HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Chưa có kỳ họp nào đại biểu Quốc Hội vắng mặt nhiều như kỳ họp này. Mỗi ngày vắng không dưới 30 người, có ngày vắng trên dưới 100 người, có đoàn vắng 50%.”
Đó là lời than vãn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội CSVN, trong cuộc họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội ngày 16 Tháng Bảy, 2019, để “tiến hành tổng kết kỳ họp Quốc Hội thứ 7, Quốc Hội khóa XIV (Tháng Năm, 2019) và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 (Tháng Mười, 2019).”
Lời kêu ca của bà Ngân chẳng có gì lạ. Nó phản ảnh đúng thực trạng đã trở thành kinh niên bao nhiêu năm qua trong cách tổ chức hệ thống chính trị độc đảng, độc tài tại Việt Nam.
“Mỗi ngày vắng không dưới 30 người, có ngày trên dưới 100 người, có đoàn vắng 50%. Đây là thực tế và kỳ họp thứ 7 có số đại biểu Quốc Hội vắng mặt nhiều nhất trong tất cả các kỳ họp. Nước ngoài không họp như Việt Nam nhưng khi biểu quyết thì đại biểu đều tìm cách có mặt. Họ rất nghiêm túc vì đó là quyền biểu quyết. Còn ta vắng cả khi biểu quyết, cần phải rút kinh nghiệm,” lời bà Ngân được dẫn lại trên tờ Người Lao Động.
Trước lời kêu ca của bà Ngân, báo Người Lao Động thuật lời ông Nguyễn Văn Giàu, chủ nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại, cho rằng cử tri quan tâm là số đại biểu Quốc Hội vắng mặt quá nhiều. “Cần rà soát lại xem ai vắng có lý do chính đáng, rõ ràng chứ không phải lấy quyền đại biểu Quốc Hội rồi quên đi nghĩa vụ. Đáng nói, có vấn đề rất lớn nhưng khi lấy ý kiến thì phiếu thu về quá ít. Gần 500 đại biểu Quốc Hội mà thu về có hơn 300 là thế nào? Việc này rất không ổn, vì ý kiến tham khảo rất quan trọng, có tác động điều chỉnh,” báo này trích lời ông Giàu.
Lời phát biểu của ông Giàu ám chỉ số “đại biểu Quốc Hội” vắng mặt cả khi có các cuộc biểu quyết các dự luật còn nhiều hơn những gì bà Ngân than vãn.
Đại biểu Quốc Hội CSVN là các đảng viên cấp cao từ trung ương tới địa phương, vừa nắm giữ các chức vụ trong đảng, vừa nắm giữ các chức vụ trong chính quyền, lại còn được đảng cài cắm làm đại biểu Quốc Hội theo thủ tục “đảng cử dân bầu.” Tất cả những người dân thường nào muốn ứng cử đều bị gạt ra ngoài. Nhiều người tham gia đấu tranh dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam đã can đảm ra ứng cử, không những bị gạt ra mà còn bị đấu tố, vu khống, làm nhục.
Quốc Hội CSVN được báo chí quốc tế gọi là “rubber stamp” (con dấu cao su). “Đại biểu” chỉ giơ tay biểu quyết theo lệnh đảng, nếu có bàn qua bàn lại một dự luật gì cũng chỉ cho có.
Trong khóa họp cuối năm 2011, ông Nguyễn Sinh Hùng khi còn là chủ tịch Quốc Hội cũng đã từng kêu rên là “đại biểu” bỏ họp quá nhiều. Bỏ họp nhiều nhất phải kể tới các ông tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ tướng.
Vì được đảng cài cắm ôm luôn cái ghế “đại biểu Quốc Hội,” các ông bà đại biểu thường chỉ ngồi đó cho có mặt, không biết làm gì ngoài chuyện ngủ gật.
Trước đó, theo tường thuật của báo Pháp Luật TP.HCM, khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân cùng một đoàn đại biểu Quốc Hội tiếp xúc với cử tri thuộc quận Ninh Kiều, Cần Thơ, “cử tri Trương Công Bình đề nghị chủ tịch Quốc Hội nhắc các đại biểu đừng nói chuyện riêng và đừng ngủ gật tại kỳ họp.” (TN)
No comments:
Post a Comment