Saturday, July 20, 2019

Asanzo sắp kiện báo Tuổi Trẻ vì bị cáo buộc ‘hàng Tàu đội lốt Việt’

Ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo. (Hình: SoHa.vn)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – “Chúng tôi tổn thất rất lớn. Số liệu thực tế của các đơn vị lớn, nhỏ cộng thêm các doanh số không bán được ước tính thiệt hại vài trăm tỷ đồng (hàng triệu đô la Mỹ). Doanh nghiệp bao nhiêu năm xây dựng đã sụp đổ coi như chẳng còn gì,” ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo, được trang tin kinh tế BizLIVE và SoHa.vn hôm 18 Tháng Bảy dẫn lời.
Hành động này liên quan đến vụ báo Tuổi Trẻ hồi tháng trước gây chấn động công luận với phóng sự cáo buộc Asanzo “là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam.” Loạt bài của tờ báo dẫn đến việc một loạt chuỗi cửa hàng kinh doanh điện máy ở Sài Gòn tiến hành thu đổi sản phẩm Asanzo trong lúc công luận dấy lên làn sóng đòi tẩy chay thương hiệu này vì tội “lừa dối.”
Theo các trang tin nêu trên, ông Tam “xác nhận công ty đang làm các thủ tục để khởi kiện báo Tuổi Trẻ” và “sắp làm việc với tòa án.”
Ông Tam cũng đưa cáo buộc báo tờ báo này “không hợp tác.”
Ông Phạm Văn Tam được trích lời trên trang SoHa.vn: “Trong quy trình sản xuất sản phẩm mang thương hiệu Asanzo, dù 100% linh kiện nhập nhưng khi hoàn thiện khâu cuối cùng ở Việt Nam thì công ty vẫn có thể ghi là ‘Made in Vietnam.’ Hiện rất nhiều doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tương tự như Asanzo và công ty đang chờ cơ quan trách nhiệm xác minh sự việc. Giải quyết việc làm cho 2,000 công nhân là vấn đề nhức đầu, kho bãi nhà xưởng hiện nay treo hết, đối tác họ e ngại đòi tiền, đó là hệ lụy không thể đo được bằng tiền.”
Trong vụ Asanzo “là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam,” có thuyết âm mưu trên mạng xã hội cho rằng đây là chiêu thức tận dụng cơn khủng hoảng truyền thông của đối thủ để giành thị phần của Asanzo. Để củng cố giả thuyết này, một số blogger dẫn link bài trên báo điện tử Người Đồng Hành cho hay Vingroup “đang nghiên cứu sản xuất máy lạnh, TV; xây VinTech thành thung lũng Silicon.”
Trong vụ khủng hoảng của Asanzo, hầu hết các Facebooker đứng về phía báo Tuổi Trẻ. Nhưng cũng có người như Facebooker Hưng Phạm Ngọc đưa ý kiến trái chiều. Người này viết trên trang cá nhân: “Để có chiếc TV đó, Tam giảm bớt số cổng giao tiếp cho rẻ, thiết kế lại bo mạch bảo đảm điện thế sụt xuống 90V vẫn không chết, rồi viết phần mềm TV để người không rành công nghệ vẫn dễ dàng sử dụng. Chỉ cần ba điểm chính đó, tôi kết luận ngay TV Asanzo có giá trị sáng tạo đích thực bắt nguồn từ thực tiễn, không vay mượn, không gian dối.”
“Thế nên, không cần căn cứ vào luật định rằng xuất xứ hàng hóa là nơi thực hiện công đoạn sản xuất cuối cùng, thì giá trị đó cũng đủ để Asanzo tự nhận là ‘hàng Việt’ với tư thế ngẩng cao đầu. Tôi tin chắc rằng, nếu cơ quan chức năng làm việc sòng phẳng, Asanzo phải được rửa sạch tai tiếng, và Tuổi Trẻ sẽ phải chịu trách nhiệm về đòn bẩn của mình,” theo Facebook Hưng Phạm Ngọc.
Trong bối cảnh báo chí nhà nước đã có tiền lệ tạo nên các đợt khủng hoảng truyền thông như “nước mắm nhiễm asen,” “cà phê bẩn”… vào các năm trước, công luận khó có cái nhìn chính xác về những gì đang diễn ra bên dưới các bài báo “gây chấn động.” Do vậy, với vụ Asanzo “là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam,” công luận còn phải chờ xem diễn biến sắp tới thế nào. (T.K.)

No comments:

Post a Comment