Thursday, September 19, 2019

Trung Cộng tố ngược CSVN ‘vi phạm vùng biển Bãi Tư Chính’

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSTQ (trái) và CSVN. (Hình: Thông Tin Chính Phủ, VOV.vn)
BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Trong bối cảnh nhà cầm quyền CSVN vẫn không có phản ứng nào mạnh mẽ hơn trước việc tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống quay lại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, hôm 18 Tháng Chín, ông Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSTQ lên tiếng: “Trung Quốc có chủ quyền đối với Quần đảo Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển lân cận của bãi Tư Chính. Điều này có cơ sở vững chắc về lịch sử và pháp lý.”
“Từ Tháng Năm, 2019, phía Việt Nam đã tiến hành khai thác dầu khí đơn phương tại bãi Tư Chính, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Trung Quốc. Đây cũng là hành vi vi phạm các thỏa thuận song phương, gồm Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam với Trung Quốc, vi phạm Điều 5 trong Tuyên Bố Về Ứng Xử Của Các Bên ở Biển Đông (DOC), và vi phạm các điều khoản liên quan trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Phía Việt Nam cần chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm đơn phương của mình để trả lại sự bình yên cho vùng biển liên quan!,” ông Cảnh Sảng nói.
Ông này cũng không quên nói thêm rằng các hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông “là hợp pháp, chính đáng và không có gì để than phiền” cũng như hứa hẹn “tiếp tục hợp tác với phía Việt Nam để xử lý các vấn đề liên quan thỏa đáng thông qua các cuộc tham vấn hữu nghị”.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 12 Tháng Chín, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao CSVN được ghi nhận chỉ lặp lại phát ngôn “quan ngại” quen thuộc: “Nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam lần thứ ba từ ngày 7 Tháng Chín. Yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức nhóm tàu này! Việt Nam cũng kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế.”
Hôm 19 Tháng Chín, trang Dự Án Đại Sự Ký Biển Đông cho hay: “Bản đồ AIS vệ tinh cho thấy trung bình mỗi ngày tàu Hải Dương Địa Chất 8 hoàn thành một vòng khảo sát. Tình hình thời tiết [tại khu vực bãi Tư Chính] dường như đang ủng hộ việc ‘đan áo’ của tàu Hải Dương Địa Chất 8. Mà nếu biển động, thời tiết xấu thì nhóm tàu cũng chỉ mất nửa ngày để tới Đá Chữ Thập trú đậu an toàn. Giờ đây, với hệ thống đảo nhân tạo và đặc biệt là Đá Chữ Thập, việc duy trì một chiến dịch lâu dài xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã trở nên thuận lợi hơn nhiều cho Trung Quốc. Tuy vậy, ở khu vực lô 06.1, sự hiện diện của các tàu hỗ trợ giàn khoan cho thấy dường như giàn khoan[của Việt Nam] vẫn đang hoạt động.”
Ông Ryan Martinson, giáo sư của trường Cao Đẳng Hải Chiến Hoa Kỳ, bình luận trên Twitter: “Nếu khôn ngoan, Chính Phủ Hoa Kỳ sẽ lên án Bắc Kinh vì đã dùng biện pháp cưỡng bách để duy trì một yêu sách bất hợp pháp; cấm Cục Khảo Sát Địa Chất Trung Quốc tiếp cận các cảng cũng như tiến hành các cuộc thăm dò tại vùng đặc quyền kinh tế của Hoa Kỳ trong tương lai. Ngoài ra, Chính Phủ Hoa Kỳ cần chia sẻ thông tin về những gì đang diễn ra ở đó [Biển Đông]”.
Ông Martinson cũng nói thêm: “Tôi nghĩ rằng chính phủ Hoa Kỳ có thể/nên chọn phe trong vụ này [đối đầu tại bãi Tư Chính] vì đây không phải là về chủ quyền đảo mà là quyền Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Phán quyết định của tòa án [Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, PCA] hồi năm 2016 khiến vụ này rất dễ hiểu.”
Trong một diễn biến khác, dường như để tránh làm nhà cầm quyền CSTQ phật ý, Ban Tuyên Giáo CSVN đã lệnh không cho các báo lớn ở Việt Nam hôm 18 Tháng Chín tường thuật sự kiện Joshua Wong, lãnh đạo phong trào Dù Vàng, tổng thư ký đảng Demosito, vừa điều trần trước Quốc Hội Mỹ vào nửa đêm (giờ Việt Nam). Chỉ có báo Phụ Nữ TP.HCM hôm 18 Tháng Chín đăng bài “Hoàng Chí Phong [Joshua Wong] điều trần trước Quốc Hội Mỹ” nhưng sau đó vài giờ đã lập tức gỡ link bài. Các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Zing, Người Lao Động, Pháp Luật TP.HCM, VietNamNet… đều chọn cách né tránh đăng tin về sự kiện “nhạy cảm, có thể khiến nhà cầm quyền Trung Cộng” phật ý. (T.K.)

No comments:

Post a Comment