HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Công luận hôm 19 Tháng Bảy xôn xao trước tin CSVN yêu cầu thu hồi tên miền Zalo ngay lập tức vì “hoạt động mạng xã hội không phép.”
Báo Tuổi Trẻ cho hay: “Thanh Tra Sở Thông Tin Truyền Thông thành phố ở Sài Gòn vừa có văn bản yêu cầu các nhà đăng ký và quản lý tên miền tại Việt Nam dừng cung cấp hai tên miền Zalo.vn và Zalo.me thuộc sở hữu của Công Ty Cổ Phần VNG. Trước đó, năm 2018, thanh tra sở cũng đã xử phạt hành chính đối với hoạt động mạng xã hội không phép này. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, phía công ty vẫn không tiến hành xin phép mạng xã hội cho Zalo. Các bên liên quan phải dừng cung cấp tên miền Zalo.vn và Zalo.me trước ngày 19 Tháng Bảy.”
Điều đáng nói là hành động này được đưa ra chỉ sau hơn nửa năm, kể từ thời điểm báo điện tử Chính Phủ hồi Tháng Giêng, 2019, viết: “Vui mừng với sự phát triển của mạng xã hội Việt Nam, trong đó có mạng Zalo với 45 triệu người sử dụng, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tiếp tục xây dựng mạng xã hội Việt Nam có số lượng người dùng không kém mạng xã hội nước ngoài. Bộ Thông Tin Truyền Thông cần lành mạnh hóa môi trường không gian mạng, người tham gia phải chính danh, xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai, tin vu khống, lợi dụng không gian mạng để chống phá chế độ…”
Việc thu hồi tên miền Zalo cũng diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bộ Trưởng Thông Tin Truyền Thông CSVN Nguyễn Mạnh Hùng mạnh miệng “đòi làm mạng xã hội thay thế Facebook vì triết lý của Facebook giờ không còn phù hợp với thế giới nữa.” Điều này khiến dấy lên suy đoán trên mạng xã hội rằng đây là cách “cướp có chính danh” thị phần và hệ thống của Zalo để giao lại cho một mạng xã hội khác “có tính định hướng” như VCNET do Ban Tuyên Giáo CSVN vừa thiết lập.
Đến nay, Zalo được nhiều người trẻ ở Việt Nam sử dụng chủ yếu là nhờ ứng dụng OTT (nghe, gọi video miễn phí qua Internet) và OTT này được xem là chiến lược thành công của Công Ty VNG sau thất bại khi làm mạng xã hội Zing Me nhái theo Facebook.
Người dùng app Zalo có thể tham gia nhiều hoạt động với ứng dụng này, như Zalo Shop theo mô hình thương mại điện tử, Zalo Food với dịch vụ giao đồ ăn, dịch vụ đặt xe Zalo Transport, hay dịch vụ tổng hợp tin tức Zalo Channel…
Đến nay, đại diện Zalo Group, trực thuộc VNG, luôn khẳng định Zalo trước sau như một, chỉ phát triển theo mô hình OTT chứ không phải mạng xã hội. Tuy nhiên, do trong các quy định quản lý công nghệ ở Việt Nam hiện nay không có quy định về quản lý OTT nên cơ quan chức năng… xử phạt Zalo với lý do “không xin phép mạng xã hội.”
Trong khi một loạt báo nhà nước răm rắp đăng “tuyên ngôn” của Bộ Trưởng Hùng về mạng xã hội “made in Vietnam,” đáng lưu ý là chuyên trang công nghệ ICTNews của chính Bộ Thông Tin Truyền Thông hôm 17 Tháng Bảy lại đưa ý kiến “trái chiều”: “Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp trong nước nếu muốn phát triển mạng xã hội cần bỏ qua những suy nghĩ thiển cận như làm ra ‘để cạnh tranh với Facebook, để đánh bại Facbook’ rồi quảng bá trên trời… Thay vào đó các doanh nghiệp nên tập trung vào làm sản phẩm cho tốt, tạo thiện cảm để lôi kéo người dùng về sử dụng sản phẩm của mình, nhất là luôn sáng tạo và đón đầu các xu hướng cũng như nền tảng công nghệ mới. Bởi mạng xã hội không phải chỉ là Facebook mà còn nhiều lĩnh vực và công nghệ khác.” (T.K.)
No comments:
Post a Comment