QUẢNG TRỊ, Việt Nam (NV) – Giám đốc một doanh nghiệp vận tải ở thành phố Đông Hà tố cáo bị Công An tỉnh Hà Tĩnh “bắt tạm giữ người, tài sản và sử dụng tài sản trái pháp luật.”
Công An tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận đơn trình báo của ông Hoàng Đức Ý (36 tuổi), giám đốc một doanh nghiệp vận tải ở thành phố Đông Hà, Quảng Trị, cho biết sáng 9 Tháng Tư, ông Ý bị sáu người tự xưng là công an mời về trụ sở Công An tỉnh Quảng Trị làm việc cho đến 11 giờ khuya cùng ngày. Nội dung liên quan đến vụ giấy tờ xe giả do Công An tỉnh Hà Tĩnh đang điều tra.
Tại đây, nhóm người yêu cầu ông Ý cung cấp mật khẩu điện thoại, giải trình và mang sáu chiếc xe hơi của ông đang cho thuê dịch vụ về trụ sở Công An tỉnh Quảng Trị. Đến khoảng 11 giờ đêm cùng ngày, ông Ý được yêu cầu ký vào biên bản với nội dung “tự nguyện ở lại để phục vụ công tác điều tra, rồi được đưa về nhà nghỉ của công an Quảng Trị để ngủ, có hai người giám sát,” theo báo Giao Thông.
Ông Ý kể, trong lúc “làm việc” ông không được gọi điện thoại cho người thân, thậm chí bị yêu cầu viết “đơn tự nguyện giao nộp tài sản” là sáu xe hơi hiệu Volkswagen Polo mà ông đang cho thuê, trong đó có một chiếc ở thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế), một chiếc ở thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị).
Tiếp đó nhóm công an này yêu cầu ông Ý đi Đà Nẵng để “giúp đỡ điều tra” nhưng ông từ chối. Sau hơn một ngày đêm bị bắt giữ, ông Ý mới được thả về.
Nói với báo VNExpress, ông Ý cho biết trong 25 giờ ở trụ sở công an, ông bị hăm dọa, ức chế, xâm phạm quyền riêng tư khi tin nhắn, hình ảnh trong điện thoại bị kiểm tra. Trong ngày đầu, người thân không có thông tin nên lo lắng, cho rằng ông “bị bắt cóc.”
Sáng 12 Tháng Tư, ông Ý bất ngờ phát hiện một chiếc xe hơi của mình lại đỗ trên đường ở thành phố Đông Hà cách nơi tạm giữ hơn 2 km. Người lái xe là cán bộ công an tỉnh Hà Tĩnh. Ông Ý không cho di chuyển khỏi nơi đang đỗ. Sau khi lập biên bản, chiếc xe được đưa trở lại nơi tạm giữ ban đầu, trụ sở khu cảnh sát Công An tỉnh Quảng Trị.
Sáng 13 Tháng Tư, trả lời báo Dân Việt qua điện thoại, ông Võ Trọng Hải, giám đốc Công An tỉnh Hà Tĩnh, cho biết đơn vị này đang điều tra đường dây làm giấy tờ, con dấu giả, buôn bán xe lậu trong đó nghi ngờ sáu chiếc xe của ông Hoàng Đức Ý liên quan đến vụ án. Vì vậy, “cán bộ công an Hà Tĩnh đã mời ông Ý làm việc để xác minh làm rõ sáu chiếc xe có phải xe lậu hay không chứ không phải giam giữ người.”
Trả lời về việc một chiếc xe di chuyển khỏi nơi tạm giữ, ông Hải nói rằng “có khả nghi là xe lậu nên cán bộ công an Hà Tĩnh tiến hành lái xe đưa ra Hà Tĩnh phục vụ điều tra thì bị một số người ngăn chặn, sau đó vụ việc đã được lập biên bản,” theo báo Dân Việt.
Ông Ý bất bình cho rằng Công An tỉnh Hà Tĩnh giữ người, giữ tài sản và sử dụng tài sản của ông mà không hề căn cứ vào một quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền là trái pháp luật. Điều này được ông Hải trả lời: “Việc đó nhà anh (tôi-PV) chưa trả lời được. Nhà anh làm theo pháp luật, còn sai pháp luật nhà anh chịu trách nhiệm.”
Đến ngày 14 Tháng Tư, thấy “khó nuốt” do những chiếc xe hơi trên có giấy tờ hợp pháp, Công An tỉnh Hà Tĩnh đã buộc phải trả lại cho ông Ý năm trong sáu chiếc xe đã thu giữ.
Luật Sư Trần Đức Anh, Văn Phòng Luật Sư Trần và Cộng Sự, người đại diện cho ông Ý, cho rằng việc giữ người để điều tra phải được thông báo đến gia đình, phải có phê chuẩn của Viện Kiểm Sát cùng cấp.
“Không thể yêu cầu đương sự viết ‘giấy tự nguyện ở lại’ rồi bắt giữ người trái pháp luật,” Luật Sư Anh nói.
“Tương tự, việc thu giữ tài sản phải có biên bản xử lý vi phạm. Pháp luật không quy định người dân tự đến nộp tài sản. Vì vậy, hai biên bản ‘tự nguyện ở lại’ và ‘tự nguyện giao nộp tài sản’(xe hơi) đều không đúng luật. Riêng việc sử dụng xe hơi đang tạm giữ của cán bộ Công An Hà Tĩnh cũng trái quy định của pháp luật,” Luật Sư Anh khẳng định. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment