VOA Tiếng Việt/31/01/2019
Trung tá Huỳnh Minh Lễ, Phó công an phường Phú Thạnh, dùng chân đạp người làm chứng đang nằm trên nền trụ sở công an phường. (Ảnh chụp màn hình Zing News)
Một cuộc tranh luận đã nổ ra trên mạng xã hội trong mấy ngày qua sau khi truyền thông nhà nước Việt Nam mô tả hành động một người mặc sắc phục công an đạp vào một người dân thường nằm trên sàn nhà trong một đoạn video được chia sẻ rộng rãi trên Facebook, là hành vi dùng chân ‘tác động’ vào người dân.
Truyền thông do Nhà nước quản lý hôm 30/1 đồng loạt đưa tin một phó trưởng công an phường ở tỉnh Phú Yên vừa bị tạm đình chỉ công tác do đã dùng chân đạp vào một nhân chứng trong vụ ẩu đả tại Phú Thạnh, thành phố Tuy Hòa. Trành cãi bùng ra sau khi tờ Tuổi Trẻ và một số báo, đài dùng từ “tác động” để tả hành vị bạo lực trên tiêu đề, mặc dù bài báo có đăng kèm video quay cảnh một công an đang đạp vào người dân.
Bắt đầu từ chiều tối 29/1, trên Facebook xuất hiện 2 đoạn video clip liên quan đến vụ việc này.
Tuổi Trẻ hôm 30/1 đăng tải một bài viết có tiêu đề “Tạm đình chỉ công an dùng chân ‘tác động’ vào người làm chứng” đi kèm với 1 clip ngắn khoảng 30 giây quay cảnh một người mặc trang phục cảnh sát, sau này được xác định là Trung tá Huỳnh Minh Lễ - phó công an phường Phú Thạnh, dùng chân phải đạp vào một người đàn ông đang nằm ngửa trong phòng làm việc.
Theo báo Tuổi Trẻ và Pháp Luật, người đàn ông bị đạp vào ngực là Lê Hữu Quốc, một nhân chứng trong một vụ ẩu đả tại địa phương.
Tuổi Trẻ trích lời đại tá Nguyễn Văn Dũng, trưởng Công an Tuy Hòa nói: "Theo báo cáo ban đầu, anh Quốc có uống bia rượu, nói lớn tiếng nên khi ông Lễ nhắc nhở thì nằm vạ. Ông Lễ đã có hành vi không đúng khi lấy chân ‘tác động’ vào người anh Quốc. Chúng tôi đã tạm đình chỉ công tác đối với ông Lễ để làm tường trình, xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định."
Nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ bài viết của Tuổi Trẻ cũng như của VTC và chỉ trích cách dùng từ trong tiêu đề của bài viết khi cho rằng đó là một cách để làm giảm nhẹ bản chất hung bạo của công an.
Một Facebooker có tên Thuan To Van viết “đạp thì nói là đạp sao lại gọi là tác động.’ Nhiều người dùng mạng xã hội khác cũng đưa ra những ý kiến tương tự.
Nguyễn Lê Bằng, cũng là một người dùng Facebook, cho rằng “báo lề đảng vắt óc moi tim mãi mới ra cụm (từ) lấy chân tác động để đánh tráo khái niệm.”
Một số nhà báo tự do cho rằng Tuổi Trẻ đã tự kiểm duyệt khi đưa tin về vụ việc này. Tuổi Trẻ Online bị đình bản 3 tháng hồi năm ngoái và bị phạt 220 triệu đồng sau khi “thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết ‘Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình’” đăng ngày 19/6.
Việt Nam phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế về cách đối xử tàn bạo của công an trong những năm gần đây.
Tháng 11 vừa qua, Việt Nam lần đầu tiên phải điều trần trước Ủy ban chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc ở Thụy Sỹ. Theo đánh giá của các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền quốc tế, tình trạng công an sử dụng bạo lực đối với người dân hiện đang trở nên tràn lan tại Việt Nam.
No comments:
Post a Comment