Ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng vừa lên tiếng cho rằng phải dẹp cho được “tham nhũng vặt” đang hoành hành trong guồng máy hiện nay.
Trong 10 điều ông đưa ra để hướng dẫn cán bộ thực hành chống lại bọn tham nhũng vặt người dân thấy không có gì mới nhằm vô hiệu hóa lòng tham, tính bè phái hay liên minh của các phe nhóm mà chỉ thấy ông lập lại những luận đề quá cũ, quá lỗi thời người dân từng nghe hệ thống tuyên truyền hơn hai mươi năm qua từ thời ông Nguyễn Tấn Dũng khi vừa nhậm chức Thủ tướng đã hồ hởi tuyên bố nếu không diệt được tham nhũng thì ông ta sẽ từ chức. Lạ thay, tham nhũng chẳng những không dẹp được mà còn bùng phát như một cơn dịch, tràn lan mọi ngõ ngách từ hạ tầng tới thượng tầng, từ một tay công an khu vực tép riu cho tới những Thứ trưởng công an, thậm chí Ủy viên Bộ chính trị cũng tra tay vào còng vì tham nhũng.
Lời hô hào của ông Trương Hòa Bình không mới nhưng có cái mới là ba chữ “tham nhũng vặt” rất ấn tượng. Ông Trương Hòa Bình tỏ ra có năng khiếu dụng chữ rất chính xác nhưng phạm trù của ba chữ này thì ông chưa định hình được khi nào thì được gọi là “vặt” khi nào thì không.
Nếu một công an giao thông đưa tay nhận 200 ngàn do người dân chung chi thì rõ ràng là vặt, thế nhưng khi bị đòi vài trăm triệu cho một cuốn sổ đỏ thì có còn là vặt hay không? Rồi nữa, nếu một vụ án được chạy với số tiền bao nhiêu thì được xem là vặt và con số bao nhiêu mới vượt qua lằn ranh ấy để được xem là nghiêm trọng?
Nếu 200 ngàn mà một công an viên lấy của người dân so với hai trăm triệu để may một chiêc áo dài từ nguồn tiền không rõ ràng của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có được xem là vặt hay không?
Ông Trương Hòa Bình trong vai trò Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chắc cũng biết câu chuyện của cán bộ Tỉnh Hà Giang ăn chặn hơn 181 triệu đồng của nhà nước hỗ trợ cho trẻ tàn tật nhưng cuối cùng công an tỉnh lại xếp hồ sơ vì ông Lý Quang Thái, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang cho rằng không nên khởi tố các cán bộ này để “góp phần ổn định chính trị địa phương”. Xin hỏi ông 181 triệu là vặt hay không vặt?
Mới đây nhất đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản về hành vi “vòi tiền” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại một số dự án ở huyện Vĩnh Tường, vậy ông có chỉ đạo gì trong vụ lùm xùm này nhằm chống tham nhũng một cách hiệu quả như ông đang thuyết phục toàn dân về “tham nhũng vặt” mà ông đưa ra?
Nếu nhìn cho kỹ, “tham nhũng vặt” chẳng qua để nuôi “tham nhũng cụ” mà thôi, nếu tham nhũng cụ không tác động, tổ chức, cầm đầu thì tham nhũng vặt làm gì còn đất sống?
Tham nhũng cụ là thượng tầng tham nhũng, nơi ấy chân rết được bung ra nhằm giữ vững chiếc ghế bằng đồng tiền mà tham nhũng vặt thu được rồi “đóng hụi chết” cho tham nhũng cụ. Một công an giao thông phải chung chi cho cấp trên bao nhiêu một tháng cả nước đều biết. Quốc hội biết, Bộ Công an biết, Bộ Chính trị biết và dĩ nhiên cơ quan chống tham nhũng của ông phải biết. Biết nhưng đứng nhìn vì tất cả các cơ quan cao cấp ấy đều tham nhũng như nhau, thiếu tham nhũng làm sao các ông sống được với đồng lương ngang một bác xe ôm hàng tháng?
Dĩ nhiên chức phận càng cao lợi ích càng lớn. Lợi ích ấy trích từ những tham nhũng vặt, từ những nhóm thân hữu sân sau, từ tham nhũng chính sách, từ nâng đỡ không trong sáng hay từ các hợp đồng, dự án bất minh….Chống tham nhũng vặt như ông Trương Hòa Bình thật ra là chặt vây cánh của các tay tổ tham nhũng trong guồng máy và việc làm này khả thi hay không chính ông Trương Hòa Bình biết rõ hơn ai hết. Biết rõ vì ông từng ngồi ghế Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao ròng rã trong 9 năm ông đã xử được vụ đại án nào chưa mặc dù hàng trăm vụ có số tiền tham ô lên đến hàng tỷ đô la?
Khi ông lên tiếng đòi xử lý các vụ tham nhũng vặt cũng là lúc tham nhũng cụ tại thành phố HCM đang có dấu hiệu cấu kết với thanh tra chính phủ nhằm nhẹ hóa mức độ tham nhũng trong đại án Thủ Thiêm. Là một người đứng đầu trong chính phủ về chống tham nhũng liệu sự lên tiếng này có làm dịu tình hình bất mãn của người dân Thủ Thiêm hay chỉ như lửa đổ thêm dầu vào lòng uất hận của họ?
Tham nhũng vặt là những kẻ tay sai cho những tên tuổi như Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua….sá gì bọn chúng nếu cấp trên của chúng vẫn phủ phê trên đống hồ sơ mà người dân Thủ Thiêm gửi đi kêu oan gần hai mươi năm nay? Tham nhũng vặt nói cho cùng chỉ làm dân bực mình, xót của nhưng tham nhũng cụ mới là thành tố làm cho đất nước kiệt quệ, lầm than. Cái đầu tham nhũng cụ bị chặt thì lấy đâu ra tham nhũng vặt vốn là tay sai, là chân rết mà tham nhũng cụ tạo ra để thu lợi?
Vì vậy thay vì chặt bỏ bọn tham nhũng vặt cho tốn công sức vì chúng quá nhiều, quá khó, ông Trương Hòa Bình nên tập trung chặt bọn tham nhũng cụ từ trung ương chặt xuống, lúc ấy may ra bọn ký sinh tham nhũng vặt sẽ bị triệt tiêu mà không cần học tập, thực thi nghị quyết như ông hướng dẫn.
Có điều chặt hết bọn tham nhũng trong guồng máy thì lấy ai làm việc như lời ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng thỏ thẻ?
No comments:
Post a Comment