Trung Khang, RFA-2019-07-01
Kết luận Thanh tra Thủ Thiêm vừa được Thanh tra Chính phủ công bố vào chiều ngày 26 tháng 6 năm 2019, trong đó chỉ ra những sai phạm cụ thể ở Thủ Thiêm. Và Thanh Tra Chính Phủ nêu yều cầu là nếu không khắc phục được vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12, thì hồ sơ sẽ bị chuyển sang Cơ quan Điều tra.RFA Edited
Kết luận Thanh tra Thủ Thiêm vừa được Thanh tra Chính phủ công bố vào chiều ngày 26 tháng 6 năm 2019, trong đó chỉ ra những sai phạm cụ thể ở Thủ Thiêm. Và Thanh Tra Chính Phủ nêu yều cầu là nếu không khắc phục được vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12, thì hồ sơ sẽ bị chuyển sang Cơ quan Điều tra.
Tuy nhiên, tại sao có sai phạm, nhưng không đề nghị khởi tố vụ án hình sự, mà chỉ nộp lại các khoản thiệt hại?
Cụ thể theo kết luận của Thanh Tra Chính Phủ, lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành điều lệ quản lý xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa đầy đủ, kịp thời; không thực hiện việc lập các dự án theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo qui định theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, các sở, ngành như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm… còn sai phạm trong giao đất, cho thuê đất trước khi đầu tư xây dựng hạ tầng, chỉ định nhà đầu tư không đúng quy định…
Với những sai phạm này, Thanh Tra Chính Phủ kết luận, Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh phải thu hồi, hoàn trả ngay khoản tiền hơn 26 ngàn tỷ đồng tạm ứng từ ngân sách nhà nước đã đầu tư vào Thủ Thiêm. Ngoài ra phải sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp, để trả nợ hơn 4 ngàn tỷ đồng vay từ ngân hàng đã đầu tư cho Thủ Thiêm…
Ở đây giả sử, đến thời điểm đó các đối tượng sai phạm này bỏ trốn thì sẽ như thế nào. Lúc này trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Và tôi nghĩ nhất thiết phải cần các biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc các biện pháp tạm giam tạm giữ khác để đảm bảo thi hành án.
-Luật sư Diệp Năng Bình
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật - Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, khi trao đổi với RFA qua tin nhắn hôm 1/7/2019 cho rằng, có thể thấy Thanh tra Chính phủ đã phát hiện ra nguyên nhân và hậu quả của sự việc này. Thế nhưng theo luật sư Bình, không hiểu tại sao lại kết luận nếu không khắc phục được các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, mà không đề nghị các cơ quan chức năng xem xét khởi tố vụ án hình sự ngay bây giờ luôn.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, những vị này đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Còn việc khắc phục hậu quả chỉ là tình tiết giảm nhẹ mà thôi. Ông giải thích thêm với RFA qua điện thoại:
“Dựa theo kết luận của thanh tra chính phủ, với sai phạm làm thiệt hại số tiền rất lớn, là một dấu hiện hình sự rõ ràng, nên cần thiết khởi tố vụ án luôn, để bắt tạm giam những người làm ra sai phạm này trong từng thời kỳ như thế nào. Chứ không phải đợi đến ngày 31/12/2019, mới chuyển cho các cơ quan chức năng nếu không khắc phục được hậu quả. Ở đây giả sử, đến thời điểm đó các đối tượng sai phạm này bỏ trốn thì sẽ như thế nào. Lúc này trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Và tôi nghĩ nhất thiết phải cần các biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc các biện pháp tạm giam tạm giữ khác để đảm bảo thi hành án.”
Luật sư Bình cho rằng, số tiền thất thoát và thiệt hại cho ngân sách Nhà nước trong vụ Thủ Thiêm là rất lớn, cho dù đến 31/12 thì có thể cũng sẽ không bao giờ truy thu được. Hơn nữa hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 357 Bộ luật hình sự và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 360 là quá rõ ràng, không thể chối cãi được. Giả sử bằng cách nào đó, đến thời điểm 31/12/2019 mà mọi chuyện đều được khắc phục êm đẹp thì liệu vụ việc này sẽ không ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay sao?
Tuy nhiên, khi trao đổi với RFA từ Sài Gòn hôm 1/7 liên quan vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng kết luận của Thanh tra Chính phủ không trái trình tự pháp luật:
“Trong Điều 357 Bộ luật hình sự, có một cái tội là lạm quyền trong khi thi hành công vụ, tội này quy định người nào vụ lợi hay động cơ cá nhân khác, mà vượt quyền hạn của mình, làm trái công vụ, gây thiện hại từ 10 triệu đến dưới 100 triệu hoặc gây thiệt khác đối với nhà nước cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, thì phạt tù từ 1 đến 7 năm. Luật cũng quy định mức hình phạt này sẽ tăng lên theo định lượng của số tiền vi phạm. Tuy nhiên, luật hình sự quy định, nếu người nào gây thiệt hại bằng tiền và khắc phục hậu quả đó, thì đây là tình tiết giảm nhẹ. Còn không khắc phục sẽ xử lý hình sự. Đó chính là đề nghị của Thanh tra chính phủ trong vụ Thủ Thiêm. Nên tôi cho rằng nếu không khắc phục thì phải xử lý theo điều luật tôi vừa nói.”
Theo điều 357 Bộ luật hình sự 2015, có hiệu lực ngày 01/01/2018, và sửa đổi năm 2017, ngoài những điều luật mà luật sư Hậu vừa nêu, thì nếu phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng.
Khoản 3, điều 360 Bộ Luật hình sự 2015 quy định, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376, thì người có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7 đến 12 năm.
Đó là điều hoàn toàn phi lý, kết luận như vậy là cố tình vi phạm rồi, cố tình chà đạp luật pháp rồi, cố tình coi thường luật pháp để tư lợi, cái đó là đủ khởi tố rồi, khởi tố rồi mới khắc phục hậu quả.
-Ông Cao Văn Ca
Trong khi sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm gây thiệt ngân sách lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, thì lo lắng của Luật sư Diệp Năng Bình không phải là không có căn cứ.
Theo luật sư Bình, ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm cá nhân, ai đặt bút ký, ai chi sai, ai làm thất thoát ngân sách nhà nước, thì người đó phải chịu trách nhiệm, chứ không phải tập thể. Hoặc nếu một tập thể làm sai thì phải chịu trách nhiệm hết một tập thể. Ông nói tiếp:
“Tôi vẫn sợ thời gian qua, các đối tượng có chức có tiền, khi khởi tố vụ án thì đã cao chạy xa bay, gây bức xúc dư luận rất nhiều. Theo tôi phải có biện pháp, nhất định không để như Trịnh Xuân Thanh hay vụ Nhật Cường Mobile ở Hà Nội. Cần xử lý nghiêm để bảo đảm thi hành án.”
Ông Cao Văn Ca, cư dân phường Bình Khánh, Quận 2, cũng là một dân oan mất đất ở Thủ Thiêm, khi trao đổi với RFA hôm 1/7/2019, đưa nhận định liên quan đế vấn đề này:
“Đó là điều hoàn toàn phi lý, kết luận như vậy là cố tình vi phạm rồi, cố tình chà đạp luật pháp rồi, cố tình coi thường luật pháp để tư lợi, cái đó là đủ khởi tố rồi, khởi tố rồi mới khắc phục hậu quả. Giờ mà khắc phục hậu quả rồi tính tha cho họ sao? Chuyện đó là không thể chấp nhận được, người dân chúng tôi rất bức xúc, chúng tôi yêu cầu chính phủ phải khởi tố liền, bắt tạm giam liền.”
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, nếu không có biện pháp nghiêm ngặt với những cá nhân vi phạm trong vụ Thủ Thiêm, nếu họ bỏ trốn thì lòng tin của người dân đối với nhà nước sẽ bị xói mòn nghiêm trọng.
Hơn 20 năm qua, nhiều hộ dân tại Thủ Thiêm bị di dời mà không được bồi thường một cách hợp lý, chưa kể trong đó rất nhiều người bị cưỡng chế lấy nhà mà không được đền bù, khiến họ rơi vào thảm cảnh. Người dân Thủ Thiêm đã nhiều lần khiếu nại từ cấp thành phố đến trung ương, nhưng chỉ nhận được hứa hẹn của các vị lãnh đạo. Cho đến cuối tháng 6 năm 2019, thanh tra chính phủ có công bố kết luận sai phạm tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, tuy nhiên cũng chưa có thông tin gì liên quan việc đền bù thiệt hại cho người dân Thủ Thiêm.
No comments:
Post a Comment