Sunday, January 13, 2019

Họ đang làm gì với Cái Lớn – Cái Bé?

Theo VOA-Trân Văn/14/01/2019 
Sơ đồ dự án hệ thống cống đập chắn mặn trên Sông Cái Lớn- Sông Cái Bé, sẽ tác động trên 1/4 diện tích toàn ĐBSCL và ảnh hưởng tới đời sống hàng triệu cư dân trong vùng. [nguồn: Ánh Sáng và Cuộc Sống - Ngô Thế Vinh cung cấp]
Sơ đồ dự án hệ thống cống đập chắn mặn trên Sông Cái Lớn- Sông Cái Bé, sẽ tác động trên 1/4 diện tích toàn ĐBSCL và ảnh hưởng tới đời sống hàng triệu cư dân trong vùng. [nguồn: Ánh Sáng và Cuộc Sống - Ngô Thế Vinh cung cấp]
Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Bộ NN – PTNT) vừa phê duyệt “Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1” (1). Động tác này chẳng khác gì việc định nghĩa lại cống hiến theo hướng: Vận động trí thức hiến hết tâm lực, trí lực để giới hữu trách vứt xuống… cống!
***
Bộ NN – PTNT trình “Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1” cho Thủ tướng Việt Nam hồi tháng 4 năm 2017 và 12 ngày sau, dự án trị giá 3.309,5 tỉ đồng này được Thủ tướng Việt Nam phê duyệt.
Trong khi Bộ NN – PTNT Việt Nam khẳng định, dự án vừa giúp kiểm soát mặn trong khu vực có diện tích 909.000 héc ta, vừa giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu thuộc lưu vực sông Cái Lớn - Cái Bé. Đồng thời, góp phần phát triển thủy sản ở vùng ven biển Kiên Giang. Chủ động ứng phó biển đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô, phòng chống cháy rừng, đặc biệt trong những năm hạn hán, góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua cải tạo đất phèn và kết hợp phát triển giao thông thủy bộ trong vùng dự án... thì nhiều chuyên gia phân tích đó là ảo vọng, không chỉ làm công khố mất toi 4.000 tỉ mà còn hủy diệt môi trường, kinh tế, xã hội ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Ông Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia nghiên cứu độc lập về ĐBSCL, từng chỉ ra hàng loạt điểm bất ổn về đủ mặt: Mức độ cần thiết. Mức độ cấp bách. Tính khả thi. Tác động môi trường. Sẽ gây hối tiếc cao. Cơ sở để truy cứu trách nhiệm,… Ông Thiện phân tích, lịch vận hành – lõi của dự án – được dự trù 24 ngày/năm (mỗi lần sáu ngày, tương đương bốn lần/năm) là hết sức vô lý vì không xác định khác biệt giữa năm có lũ và năm bị hạn hán. Cũng vì vậy, ông thắc mắc, thời hạn sử dụng của công trình là cả trăm năm, khi công trình hoàn tất, ai dám khẳng định là trong 100 năm ấy mọi thứ sẽ ổn định để lịch vận hành luôn luôn như thế? Ông Thiện lên án các viên chức hữu trách liên tục đem biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao ra hù dọa công chúng để có cớ thực hiện dự án: Nước biển sẽ dâng 65 cm vào năm 2100 là giả định. Nếu giả định đó đúng, không phải 909.000 héc ta ở ĐBSCL sẽ chìm trong nước và 3,6 triệu người hết đất sống. Thời điểm ấy, chắc chắn cư dân trong khu vực này không chỉ có 3,6 triệu như Bộ NN – PTNT tính toán để khăng khăng đòi chi 4.000 tỉ đồng ngay vào lúc này (2)…
Tương tự, ông Dương Văn Ni, một chuyên gia về đa dạng sinh học, làm việc tại Đại học Cần Thơ, lưu ý, hai sản phẩm chủ lực của Bán đảo Cà Mau là lúa và tôm. Cả hai vốn có nhu cầu mâu thuẫn với nhau về nguồn nước: Tôm cần nước có độ mặn còn lúa thì không. Vấn đề của ĐBSCL là sự đa dạng về cây trồng, vật nuôi, chứ không phải giải mâu thuẫn mặn ngọt như dự án nhắm tới. Ông Ni cảnh báo: Không nhìn ra điều đó, chính quyền địa phương – được giao trách nhiệm giữ gìn công trình - sẽ xem dân chúng như những kẻ phá hoại, còn dân chúng sẽ nhìn chính quyền địa phương đối tượng cản trở họ kiếm sống. Giống như ông Thiện, ông Ni, sau khi phân tích cặn kẽ cả bốn mục tiêu của “Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1”, ông Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu của Đại học Cần Thơ, kết luận: Cả bốn mục tiêu đều thiếu khả thi, không thuyết phục và không nên thực hiện vào thời điểm này (3). Ông Nguyễn Ngọc Trân, người từng là Chủ nhiệm một chương trình nghiên cứu cấp quốc gia về ĐBSCL trong bảy năm từ 1983 đến 1990, tán thành và nhắc nhở: “Phải cân nhắc để đầu tư không hối tiếc”!
***
“Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1” đã buộc một nhóm sáu nhà khoa học (Lê Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Thiện, Dương Văn Ni, Nguyễn Hồng Tín, Đặng Kiều Nhân) vốn gắn bó với ĐBSCL tiến hành khảo sát, đánh giá hiệu quả các hệ thống ngăn mặn từng được thực hiện trước đó (Ngọt hóa bán đảo Cà Mau, Cống đập Ba Lai, Thoát lũ ra biển Tây, Âu thuyền Tắc Thủ...) (4).
Theo kết quả cuộc khảo sát đó, những hệ thống ngăn mặn mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam từng thực hiện trong qúa khứ tại ĐBSCL, không chỉ vứt bỏ những khoản tiền khổng lồ, phần lớn là vay, đến nay dân chúng vẫn còn đang gồng mình đóng đủ loại thuế, phí để hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam trả cả vốn lẫn lãi, mà còn phá nát đồng bằng trù phú nhất Việt Nam này.
Bởi đắm đuối với ngăn mặn, ngọt hóa, những hệ thống ngăn mặn đẩy nông dân đến chỗ bần cùng và phong trào phá cống – đập ngăn mặn nhằm nuôi tôm kiếm sống đã lan khắp bán đảo Cà Mau trong nửa cuối thập niên 1990. Bởi những cống – đập ngăn mặn làm nước tù đọng, sông, rạch bị ô nhiễm nặng nề, không còn nguồn nước trong lành dùng cho ăn uống, tắm giặt, dân chúng ĐBSCL phải khai thác nước ngầm và đó là lý do khiến bề mặt ĐBSCL sụt lún rất nhanh – gấp nhiều lần mức nước biển dâng. Những cống – đập ngăn mặn còn là thủ phạm khiến các loại thủy sản vốn hết sức phong phú biến mất vì hệ sinh thái sông ngòi bị chuyển thành hệ sinh thái hồ. Nguồn thủy sản của sông, rạch bên trong các cống - đập ngăn mặn ít hơn bên ngoài ít nhất ba lần.
Về lý thuyết, việc đổ tiền vào đủ loại công trình ngăn mặn nhằm mở rộng diện tích trồng lúa, gia tăng số vụ lúa/năm, nâng kim ngạch xuất khẩu gạo nhưng trong thực tế, chúng làm chất lượng đất nhanh chóng suy kiệt. Chẳng riêng lúa, tất cả các loại cây trồng khác đều chậm phát triển, dễ chết, chi phí dành cho sản xuất nông nghiệp tăng vọt. Do các loại cây trồng càng ngày càng phụ thuộc vào những tác nhân hóa học (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), môi trường sống bị đầu độc trên diện rộng. Tất cả những tác động đó hòa quyện vào nhau và hậu quả là nông dân ĐBSCL phải đốn bỏ hàng ngàn héc ta vườn cây ăn trái để trồng mía. Mía cũng thất bại nên họ buông bỏ mía, chuyển sang trồng tràm, song ngay cả tràm cũng chậm phát triển hơn nhiều nơi khác.
Đủ loại công trình ngăn mặn còn khiến các mảng cây rừng ven biển bị suy kiệt mà chết dần, sạt lở ven biển gia tăng, giờ trở thành phổ biến khắp .ĐBSCL. Giao thông đường thủy – đặc trưng và cũng là ưu thế riêng của ĐBSCL – cũng tàn lụi vì bất tiện, chi phí cao… ĐBSCL không còn là nơi đáng sống, cư dân sống bên trong các công trình ngăn mặn lũ lượt bỏ xứ tha phương cầu thực và nay, vấn nạn xã hội này dù nhãn tiền nhưng nan giải.
***
Kết quả khảo sát, đánh giá hiệu quả các hệ thống ngăn mặn từng được thực hiện trước đây ở ĐBSCL, rồi những phân tích sâu, cảnh báo cả về tính khả thi lẫn tác hại đủ mặt của “Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1” vẫn không làm giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam bận tâm. Bộ NN – PTNT vẫn phê duyệt để triển khai dự án này.
Ngoài 9,5 tỉ sẽ được rút ra từ công khố, chính phủ Việt Nam sẽ phát hành lượng trái phiếu trị giá 3.000 tỉ để thực hiện “Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1”. Ai sẽ trả cả vốn lãi cho dự án này? Toàn dân, bất kể nam, phụ, lão, ấu, kể cả những đứa trẻ chưa sinh ra đời!
Giống như những hệ thống ngăn mặn mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam từng thực hiện trong qúa khứ tại ĐBSCL, cho dù chúng đã phá nát khu vực trù phú này nhưng toàn dân vẫn phải còng lưng gánh chi phí duy tu, bảo dưỡng, vận hành, toàn dân sẽ tiếp tục gánh thêm các chi phí tương tự phát sinh từ việc thực hiện “Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1”.
Nếu “Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1” không sinh lợi, chỉ tạo thêm tốn kém và tác hại như các chuyên gia đã cảnh báo thì sao? Chẳng sao cả. Cứ nhìn lại lịch sử các dự án: Ngọt hóa bán đảo Cà Mau, Cống đập Ba Lai, Thoát lũ ra biển Tây, Âu thuyền Tắc Thủ... nay đã thành công trình hủy diệt ĐBSCL, có ai bị truy cứu trách nhiệm không? Gần hơn, có ai bị truy cứu trách nhiệm khi gạt bỏ tất cả các ý kiến can gián, cương quyết khai thác bauxite ở Tây Nguyên không?
Không thì hà cớ gì không làm, hà cớ gì phải bận tâm đến các thông tin, ý kiến phản biện. Tâm huyết, trí lực, sức lực của đám chuyên gia, trí thức, thích luận bàn, phân tích thiệt hơn, tương lai của một khu vực, tiền đồ của một quốc gia, một dân tộc đâu có sờ, đếm được như những khoản lót tay, rải đều từ trên xuống dưới trong toàn hệ thống.
Chú thích

No comments:

Post a Comment