Monday, July 1, 2019

Nói láo, gạt dân cũng thuộc phạm trù “nêu gương” chăng?

Theo RFA-Đồng Phụng Việt-2019-07-01  
Chữa cháy rừng ở Hà Tĩnh
 Chữa cháy rừng ở Hà Tĩnh-Courtesy of Báo Hà Tĩnh
Lửa đang nuốt các cánh rừng ở Nam Đàn (Nghệ An) và Đức Thọ (Hà Tĩnh). Ít nhất có năm ngàn người đã và đang vật lộn với lửa bằng những phương tiện hết sức thô sơ. Đó cũng là lý do lửa cứ thế lan vừa nhanh, vừa rộng.
Đó cũng là lý do rất nhiều người thắc mắc, Việt Nam có một phi đội trực thăng chữa cháy, tại sao không điều động phi đội này tham gia dập lửa mà để lính cứu hỏa, bộ đội, công an dùng sức người ngăn lửa suốt ba ngày vừa qua?
Ông Huệ vừa vào Hà Tĩnh – không phải thị sát về vụ cháy rừng đang thu hút sự chú ý của dân chúng cả nước. Ông đến Hà Tĩnh với tư cách đại biểu Quốc hội của Hà Tĩnh, về gặp cử tri để báo cáo về kết quả kỳ họp Quốc hội mới kết thúc vào hạ tuần tháng trước. Tiện thể kết hợp xem xét – chỉ đạo chuyện chữa cháy rừng với tư cách Phó Thủ tướng. Trong vai Phó Thủ tướng, ông Huệ dặn dò những điều mà một đứa trẻ con cũng có thể nói: Chính quyền không được lơ là trong việc phòng cháy. Dân không được đốt lửa tùy tiện vì thời tiết khô, nóng. Ông Huệ khuyến khích chữa cháy theo kiểu du kích, dùng cưa máy xách tay cắt cây, tạo khoảng trống để ngăn lửa lây lan. Vậy thôi! Hóa ra việc diễn giải PCCC thành “phải cháy cứ cháy” là… đúng chủ trương!
Nhân dịp thị sát thảm họa cháy rừng ở Nghệ An, Hà Tĩnh, ông Huệ thay mặt chính phủ phân bua, không điều động trực thăng chữa cháy là vì đang có gió lớn, nguy hiểm cho phi công và trực thăng (1).
Sử dụng trực thăng chữa cháy rừng “không khả thi” bằng dùng sức người với sự hỗ trợ của cưa máy xách tay khiến người ta nghi ngờ học hàm Giáo sư, học vị Tiến sĩ của ông Vương Đình Huệ! Chẳng lẽ đó là điểm ưu việt về trí tuệ của một Giáo sư - Tiến sĩ?
Còn bảo gió lớn, nguy hiểm cho phi công và trực thăng thì không ổn về tư cách. Chẳng lẽ cứ là Ủy viên Bộ Chính trị, Đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng thì có quyền…  nói láo, dân tin hay không cũng chẳng sao?
***
Tháng ba năm ngoái, báo điện tử SOHA, đăng phóng sự “Những cánh bay vươn tầm quốc tế” (2) để quảng cáo cho Công ty Trực thăng miền Nam (VNHS) một doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Trực thăng, nằm trong Binh đoàn 18 của Bộ Quốc phòng.
Trong phóng sự vừa kể, SOHA dẫn nhiều chi tiết để chứng minh nhận định của Đại tá Tạ Xuân Vĩnh, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc VNHS: VNHS đã thực hiện một cuộc “lật cánh ngoạn mục”: Từ 1997, VNHS không cần phải thuê phi công nước ngoài khi thực hiện các phi vụ phục vụ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí. Ai cũng biết, điều khiển các loại máy bay (bao gồm cả trực thăng) trên biển khó hơn trên đất liền rất nhiều. Làm chủ các phương tiện bay hoạt động trên biển chắc chắn phải hội đủ các yêu cầu rất cao về kỹ năng, kinh nghiệm. Thế thì tại sao chính phủ không chỉ đạo Bộ Quốc phòng ra lệnh cho Binh đoàn 18 điều động trực thăng của VNHS chữa cháy rừng ở Nghệ An, Hà Tĩnh khi VNHS có 100% phi công và phương tiện đủ khả năng thực hiện các phi vụ trên biển?
Địa hình hiểm trở, gió mạnh ở Nghệ An, Hà Tĩnh chắc chắn không phải là lý do không điều động trực thăng chữa cháy. Lý do nằm ở chỗ viên đại tá tên Vĩnh, từng khoe với SOHA hồi cuối năm ngoái: Không chỉ cung cấp dịch vụ bay hỗ trợ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong nước, VNHS còn xuất khẩu dịch vụ bay trực thăng sang Na Uy, Ấn Độ, Malaysia, Đông Timor,... Chưa kể một công ty ở châu Âu đã ngỏ ý thuê phi công của VNHS bay thử trực thăng. Ngoài viên đại tá tên Vĩnh, một viên trung tá tên là Trần Minh Tiến, phụ trách thương mại của VNHS còn khoe thêm: VNHS vừa trúng thầu cung cấp dịch vụ chữa cháy bằng trực thăng cho Indonesia. Mỗi năm, Indonesia cần khoảng 20 trực thăng chữa cháy, có hơn 50 công ty trên khắp thế giới tranh thầu để cung cấp dịch vụ này và VNHS đã trúng thầu hai năm liên tục.
VNHS trúng thầu như thế có nghĩa là 20 trực thăng và phi công của VNHS phải thường trực ở Indonesia, hễ rừng cháy là phải cất cánh chữa cháy rừng cho Indonesia. Chưa kể trực thăng của VNHS còn phải cung cấp dịch vụ bay cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên biển Đông. Làm gì còn phi công và trực thăng để điều động dập lửa cho những vụ cháy rừng ở Nghệ An, Hà Tĩnh hay bất kỳ nơi nào khác ở Việt Nam? Ủy viên Bộ Chính trị đảng CSVN, kiêm Đại biểu cho dân Hà Tĩnh tại Quốc hội, kiêm Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ, nói láo với đồng chí, đồng bào khi khẳng định, địa hình hiểm trở, gió lớn nguy hiểm cho trực thăng và phi công, chữa cháy rừng bằng trực thăng không khả thi!
Có một điểm cần phải chú ý, toàn bộ vốn đầu tư cho nhân lực (phi công, kỹ thuật viên,…), phương tiện (trực thăng, phi trường, nhà xưởng…)  vào VNHS, vào Tổng Công ty Trực thăng, vào Binh đoàn 18 là tiền thuế do dân đóng góp. Về nguyên tắc, đội ngũ nhân sự đó, các phương tiện đó chỉ phục vụ quốc phòng, khi cần tham gia ứng phó với thiên tai, thảm họa để cứu dân. Chỉ ở Việt Nam, do đảng cần quân đội giữ chữ trung với riêng mình nên quân đội mới được phép làm kinh tế, mới có các doanh nghiệp quốc phòng và những viên đại tá, trung tá hồn nhiên khoe về việc “lật cánh”, khẳng định đó là “ngoạn mục” và giúp “quảng bá hiệu quả, rộng rãi hình ảnh anh ‘bộ đội cụ Hồ’ ra khu vực và thế giới”!
Ông Huệ! Nói láo, gạt dân, che đậy cho những “anh bộ đội cụ Hồ” dùng phương tiện quốc phòng đi làm mướn cho thiên hạ cũng nằm trong “qui định về nêu gương” ư?
Chú thích
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

No comments:

Post a Comment