Nhiều chùa to được xây dựng, nhiều Phật to được dựng lên, hàng nghìn người xếp hàng, khúm núm, tay phì phạch, miệng phì phò “Nam mô A di đà Phật” để mong giải hạn sao Thái Bạch ở chùa Phúc Khánh với giá 150 nghìn đồng. Chùa Ba Vàng, nơi thêu dệt những mẩu chuyện mê tín dị đoan, đến mức lấy hậu quả của sự quản lý yếu kém của xã hội hiện tại (làm tội phạm phát sinh) để coi đó là tiền kiếp, các bệnh tật con người phải gánh chịu cũng là “khẩu nghiệp”, và kết quả người nào muốn hết phải nộp tiền triệu vào chùa.
Cả xã hội Việt Nam đang quay cuồng với thứ Phật giáo không những đồi bại mà còn đi đến tận cùng của sự khốn nạn, nơi lòng tin và hướng thiện của người dân bị lợi dụng để lợi nhuận hóa.
Một cuộc chỉnh đốn Phật giáo là điều cần thiết
Chúng ta cần một cuộc chỉnh đốn Phật giáo, một trong những tôn giáo đang làm chủ mặt trận buôn thần bán thánh tại Việt Nam, bằng việc tái thực hiện lại những chính sách như thời Hồ Quý Ly và thời vua Minh Mạng đã từng thực hiện. Bởi thực trạng chùa đang trở thành nơi lợi nhuận hóa, trốn thuế, nơi để hưởng thụ nhiều hơn tu đạo và phổ độ chính sinh.
Đối với thời Hồ Quý Ly, áp dụng chính sách sa thải Tăng đạo, buộc hoàn tục những người chưa trên 50. Những ai thông hiểu kinh giáo thì buộc phải thi, thi đỗ thì sẽ trở thành sư, không thi đỗ thì phải hoàn tục.
Việc quản lý đội ngũ tăng sĩ là yếu tố quyết định nhất trong chấn chỉnh tình trạng hổ lốn Phật giáo hiện nay, bởi không chỉ thời Hồ Quý Ly, mà đến thời nhà Nguyễn (cụ thể thời Minh Mạng), một tăng sĩ muốn được cấp độ diệp thì phải được Bộ lễ sát hạch và ghi nhận là bậc chân tu.
Thế nhưng, hiện nay, việc quản lý tăng sĩ, đạo đức tăng sĩ đã được chú trọng hay chưa, hay chỉ đơn thuần là biến đức tin người dân trở thành một đức tin mù quáng, cam phận với những rủi ro và áp bức thời cuộc, và tự gieo trong mỗi người tin Phật pháp là “vong oan, tiền kiếp”. Phật giáo từ một tôn giáo mà Đức Phật mong muốn con người thực hành giáo lý để tìm sự bình an, hạnh phúc thông qua sự giác ngộ thì nay đã trở thành một con đường để tự bày biện ra những thứ trói buộc quanh mình.
Phật giáo Việt Nam hiện nay đang trở thành một phiên bản mẫu của Phật giáo Trung Quốc, bởi cả hai đã và đang trở thành một công cụ kiếm tiền. Ở Trung Quốc, những nhà sư làm chính trị hoặc trở thành công cụ chính trị không hề thiếu, đổi lại, anh ta trở thành một nhà sư cộng sản siêu giàu, dựa trên sự lơ là quản lý của chính quyền, sự bành trướng của mê tín và tệ kinh doanh trong chùa, gắn với niềm tin mù quáng của người dân.
Những niềm tin mù quáng như thế này cần phải được loại bỏ bằng một cuộc vận động lớn trong xã hội, nơi mà cuộc cách mạng công nghệ thông tin với số người dùng internet của Việt Nam đã chiếm hơn ½ dân số. Nhưng ngay cả khi dư luận xã hội phê phán, thì quản lý nhà nước không thể đứng ngoài cuộc, do vậy, triệt để siết chặt các hoạt động mê tín – dị đoan tại chùa là điều nên làm, trong đó tiến hành kỷ luật hoặc trục suất và buộc hoàn tục những tăng ni có hành vi truyền bá những giá trị không phù hợp với triết lý đạo phật, cố ý lạm dụng tâm lý của người dân để trục lợi.
Không thể để tình trạng CEO (một thuật ngữ về người quản trị kinh doanh) xuất hiện trong chùa như tại Trung Quốc, không thể tiếp tục nhân nhượng tình trạng phát triển du lịch tâm linh một cách ồ ạt như hiện nay làm cho nền tảng Phật giáo nguyên thủy bị suy độ.
Tại sao Phật giáo lại được ưu ái?
Câu hỏi được đặt ra là tại sao Phật giáo lại được ưu ái đến như vậy, đến mức suy thoái về cả giáo lý và đạo đức, nhưng Nhà nước không thể làm mạnh?. Giống như Trung Quốc, trong các tôn giáo tại Việt Nam, Phật giáo được coi là có truyền thống lành tính và dễ dàng chiêu dụ như cách mà hệ thống Nhà nước thời phong kiến được tiến hành (thời Lý, Phật giáo trở thành Quốc giáo), trong khi Nhà nước vẫn coi các thành viên Kito giáo, hay sự mở rộng Kito giáo là một cơ hội để thâm nhập và gây bất ổn nền an ninh quốc gia. Và thực tế, bài học về vai trò của Giáo hội Công giáo trong việc chống lại chính quyền Cộng sản Đông Âu đã khẳng định những nỗi sợ này. Và trong những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến phản ứng chính sách, chủ trương nhà nước thì cộng đồng Công giáo vẫn đi đầu, những tôn giáo khác (kể cả Phật giáo Quốc doanh) vắng bóng trong dòng chảy này. Sự cưng chiều của Nhà nước, và sự lệ thuộc của Phật giáo đối với Nhà nước được biểu hiện ngay trong lý tưởng của T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Đạo Pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Và đây có thể là một trong những mấu chốt khiến Phật giáo Việt Nam bị chỉ trích ngày càng nhiều, liên quan đến một loạt các vấn đề như thương mại hóa, tham nhũng, sự lạm dụng đức tin người dân để trục lợi.
Việt Nam có thể học theo Trung Quốc?
Tại Trung Quốc, sau sự kiện Shi Xuecheng, 52 tuổi, người đứng đầu Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc và trụ trì của chùa Long Tuyền nổi tiếng ở Bắc Kinh, người đã bị tố cáo quấy rối tình dục các đệ tử qua tin nhắn. Chính quyền Trung Quốc đã ra chỉ thị 10 điểm, trong đó nghiêm cấm thương mại Hóa phật giáo, và tất cả nơi thờ tự phải phi lợi nhuận. Cán bộ quản lý địa phương cấm quảng bá, trục lợi từ hoạt động tôn giáo dưới danh nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế. Cấm xây dựng các tượng Phật lớn ngoài trời. Các khoản thu nhập nếu có từ hoạt động tôn giáo chỉ sử dụng cho mục đích từ thiện, bảo trì; và các nhóm tôn giáo phải tuân thủ theo hệ thống thuế, có kiểm toán.
Những nội dung quản lý Phật giáo nêu trên của chính quyền Trung Quốc là thực trạng đang diễn ra tại Việt Nam, liệu chăng chính quyền Hà Nội cần nghiêm túc học tập và chỉnh đốn Phật giáo từ hôm nay, thay vì để xuất hiện một Shi Xuecheng phiên bản Việt Nam?.
No comments:
Post a Comment