Trung Khang, RFA-2019-03-18
Ảnh minh họa chụp tại Sài Gòn hôm 17/3/2019.RFA
Một lần nữa chuyện người Việt chen lấn, xô đẩy, không xếp hàng, đi trễ… lại được một vị lãnh đạo chính phủ nói đến và kêu gọi người dân và báo chí góp phần đẩy lùi những thói quen xấu như thế.
“Có lẽ người ta hay dùng câu là hoàn cảnh tạo nên tính cách.”
Đó là nhận định của Sử gia Dương Trung Quốc, ông đưa ra ví dụ tuổi thơ của ông cách đây năm sáu chục năm, thì rõ ràng có sự khác biệt từ cách giáo dục trong xã hội, trong gia đình, từ trong những câu ca dao, từ trong lề thói đời sống, người ta luôn lấy sự tự tại, bình tĩnh, không vội vã.v.v… để thể hiện tính cách của mình, sự sang trọng của mình, hay sự lịch sự của mình. Ông nói tiếp:
Phải nói là rất khắc nghiệt, nên nó dẫn đến việc tính cách con người luôn luôn tranh thủ mọi cơ hội để đạt được mục đích của mình, trong hoàn cảnh đời sống không ổn định, chính sách chế độ không thể ổn định được.
-Sử gia Dương Trung Quốc
“Nhưng rõ ràng nhất của việc này là thời kỳ chiến tranh, thời kỳ bao cấp; nói thế không phải đổ cho câu chuyện của một thời kỳ lịch sử nhất định. Tôi lấy ví dụ về tiêu chuẩn nhu yếu phẩm chẳng hạn, nếu anh chậm chân thì có thể không bao giờ anh có được cả, để được xếp hàng người ta phải tranh giành một cơ hội nào đó. Phải nói là rất khắc nghiệt, nên nó dẫn đến việc tính cách con người luôn luôn tranh thủ mọi cơ hội để đạt được mục đích của mình, trong hoàn cảnh đời sống không ổn định, chính sách chế độ không thể ổn định được.”
Sự không ổn định có thể thấy rõ nhất qua việc, khi ra nước ngoài, người Việt Nam vẫn xếp hàng, nhưng khi ở trong nước, có lẽ họ lo sợ vì nạn tham nhũng, nạn 'cò'... giành mất phần nếu họ kiên nhẫn xếp hàng. Điều này cho thấy rõ, rất nhiều người mất niềm tin vào sự công bằng.
Sự phát triển của xã hội ngày nay, khoảng cách giàu nghèo, cộng với sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền cũng là một câu hỏi được nêu lên là có phải là nguyên nhân của sự việc.
Theo Sử gia Dương Trung Quốc, một trong những nguyên nhân là việc ngày càng nhiều người dân nông thôn di cư vào thành thị:
“Lối sống của nông thôn tràn vào thành thị, phải nói là khá lâu dài, cho đến bây giờ vẫn như vậy thôi, thì tôi cho rằng hoàn cảnh thay đổi xã hội tạo nên thói xấu đó. Cộng với việc chúng ta không có cái chuẩn mực. Hơn nữa có nhiều cái chúng ta phải giải thích hết sức sâu sắc. Tôi lấy ví dụ việc tranh cướp ở các lễ hội chẳng hạn, ngày xưa lễ hội nó chỉ ở làng thôi, và trong làng có thói quen là sự tranh cướp tạo nên sự vui vẻ của ngày hội, còn bây giờ thì của tứ chiến. Cho nên nó chứa đựng ở đó tất cả những hành vi, từ cái chỗ rất văn hóa, thành hành vi phi văn hóa.”
Nếu nhìn vào hiện tượng để phân tích thật kỹ, thì những thay đổi của xã hội, đòi hỏi hành vi con người phải phù hợp theo. Vì vậy ông Dương Trung Quốc cho rằng, để hạn chế những hành động vô văn hóa đó thì không có gì có thể giải quyết bằng kỷ luật của đời sống, kỷ luật của thực tiễn, kỷ luật của khoa học… Ông đưa ra ví dụ chuyện giờ giấc, không thể xuê xoa được, người đi muộn thì lỡ chuyến tàu, điều đó là chắc chắn. Vì vậy tự điều chỉnh bằng nếp sống có thể tốt hơn bằng chính sách; thậm chí bằng kỹ thuật công nghệ nhiều hơn chỉ là vấn đề thuần túy là giáo dục, nhắc nhở, nói chuyện…
Tại Hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hoá ứng xử” do Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch phối hợp cùng Hội Nhà báo, Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức hôm 16 tháng 3, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ngoài việc kêu gọi kêu gọi người dân bỏ thói chen lấn, trễ giờ, ông còn kêu gọi báo chí có tiếng nói mạnh mẽ hơn về vấn đề này bằng cách tăng bài viết, chuyên mục về ứng xử văn hoá.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 18/3/2019, nhà ngôn ngữ học, Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:
“Nếu mà nói là chữa một thói quen như thế thì rất là lâu, nhất nhiều thứ, chẳng hạn như chuyện đi trễ khi dự đám cưới ở Việt Nam. Nhưng ở đây không nói như thế, mà nói về phía nhà nước, chẳng hạn như tôi đi đến chỗ nhà nước thì cán bộ nhà nước đâu nêu gương được chuyện đó. Cái cần làm nhất là một nhà nước có pháp luật, có kỷ cương, mà cái đó thì rất khó làm. Chứ chỉ báo chí lên tiếng thì chưa đủ. Nếu như ông phó thủ tướng kêu gọi như vậy, trong khi bộ máy hành chính như thế, thì làm sao người ta tin được. Tôi cho là có thể nói như ổng, nhưng với cương vị như ông phó thủ tướng thì trước hết ông phải hướng vào đội ngũ của ông ấy.”
Báo chí thì cũng cần thiết, có thể nêu gương những việc làm tốt hay bêu gương những việc làm sai trái, theo tôi cũng có sức ép xã hội và cũng không phải là không có hiệu quả. Nhưng tôi cho rằng cuối cùng cũng phải đi vào cái kỷ luật của đời sống, cuối cùng người dân phải cân nhắc hiệu quả của hành vi của mình, vì có những trường hợp đi trễ có thể bị phạt… hoặc là ở cơ quan nếu đến trễ thì có thể bị xử lý về hành chính… Tôi cho rằng phải làm một tổng thể như thế mới hy vọng thay đổi được, chứ không chỉ là tuyên truyền thuần túy, mặc dù tuyên truyền là cực kỳ quan trọng, nhưng nó chỉ là một phần của cuộc sống thôi - Ông Dương Trung Quốc nhận định.
Không phải người Việt trong nước mới hay đi trễ, nhiều người Việt khi ra nước ngoài sinh sống, mặc dù sống trong một trường năng động hơn, văn minh hơn, nhưng chuyện người Việt hay đi trễ cũng là vấn đề cần bàn, đến nỗi có cả một câu nói vui mô tả chuyện này là “Không ăn đậu không phải Mễ (người Mexico), không đi trễ không phải Việt Nam”. Tuy nhiên không phải người Việt ở nước ngoài lúc nào cũng đi trễ, khi cần gặp ai quan trọng, hay khi đi máy bay, họ thường đi đúng giờ, thậm chí họ đi sớm hơn.
Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng thì cho rằng, Ông Vũ Đức Đam nói như thế thì nên hướng vào cán bộ nhà nước, tức là người trong phạm vi ông Đam có trách nhiệm, nếu ông làm được như thế, cán bộ không đi trễ về sớm, thì sẽ làm gương rất tốt:
Ông Vũ Đức Đam nói như thế thì nên hướng vào cán bộ nhà nước, tức là người trong phạm vi ông có trách nhiệm, nếu ông làm được như thế, cán bộ không đi trễ về sớm. Thì sẽ tác động rất lớn đến quần chúng, chứ kêu gọi văn hóa nói chung thì rất khó mà giải quyết.
-PGS. TS. Hoàng Dũng
“Trong truyền thống của người Việt, thì chuyện chuyện trễ giờ liên quan đến một xã hội nông nghiệp. Chẳng hạn dẫn nước vào ruộng trước một giớ hay sau một giờ chẳng có ý nghĩa gì, nhưng anh đến nhà máy trễ 10 phút là sinh chuyện rồi. Cho nên đời sống công nghiệp buộc phải đúng giờ, còn đời sống nông nghiệp không phải thế, cái đó nó có từ đặc điểm kinh tế văn hóa của người Việt, phải sửa chữa từ lâu rồi. Ông Vũ Đức Đam nói như thế thì nên hướng vào cán bộ nhà nước, tức là người trong phạm vi ông có trách nhiệm, nếu ông làm được như thế, cán bộ không đi trễ về sớm. Thì sẽ tác động rất lớn đến quần chúng, chứ kêu gọi văn hóa nói chung thì rất khó mà giải quyết.”
Còn Sử gia Dương Trung Quốc thì cho rằng mọi hiện tượng xã hội phải nghiên cứu thật kỹ chứ không đơn giản. Chẳng hạn như lễ hội ngày xưa liên quan đến một không gian nhất định, quy củ, có nề nếp, những hành vi đã được điều chỉnh bằng tập quán. Ông so sánh với hiện nay:
“Như vấn đề cướp lộc chẳng hạn, hay như chơi cù chẳng hạn, người ta tranh giành nhau một cách quyết liệt, nhưng mà nó có luật lệ rồi. Nó khác với cái chuyện vừa rồi, dân tại chỗ đang chơi với nhau rất vui vẻ, rồi dân bên ngoài nhảy vào, biến nó thành một cuộc ẩu đả, tranh cướp rất vô lối, vô văn hóa.”
Tuy nhiên Ông cho rằng, muốn giải quyết thì phải điều chỉnh từng bước một, chứ không nên triệt tiêu. Vì nếu triệt tiêu thì sẽ mất đi phần nào giá trị của lễ hội, mà nên điều chỉnh như thế nào, cho phù hợp với thực tế hiện nay là lễ hội gắn liền với du lịch, vì lễ hội đã vượt ra khỏi khuôn khổ những yếu tố truyền thống. Vì vậy Ông cho rằng, muốn hạn chế các thói xấu trong xã hội, thì phải điều chỉnh làm sao để vẫn giữ được nét đẹp, nét hay, hạn chế những yếu tố đi sai lệch, biến tướng, phản cảm, đi ngược lại giá trị văn hóa.
No comments:
Post a Comment