’ bằng sự phân hóa ghê gớm giữa giai tầng tỷ phú đô la đang đội cao như núi với vô số dân chúng bị nghèo hóa và bần cùng hóa, lao đến một tương lai không lối thoát.
Vườn Rau Lộc Hưng cũng là một trong những biểu hiện đầu tiên về chủ trương ‘tập trung tích tụ đất đai’ của đảng cầm quyền - phát sinh từ năm 2017 - khiến người nông dân Việt Nam mất đi mảnh đất ở và kế sinh nhai cuối cùng.
Tìm mọi cách câu giờ để không chịu sửa đổi Luật Đất Đai theo hướng công nhận quyền sở hữu tư nhân nhưng lại đẩy nhanh tốc độ ‘tập trung tích tụ đất đai’ vào tay các nhóm lợi ích mafia, đã quá rõ là Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tập đoàn lợi ích móc xích với quan chức đang lao vào hội chứng ‘hốt cú chót’ khi chứng kiến màn đêm buông trùm lên chế độ.
Đó là một thứ tội ác thuộc loại trời không dung đất không tha, sẽ bị người dân mở tòa xét xử trong không bao lâu nữa - đối với từng quan chức vấy máu ăn phần - khi bóng đêm không còn ngự trị trên dải đất quằn quại chữ S này nữa.
No comments:
Post a Comment