Báo Pháp luật hôm Thứ Năm ngày 11/4 có bài viết: “Bộ y tế, Thu phí người nuôi bệnh là hợp lý” thật sự làm dư luận trở nên bất an. Không thể gọi là shock hay quan tâm, vì vấn đề thu tiền của dân ngày một tùy tiện, bất kể nơi đâu, lúc nào của nhà nước đã thức sự gây mối bất an trong quần chúng khi ai cũng sẽ là người nuôi bệnh trong một lúc nào đó suốt cuộc đời mình.
Vấn đề không phải ở vài trăm ngàn phải trả cho bệnh viện, nó nằm ở chỗ cách thức nhà nước đối xử với người dân của mình.
Từ nhiều năm qua bệnh viện Việt Nam đã được Bộ y tế cho phép tự cân đối thu chi nên mọi quyết định về tiền nong đối với bệnh nhân điều được Ban giám đốc bệnh viện nghĩ ra và duyệt xét. Tuy nhiên sau bao năm, cách thức đầu voi đuôi chuột này tỏ ra không mấy hiệu quả, bệnh viện ngày một quá tải, bệnh nhân 4 người thậm chí có nơi 6 người một giường là hình ảnh chung rất điển hình của bệnh viện công ngày nay. Bộ Y tế gần như bất lực trước thảm trạng này và các bệnh viện tự chòi đạp trong sự thiếu thốn ngân sách để giải quyết các vấn đề thuộc phạm vi nhân đạo.
Túng quá hóa liều, mặc dù biết rằng đưa ra quyết định thu tiền người nhà của bệnh nhân là một giải pháp thiếu nhân văn nhưng thừa phản cảm vẫn được nhiều bệnh viện bàn đến. Bài báo nêu ý kiến của BS Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, theo ông thì hiện nay do giá viện phí chưa được tính đúng, tính đủ nên BV gặp không ít khó khăn và giải pháp thu tiền người nhà bệnh nhân có thể sẽ được nghĩ tới. Còn BS Lê Quang Thanh, Giám đốc BV Từ Dũ Tại khu dịch vụ BV Từ Dũ, người nuôi bệnh thứ nhất không phải đóng phí, người thứ hai phải đóng phí 100.000 đồng/ngày.
Bệnh nhân nằm tại các bệnh viện công đại đa số là người lao động nghèo tại thành phố hoặc ngoại tỉnh kéo về. Không ai trong số họ mong muốn “được” nằm lăn lóc dọc lối đi hay chen nhau chui xuống gầm giường để nghỉ mệt trong thoáng chốc. Vệ sinh cơ thể chắc chắn là thiếu thốn vì không được tắm rửa hay giặt giũ, chỉ vài lít nước phông tên giải quyết cái khát hay dùng để nấu mì gói qua ngày không thể gọi là tiện ích công cộng được.
Không chỉ các bệnh viện công có suy nghĩ thu tiền người nhà bệnh nhân mà giới chức y tế cao cấp nhất cũng đồng tình. Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng hiện nay các BV đã thực hiện tự chủ tài chính, chủ trương của Bộ Y tế cố gắng tạo điều kiện cho các cơ sở y tế làm chủ về kinh phí để có nguồn trả lương cho nhân viên và thực hiện nhiều công tác khác. Do đó theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, những khoản thu hợp pháp, không sai luật thì BV vẫn được quyền thu.
Dĩ nhiên là pháp luật không cấm những cái được gọi là “quyền” đó nhưng thử hỏi, tiền thuế mà người dân đóng cho nhà nước là gì? Người dân có “quyền” hưởng lợi ích về an sinh xã hội trong đó có quyền được dùng những phương tiện tối thiểu tại các cơ quan nhà nước hay không?
Nếu bệnh viện công nào cũng có chính sách thu tiền người nhà của bệnh nhân thì những nơi này có gì để cung cấp cho người dân mà đòi thu tiền như một thứ lệ phí. Nước ư? Bao nhiêu lít nước cho mỗi người một ngày để phải đóng tới 3 trăm ngàn cho mỗi người ở lại? Hành lang bệnh viện ư? Bao nhiêu mét vuông cho một chỗ nằm đáng được gọi là nơi nghỉ ngơi cho một con người? Nhà cầu, quạt trần, điện đóm nếu tính ra thì mỗi đầu người như vậy tiêu tốn hết bao nhiêu?
Cứ tính cho chính xác và hạch toán như một công ty tư doanh làm bất cứ điều gì cũng phải có lợi rồi công khai trước dư luận xem người dân ứng phó ra sao rồi hẵng thu tiền của họ. Tuy nhiên cho dù có hợp lý thế nào trong tính toán vẫn không che được cái bất hợp lý lớn nhất trong hệ thống y tế của Việt Nam.
Đó là tính chất nhân đạo đúng nghĩa mà một bệnh viện dù tư nhân hay công lập cũng đều phải thấu hiểu.
Đã hơn 40 năm người dân Miền Nam trải qua cuộc đổi đời lớn nhất của dân tộc. Cái mà họ hy vọng nhất là cuộc sống thoải mái, xã hội bình đẳng và chính phủ biết lo lắng cho người dân. Cả ba ước ao ấy vẫn chưa bao giờ ló dạng mặc dù cây kim chỉ thời gian đã sắp chạm ngưỡng nửa thế kỷ sau ngày giải phóng.
Cuộc sống của người dân có thoải mái theo nghĩa đen lẫn bóng vẫn chưa định dạng, xã hội không hề có khái niệm bình đẳng vì các hố sâu ngăn cách giàu-nghèo, cán bộ-nhân dân vẫn hàng ngày hiển hiện khắp nơi. Chính phủ đẩy nỗi lo cho nhân dân vào cụm từ xã hội hóa nhưng thình thoảng châm vào vài ba ý tưởng nghịch lý đến khó hiều về mọi vấn đề quốc kế dân sinh.
Tất cả đang đẩy người dân vào con đường không những cùng khổ mà còn bị khinh miệt đến đau lòng.
Bệnh viện là nơi cứu người và bệnh nhân có bổn phận phải thanh toán viện phí là điều không ai chối cãi, tuy nhiên nếu vì chân lý này lại rắp tâm leo thêm một bậc nữa thì trở thành trấn lột hợp pháp không khác gì các BOT bẩn tràn ngập trên các quốc lộ hiện nay.
Ngành y từ nhiều năm qua vốn dĩ không được người dân xem trọng vì cả hai mặt: Bác sĩ, nhân viên thi nhau hành hạ bệnh nhân qua các hình thức đòi quà mới nhận được dịch vụ tốt nhất. Cạnh đó là tâm lý con nhà quan, xem bác sĩ như người phục dịch đã khiến cho quan hệ hai bên ngày một cách xa và cả hai nhìn nhau với đôi mắt ngờ vực thay vì thân thiện.
Nay, nếu thu thêm lệ phí của người nuôi bệnh thì khác nào châm thêm xăng vào nhúm lửa đang âm ỉ cháy trong các nơi được gọi là nhà thương. Hình ảnh không mấy đẹp đẽ của các bệnh viện công rồi đây sẽ tăng thêm lời nhiếc móc, sỉ vả mà giới áo trắng là người lãnh đủ hậu quả của vài đồng tiến lẻ từ người dân nghèo khó.
Chính phủ có thể chi vài ngàn tỷ cho một dự án có vấn đề nhưng lại rất “tiết kiệm” vài trăm tỷ cho sự an lòng của người cùng khổ.
Nói theo dân gian, chó chỉ thích cắn người áo rách.
No comments:
Post a Comment