Đ
ó là câu chuyện chùa Ba Vàng nhận tiền cắt duyên nghiệp để chữa bệnh cho phật tử, thuyết giảng chuyện bị vong nhập… Trong buổi pháp thoại được truyền hình trực tiếp trên trang web, trang youtube và mạng xã hội facebook của chùa vào tối hôm 21-3, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng, nói rằng “Chùa lớn nên bị ghen ghét”. [kênh Youtube chùa Ba Vàng https://youtu.be/ia8hXgiQvjQ]
Họ đang choảng nhau!
Luật sư Nguyễn Thanh Bình nói rằng ông đang cảm nhận là hình như các đại gia bất động sản tâm linh giữa “Bái Đính – Tam Chúc” với “Yên Tử – Ba Vàng” đang bắt đầu choảng nhau.
Nhà báo chuyên về biên khảo du lịch, ông Phạm Hoài Nhân kể rằng cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời chính xác chùa Ba Vàng được khai sơn từ khi nào. Theo nội dung khắc trên cây hương đá trước cửa chùa, thì chùa xưa được dựng vào năm Ất Dậu, triều vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (tức năm 1706). Tuy nhiên, căn cứ vào những dấu tích di chỉ được các nhà khảo cổ thêm, thì ngôi chùa còn có thể được xây dựng từ sớm hơn, tức là vào thời Trần thế kỷ thứ 13.
“Thật ra hoạt động tâm linh của các vùng đều như nhau thôi. Nhưng trong cuộc chiến này, cuộc chiến giành dòng người u mê cuồng tín, phe nào mạnh, nhiều tiền thì phe đó thắng. Trong cuộc chiến ấy, công cụ và phương tiện cho các bên chiến đấu cơ bản, chủ yếu là giới truyền thông. Nhiều nhà báo sẽ gia nhập đám tay sai đầy mưu mẹo cho các đại gia bất động sản tâm linh. Bà con chú ý theo dõi nhé, hấp dẫn lắm đây!”. Luật sư Nguyễn Thanh Bình cảnh báo.
Theo năm tháng, chùa xưa chỉ còn là phế tích, để phát huy giá trị văn hóa lịch sử ngôi chùa liên tiếp được đầu tư tôn tạo. Ban đầu chùa được xây dựng bằng gỗ và sau đó năm 1993 chùa được trùng tu lại bằng xi măng. Hiện vật đáng chú ý nhất của chùa Ba Vàng còn sót lại tới hôm nay là một số di vật bằng đá, bao gồm 1 bia đá cao 0,52 m, rộng 0,38 m, dày 0,12 m, 2 con rùa đá và 1 cây hương bằng đá cao 1,2 m 4 mặt, mỗi mặt rộng 0,22 m. Theo dòng chảy thời gian, chữ Hán trên bia đá và cây hương đá đã mòn, rất khó đọc. Trên cây hương bằng đá, chỉ còn lại một số chữ lớn giáp đầu bia: Thành Đẳng Sơn, Bảo Quang tự, Thiên đài trụ, nghĩa là trụ đài đá chùa Bảo Quang, núi Thành Đẳng.
Theo một tài liệu riêng của người viết, thì từ phế tích như kể trên, Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử một đệ tử là Đại đức Thích Trúc Thái Minh, thế danh Vũ Minh Hiếu sinh năm 1967 tại làng Sen, thôn Ngọc Quan, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh về gầy dựng lại chùa Ba Vàng.
Tuy nhiên người đứng đàng sau dự án này lại là Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Trưởng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh. Trong buổi lễ động thổ xây dựng chùa Ba Vàng vào ngày 11-7-2010 còn có sự hiện diện của một chức sắc đến từ Trung Quốc được giới thiệu là Hòa thượng Chi-chộp.
Sau 3 năm xây dựng, chùa đã hoàn thiện một số hạng mục như: Ngôi Đại Hùng bảo điện rộng 4.500m2, Lầu Chuông rộng 112m2, Lầu Trống rộng 112m2, hành lang La Hán rộng 200m2, nhà bảo tàng rộng 700m2, thư viện rộng 700m2, khu nhà tăng rộng 1.600m2, thiền đường rộng 960m2, cổng đá, cổng tam quan trung, cổng tam quan nội và một số công trình phụ.
Ngày 9-3-2014, chùa Ba Vàng tổ chức đại lễ khánh thành và nhận bằng kỷ lục “Ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Đông Dương”.
Tháng 12-2014, trụ trì Thích Trúc Thái Minh bảo vệ thành công luận án “Ngôi chùa có chính điện lớn nhất Đông Dương” trước hội đồng giáo sư Đại học Kỷ lục thế giới thuộc tổ chức có tên Viện Hàn Lâm Khoa Học Sáng Tạo Thế Giới, trụ sở đặt tại thành phố Faridabad, New Dehli, Ấn Độ.
Đại gia xây chùa
Các nhà nghiên cứu và cả những phật tử chân tu đã cảnh báo, việc chính của chùa không phải là đua chen những kỷ lục về xây dựng mà là giáo hóa tâm linh, hoằng dương Phật pháp. Những chùa đua chen xây dựng to lớn chỉ làm tâm linh bị u mê hơn.
“Siêu dự án” tâm linh Tràng An – Bái Đính (Ninh Bình, doanh nghiệp Xuân Trường) với hàng loạt các kỷ lục hay ngôi chùa mới xây dựng được cho là lớn nhất thế giới bên cạnh ngôi cổ tự Tam Chúc (huyện Kim Bảng, Hà Nam). Theo thông tin công bố thì doanh nghiệp đã rót 11.000 tỷ đồng, mục tiêu là xây dựng ngôi chùa lớn nhất thế giới bên trong một khu du lịch rộng 5.100 héc ta. Điều quan trọng nhất và cũng tạo ra nhiều vấn đề bất thường nhất được dư luận đặc biệt quan tâm, chính là diện tích đất phục vụ dự án đều tính ở con số hàng ngàn héc ta đất.
Đơn cử, hệ thống dịch vụ tại Bái Đính là một vòng khép kín, và Xuân Trường là doanh nghiệp thâu tóm mọi chi phí, lượt khách… tại đây. Đáng quan tâm hơn là chưa ai trả lời được nguồn tiền công đức sẽ đi đâu về đâu?
Người viết ủng hộ các công ty tư nhân, các hội đoàn xã hội dân sự đầu tư xây dựng chùa chiền, tự viện. Đơn cử ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, nếu như chính quyền đã có quyết định cuối cùng sau gần 20 năm tranh cãi, là giữ lại Nhà thờ Thủ Thiêm, các cơ sở của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, thì tại sao không đồng ý khôi phục lại chùa Liên Trì do Hòa thượng Thích Không Tánh là Viện chủ?
Một bài học ai cũng thấy, khu Phú Mỹ Hưng dân cư rộng lớn mới xây dựng ở TP.HCM, dường như không có một ngôi chùa nào được xây dựng bên trong. Người dân mua những căn hộ trong đó được đáp ứng đủ mọi thứ, siêu thị, trường học, bệnh viện, nhà trẻ…, trừ sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh. Muốn đi chùa, thì chỉ có thể đến một số ngôi chùa nhỏ ngoài khu dân cư, xa hơn trong những khu vực hình thành đã lâu trong quận 7.
Người mua bất động sản cư trú ở đó có nơi thăm viếng lễ bái vào ngày rằm, mùng Một, ngày Tết, tạo thành một điểm di dưỡng tinh thần. Chùa kết hợp với cảnh quan vườn cây hay sông nước lại càng có tác dụng nâng cao giá trị của cảnh quan, tức là nâng cao giá trị của bất động sản, cũng là nâng cao phẩm chất đời sống tinh thần của cư dân.
Rất tiếc là tất cả giá trị nhân bản nói trên đã không hiện diện ở các “siêu dự án tâm linh” tại miền Bắc.
Trở lại việc chùa Ba Vàng: phạt hành chính hay xử lý hình sự?
Chùa Ba Vàng không chỉ thuyết giảng về duyên – nghiệp mà còn thu tiền để cắt duyên nghiệp, hóa giải duyên nghiệp từ kiếp trước để trị bệnh. Điều này được Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác nhận là không đúng với giáo lý nhà Phật. Bởi, Phật phổ độ chúng sinh. Vậy nên Phật sẽ chẳng lấy tiền của những người mắc bệnh hiểm nghèo khi sử dụng Phật pháp để an ủi cho phần tinh thần của họ.
Việc cho rằng cắt duyên nghiệp để trị được mọi bệnh tật, có dấu hiệu của việc gian dối đối với người khác và thu lời, là một trong những dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Bộ luật hình sự 2015.
Tuy nhiên cái khó ở đây là sẽ không dễ tìm được ai là bị hại. Những người đến nộp tiền để được giải nghiệp chữa bệnh mà không cho rằng mình bị lừa, không cho rằng mình bị thiệt hại, không bị sử dụng hành vi gian dối, thì pháp luật hình sự cũng khó xử lý được trách nhiệm của những người thu tiền của người bệnh.
Có lẽ do biết rõ những điểm lách ấy của pháp luật hình sự, đồng thời từ sự chống lưng của ai đó nên mới có việc trong buổi pháp thoại được truyền hình trực tiếp trên trang web, trang youtube và mạng xã hội facebook của chùa vào tối hôm 21-3, Đại đức Thích Trúc Thái Minh lớn tiếng nói rằng “Chùa lớn nên bị ghen ghét” (!?).
Thay lời kết
Bên lề vụ việc, cựu tổng thư ký báo Thanh Niên, nhà báo Hoàng Hải Vân kể: “Trước đây, mỗi khi được giao đất, doanh nghiệp nhận đất phải nộp cho cá nhân người đứng đầu địa phương một khoản tiền từ 8-10% giá trị lô đất tùy vị trí. Ông này từng nói thẳng với một nhà báo: “Tau không lấy tiền đó thì lấy gì chung cho mấy thằng ở trên”, tất nhiên là ông nói mồm không bằng không chứng. Sau đó, có lẽ thấy việc này dễ bị lộ nên ông đã dùng cái chùa kia để rửa tiền.
Chùa thì do ông cấp đất xây dựng, sư trụ trì là người ông sắp xếp đưa vào. Doanh nghiệp thay vì mang tiền phần trăm đến cho ông thì mang vào cúng chùa. Trụ trì được dùng một ít tiền đó để xây chùa đúc Phật, còn phần lớn chuyển lại cho ông. Ví dụ doanh nghiệp cúng vào chùa 10 tỷ thì phần chùa 1 tỷ còn phần ông 9 tỷ. Ông lấy tiền ra bất cứ lúc nào ông cần, để hối lộ các bộ, ngành ở trung ương và dùng riêng cho cá nhân ông…”.
No comments:
Post a Comment