BÌNH ĐỊNH, Việt Nam (NV) – Tòa án CSVN tại tỉnh Bình Định vừa kết án tù một người bị cáo buộc tội danh “tàng trữ vũ khí” mua lậu từ Cambodia rồi mang về nhà cất giấu để “khủng bố.”
Ông Lê Quốc Bình, 45 tuổi, cư dân thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, bị tòa án Bình Định kết án năm năm tù hôm Thứ Hai, 27 Tháng Năm, 2019, về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng,” một năm tù về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền,” cộng chung thành sáu năm tù.
Báo Pháp Luật TP.HCM thuật theo cáo trạng cho biết, Tháng Sáu, 2018, ông Bình “qua cửa khẩu Hoàng Diệu-Bù Đốp-Bình Phước đến Phnom Penh (Cambodia) mua một khẩu súng ngắn hiệu Beretta do Ý sản xuất với giá $2,000 từ một người Cambodia rồi mang về nhà tại Quy Nhơn cất giấu. Ngày 17 Tháng Tám, 2018, Bình tiếp tục qua Cambodia mua 500 viên đạn súng ngắn với giá $1,500; năm hộp tiếp đạn súng ngắn với giá $250 (đạn và hộp tiếp đạn dùng cho khẩu súng nói trên), một bao súng ngắn giá $50, người bán còn tặng kèm một bộ vệ sinh súng cho Bình. Sau đó, Bình cất giấu số vũ khí trên trong hành lý, qua cửa khẩu trót lọt.”
“Bình giấu 500 viên đạn trong thùng giấy cùng các hàng hóa khác gửi cho một xe khách chạy tuyến Bình Phước-Sài Gòn. Riêng Bình đi mô tô mang biển kiểm soát của Thái Lan chở năm hộp tiếp đạn, một bao súng, bộ vệ sinh súng đi từ Bình Phước đến Sài Gòn. Tiếp dó, Bình gửi số vũ khí trên cho xe khách chạy tuyến Sài Gòn-Quy Nhơn, còn Bình chạy mô tô về. Khi đến địa phận huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên), Bình bị cảnh sát giao thông dừng xe, lập biên bản về hành vi vi phạm luật giao thông. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong cốp mô tô của Bình có năm hộp tiếp đạn, một bao súng, một bộ vệ sinh súng,” báo này kể tiếp.
Sau đó, ngày 30 Tháng Tám, 2018, khám xét nhà ông Bình thì thấy “nhiều vũ khí quân dụng khác như một khẩu súng ngắn hiệu Beretta, nhiều bộ phận bị tháo rời của khẩu súng AR15, 10 hộp tiếp đạn súng AR15, 18 viên đạn súng AR15, 350 viên đạn cỡ 5.6 x 15.6 mm, chín khẩu súng hơi, 10 ống ngắm laser súng hơi, ba nòng súng hơi, hai bộ bơm hơi dùng cho súng hơi cùng nhiều tang vật khác.”
Không có một nguồn tin độc lập nào để kiểm chứng các chi tiết nói trên nhưng báo Pháp Luật TP.HCM tường thuật phiên tòa nói ông Lê Quốc Bình khai “lúc đầu Bình thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố nhưng cho rằng mua nhiều súng, đạn là để phòng thân, thỏa niềm đam mê cá nhân. Sau đó, Bình thừa nhận xuất phát từ bức xúc, bất mãn trước việc gia đình bị thu hồi đất nhưng bồi thường không thỏa đáng, Bình nảy sinh tư tưởng, có hành động chống phá chính quyền.”
Tờ báo còn nói ông Bình “khai nhận đã trực tiếp qua Cambodia mua súng, đạn, kêu gọi sử dụng vũ lực, vũ khí để tấn công lực lượng công an, lãnh đạo đảng, chính quyền.”
Cũng không có nguồn tin độc lập nào để kiểm chứng những gì báo này vừa kể. Báo chí CSVN luôn luôn viết theo nhu cầu tuyên truyền của chế độ nên không bao giờ đưa tin trung thực về các phiên tòa có tính cách chính trị.
Khi ông Lê Quốc Bình mới bị bắt hồi năm ngoái, báo chí của nhà cầm quyền vừa cột ông Bình vào chuyện khủng bố, vừa hô hoán ông là thành phần của đảng Việt Tân ở hải ngoại, một tổ chức chính trị bị nhà cầm quyền vu vạ là “tổ chức khủng bố.” Đảng Việt Tân cũng đã lên tiếng phủ nhận ông Bình là thành viên của họ và cho rằng CSVN “hù dọa người dân để họ tránh xa các tổ chức dân chủ bằng cách dàn dựng việc bắt giữ một người đàn ông.”
Chỉ trong Tháng Năm, 2019, ít nhất đã có 29 người bị nhà cầm quyền CSVN kết án tù liên quan đến nhân quyền. Trước khi ông Lê Quốc Bình bị bỏ tù, 15 người ở tỉnh Quảng Ngãi biểu tình chống ô nhiễm môi trường tại địa phương bị kết án; bảy phụ nữ bị kết án ở tỉnh Tây Ninh vì chống xe tải gây ô nhiễm môi trường; bốn người tại tỉnh Thanh Hóa bị kết án khi bị vu cho tội “xúc phạm lãnh đạo, nhà nước” trên Facebook; hai người tại tỉnh Đồng Nai bị kết án vì chống “Luật Đặc Khu Kinh Tế” và “Luật An Ninh Mạng.”
Hai tuần trước, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) ở Anh Quốc công bố danh sách 128 tù nhân lương tâm đang bị nhà cầm quyền CSVN giam giữ trong các nhà tù trên khắp nước với các bản án nặng nề. Họ chỉ dùng các trang mạng xã hội phát biểu ý kiến cá nhân đòi dân chủ, nhân quyền, hoặc tham gia các cuộc biểu tình vì môi trường hoặc chống Trung Quốc. Một số người bị bắt vì hoạt động tôn giáo độc lập, không chấp nhận chui vào các tổ chức tôn giáo quốc doanh để nhà nước dùng làm tay sai tuyên truyền.
Nhưng theo thống kê của Dự Án 88, một dự án thống kê các tù nhân lương tâm ở Việt Nam, tính đến Tháng Tư, 2019, Việt Nam hiện vẫn còn giam giữ khoảng 282 tù chính trị. Nay nếu thêm vào danh sách này 29 người nữa con số lên thành 311 người. (TN)
No comments:
Post a Comment