Hòa Ái, RFA-2019-04-10
Người dân Lộc Hưng phản đối Phòng Giáo dục Tân Bình chỉ thị trường học tuyên truyền về vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng sai sự thật.Courtesy: Facebook Vườn Rau Lộc Hưng. RFA edited
Chính quyền tiếp tục sai trái?
Tròn đúng 3 tháng sau vụ việc cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng xảy ra, các cư dân ở khu vực này tiếp tục lên tiếng phản đối việc làm sai trái của chính quyền địa phương cứ tiếp diễn đối với những hộ gia đình là nạn nhân của vụ cưỡng chế, đặc biệt là đối với con em họ, những học sinh đang theo học tại các trường trong quận Tân Bình.
Hơn 100 hộ dân cư ngụ tại khu vực vườn rau Lộc Hưng rộng khoảng 5 héc-ta bất thình lình bị Chính quyền quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) san ủi trong hai ngày 1 và 8 tháng 1 năm 2019 mà không có giấy tờ thông báo.
Trong khi vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, hôm 3/4, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình ban hành công văn yêu cầu các trường học trong phạm vi của quận này phải tuyên truyền về chủ trương của chính quyền trong vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng.
Trên trang mạng xã hội Facebook Vườn Rau Lộc Hưng, cư dân Lộc Hưng lên án việc làm của Phòng Giáo dục quận Tân Bình có chính sách dạy học sinh nói dối, không phản ánh trung thực vụ việc cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng.
Không thể ở một cấp quận là Phòng Giáo dục lại đi tuyên truyền như đinh đóng cột rằng việc làm cưỡng chế đó là đúng, thậm chí còn cho rằng người dân khiếu nại là sai, hễ ai lên tiếng phản đối thì cho là có dấu hiệu như phản động và cần phải trình báo công an xử lý…Tức là một cách chỉ thị mang yếu tố áp đặt, một lối tuyên truyền rất thô thiển và không đúng pháp luật
-Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một luật sư tham gia trong nhóm Luật sư Lộc Hưng hỗ trợ pháp lý cho người dân Lộc Hưng nói với RFA rằng việc chỉ thị tuyên truyền của Phòng Giáo dục quận Tân Bình là không đúng pháp luật vì vụ việc liên quan pháp lý là do cơ quan pháp lý giải quyết, mà Ủy ban Nhân dân TP.HCM có trách nhiệm phải giải quyết cho người dân Lộc Hưng. Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc khẳng định:
“Không thể ở một cấp quận là Phòng Giáo dục lại đi tuyên truyền như đinh đóng cột rằng việc làm cưỡng chế đó là đúng, thậm chí còn cho rằng người dân khiếu nại là sai, hễ ai lên tiếng phản đối thì cho là có dấu hiệu như phản động và cần phải trình báo công an xử lý…Tức là một cách chỉ thị mang yếu tố áp đặt, một lối tuyên truyền rất thô thiển và không đúng pháp luật.
Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng hành vi của ông Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Tân Bình trong việc ban hành 3 công văn liên tiếp để gọi là hướng dẫn, chỉ thị cho trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở trong địa bàn quận để làm công việc tuyên truyền đó là việc làm thể hiện thái độ rất chủ quan, rất coi thường dân, bất chấp pháp luật và kể cả về đạo lý, chúng tôi cho rằng họ cũng bất chấp.”
Hậu quả thế nào?
Đài Á Châu Tự Do nêu vấn đề về cách hành xử của Chính quyền quận Taab Bình trong vụ cưỡng chế vươn rau Lộc Hưng với nhà báo tự do Mạnh Kim, là người theo dõi sát sao tình hình tranh chấp đất đai ở Việt Nam, và được ông đưa ra nhận định rằng không chỉ riêng Chính quyền quận Tân Bình mà là tất cả các cấp chính quyền từ địa phương tới trung ương ở Việt Nam đều chỉ có một cách giải quyết duy nhất mà ông gọi là “lấn tới”:
“Chính quyền không có cách xử lý nào khác nữa hết. Tại vì đất đai không chỉ liên quan đến chính sách không mà nó còn liên quan đến quyền lợi của lợi ích nhóm. Từ Bắc đến Nam chỗ nào cũng có. Từ thành phố lớn cho đến những địa phương nhỏ, chỗ nào cũng dính dáng đến lợi ích nhóm hết sức chồng chéo và phức tạp. Không thể nào giải quyết rốt ráo về lợi ích nhóm và tham nhũng được.
Chính quyền nghĩ rằng nếu họ nhân nhượng trường hợp A thì họ phải nhân nhượng tiếp trường hợp B, ví dụ như vậy cho nên là họ cứ làm tới mà thôi. Và điều này sẽ gây ra tác hại đối với chính quyền rất nhiều, khiến cho lòng dân vốn dĩ đã bất mãn rồi thì càng bất mãn sâu hơn và nặng nề hơn.”
Hồi tháng 10 năm 2017, hai Tổ chức tư vấn TMP Systems và Rights and Resources Initiative, trụ sở tại Anh Quốc, công bố một báo cáo cho thấy khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là điểm nóng về tranh chấp đất đai trên thế giới.
Vào ngày 2 tháng 4 vừa qua, báo cáo PAPI 2018, báo cáo về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam, được công bố với phản ảnh của người dân tham gia khảo sát cho biết nhũng nhiễu liên quan lãnh vực đất đai, có hiện tượng cán bộ sử dụng công quỹ vào mục đích riêng không giảm.
Chính quyền không có cách xử lý nào khác nữa hết. Tại vì đất đai không chỉ liên quan đến chính sách không mà nó còn liên quan đến quyền lợi của lợi ích nhóm. Từ Bắc đến Nam chỗ nào cũng có. Từ thành phố lớn cho đến những địa phương nhỏ, chỗ nào cũng dính dáng đến lợi ích nhóm hết sức chồng chéo và phức tạp. Không thể nào giải quyết rốt ráo về lợi ích nhóm và tham nhũng được...Và điều này sẽ gây ra tác hại đối với chính quyền rất nhiều, khiến cho lòng dân vốn dĩ đã bất mãn rồi thì càng bất mãn sâu hơn và nặng nề hơn
-Nhà báo Mạnh Kim
Luật đất đai của Việt nam quy định đất đai thuộc “sở hữu toàn dân”. Điều này, theo các chuyên gia, đã và đang đẩy hàng triệu người dân trở thành “dân oan” mất nhà cửa, ruộng vườn đầy oan khuất và thậm chí phải nhận lãnh các bản án tù nặng nề, liên quan đến những vụ chống cưỡng chế đất. Thế nhưng, trong cuộc chiến pháp lý về đất đai giữa người dân và chính quyền thì người dân vẫn kiên trì đấu tranh cho quyền lợi hợp pháp và chính đáng của họ. Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình từng nhận định với RFA rằng chính quyền đã đẩy người dân vào sự chọn lựa cuối cùng trong việc làm giữ đất của họ.
“Khâu quản lý hà khắc và cách ứng xử theo kiểu cường quyền, làm cho người dân không còn lối thoát. Trong phần lớn các trường hợp xảy ra thì đấy là những người có trí thức, có hiểu biết, thậm chí có cả hiểu biết về pháp luật, không hề mù mờ. Những hành xử đó không xuất phát trên cơ sở của sự tăm tối, một sự phản ứng thiếu tính toán mà những phản ứng đó có nghiền ngẫm. Tạm gọi trong cuộc kéo co thì phần thua người dân đã dự liệu rồi, chứ không nghĩ là thắng. Và cuộc chiến đấu có thể xem như cuộc chiến đấu cuối cùng của họ theo ý nghĩa ‘bày trận nhưng mà lưng quay ra sông’, nhất thiết phải tiến tới để hoặc là được hoặc là mất”.
Trở lại vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, sau tròn 3 tháng vụ việc xảy ra, cư dân Lộc Hưng vẫn kiên định kêu gọi Chính quyền TP.HCM đối thoại với họ cũng như cùng với Nhóm Luật sư Lộc Hưng theo đuổi các thủ tục pháp lý để đòi lại đất, mà nhiều thế hệ trong gia đình đã đổ nhiều mồ hôi, công sức để tạo nên vườn rau Lộc Hưng từ những ngày đầu di cư ngoài Bắc vào hồi năm 1954.
No comments:
Post a Comment