HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Có doanh nghiệp còn dùng “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong” hồ sơ giả mạo để chứng minh nguyên liệu được sản xuất ở Việt Nam nhằm qua mặt giới hữu trách.
Theo tờ Tuổi Trẻ ngày 16 Tháng Bảy, 2019, tại “Hội nghị triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm của ngành hải quan” diễn ra chiều 15 Tháng Bảy, tại Hà Nội, ông Nguyễn Phi Hùng, cục trưởng Cục Điều Tra Chống Buôn Lậu, Tổng Cục Hải Quan, đã nêu đích danh nhiều công ty ở Việt Nam gian lận xuất xứ hàng hóa.
Cụ thể, công ty Hiếu Nghĩa (tỉnh Lạng Sơn) nhập hàng ngàn sản phẩm từ Trung Quốc nhưng ghi rõ “Sản xuất ở Việt Nam.”
Tương tự, một công ty nhập cảng Khóa Việt-Tiệp, nhãn hiệu chuyên sản xuất ổ khóa nổi tiếng của Việt Nam, nhưng lại nhập cảng nguyên vẹn chiếc khóa từ Trung Quốc và ghi luôn là “Made in Việt Nam.”
Chưa hết, ngay cả tem bảo hộ của Bảo Minh đối với sản phẩm phòng chống cháy nổ cũng được sản xuất và nhập cảng từ Trung Quốc, nhưng cũng ghi “Sản xuất tại Việt Nam.”
Ngoài ra, Cục Điều Tra Chống Buôn Lậu cũng phát hiện công ty Nhật Vượng (ở Sài Gòn) nhập cảng hàng tỷ đồng mặt hàng loa và amply mang một nhãn hiệu đã được ghi danh bảo hộ bản quyền tại Việt Nam, nhưng nhãn hàng nhập cảng ghi “Sản xuất tại Trung Quốc.”
Cũng theo ông Hùng, cơ quan hải quan đã khoanh vùng sáu doanh nghiệp lớn có kim ngạch nhập cảng hàng từ Trung Quốc “tăng đột biến.”
“Qua điều tra, chúng tôi xác định sai phạm của các doanh nghiệp này gồm sử dụng hợp đồng mua bán nguyên liệu ‘ma,’ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong hồ sơ giả mạo để chứng minh nguyên liệu được sản xuất ở Việt Nam, nhằm hưởng ưu đãi thuế xuất cảng hay lãi tức bán hàng phi pháp…,” ông Hùng nói.
Tin cho biết, sắp tới Tổng Cục Hải Quan “sẽ điều tra thêm hành vi của sáu công ty này để làm rõ, xử lý các hành vi vi phạm về gian lận xuất xứ hàng hóa. Ngoài việc xuất hàng hóa đi ngoại quốc lợi dụng giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam (C/O) để hưởng ưu đãi thuế, các doanh nghiệp vi phạm còn gian lận để hoàn thuế giá trị gia tăng với số lượng rất lớn. Có doanh nghiệp đã được hoàn thuế 34 tỷ đồng ($1.46 triệu).”
Qua các vụ việc nêu trên, ông Hùng thừa nhận với báo chí “công tác quản lý của các bộ, ngành liên quan đến việc cấp C/O còn nhiều bất cập và sơ hở.”
Ông Nguyễn Văn Cẩn, tổng cục trưởng Tổng Cục Hải Quan, cho biết “Sáu tháng cuối năm 2019, Việt Nam phải tiếp tục tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp nhưng không đánh đồng các doanh nghiệp có vốn đầu tư cả tỷ đô la chưa có gian lận với doanh nghiệp ‘nay ẩn mai hiện.’ Đồng thời, ngành hải quan sẽ giám sát quản lý chặt hoạt động xuất nhập cảng đối với mặt hàng sắt thép, nông thủy sản.
Ông Cẩn cũng cho biết thêm, hiện ở Việt Nam đang nổi lên tình hình “buôn lậu gian lận thương mại hàng cấm qua hàng quá cảnh, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu quá cảnh.” Thời gian qua, Hải Quan Việt Nam đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu khi siết chặt khu vực cảng biển, nhiều lô hàng nhập cảng vào Cambodia, Lào rồi xé lẻ để nhập lậu về Việt Nam. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment