Friday, March 8, 2019

Giáo viên … “mất dạy”

”..Không còn gì đau đớn hơn một người với tư cách là thầy giáo, làm vấy bẩn tâm hồn của học trò. Tôi rất thích câu nói của một người thầy tôi từng học: Một nền giáo dục hỏng sẽ làm hỏng một thế hệ. Một người thầy hỏng sẽ làm vẩn đục những cuộc đời...”
giaovien_matday
Chiều nay, khi đi làm về, như thường lệ, tôi ghé quán nước ngồi ngắm dòng người qua lại trên đường, đó là sở thích bất diệt của tôi. Bên cạnh tôi là một ông xe ôm đang nằm trên yên xe, vắt chân lên tay lái đọc báo qua chiếc điện thoại, bỗng dưng ông buột miệng chửi: đồ giáo viên… mất dạy. Tôi sững người nhìn ông, ông chỉ bảo… đọc báo đi.
“Mất dạy” là từ mà dân gian thường dùng để chỉ những người không được dạy bảo tử tế, không có kiến thức lẫn đạo đức. Ấy thế mà hai từ không mấy đẹp đẽ ấy lại được dùng để chỉ một số giáo viên trong xã hội hiện nay.
Giáo viên vốn được coi là một nghề cao quý trong xã hội, được người dân Việt Nam từ xưa đến nay tôn trọng, kính cẩn gọi bằng “thầy” hay “thầy giáo” ngang hàng với bậc cha chú mà không phân biệt tuổi tác. Những nghề được gọi là “thầy” trong xã hội không nhiều: thầy giáo, thầy thuốc, thầy bói, thầy cúng, thầy chùa (nhà sư)…có nghĩa rằng họ giỏi hơn người bình thường một lĩnh vực nào đó và điều quan trọng hơn là tư cách đạo đức của họ đủ để người khác phải học hỏi và noi gương.

Nhưng gần đây, do những chương trình cải cách giáo dục qua các đời bộ trưởng mà chất lượng đạo đức của giáo viên ngày càng đi xuống. Đi xuống ngày càng tệ hại đến mức người ta chửi giáo viên là đồ… “mất dạy”. Ai cũng có thể chửi “mất dạy” nhưng giáo viên mà bị chửi như vậy thì cần phải xem lại vấn đề nằm ở đâu.
Dưới đây là một số bài báo dễ dàng tìm thầy trên mạng do báo giới quốc doanh đăng tải:
Vụ thầy giáo bị “tố” dâm ô ở Bắc Giang: Kiểm tra thân thể 14 học sinh, không thấy dấu vết gì nghi vấn[1]
Thầy giáo trường chuyên Thái Bình bị tố nhắn tin “gạ tình” nữ sinh[2]
Nữ hiệu trưởng trường mầm non bị cáo buộc trộm xe của giáo viên[3]
Nghi án thầy giáo dâm ô nữ sinh lớp 8: Thầy có uống bia trong tiệc liên hoan[4]
Nghi án thầy giáo dâm ô nữ sinh tiểu học: Hiệu trưởng có hoàn toàn vô can?[5]
Bé lớp 2 “tố” bị thầy giáo dâm ô ngay trên bục giảng[6]
Xác minh thông tin thầy dạy nhạc xâm hại 3 nữ sinh tiểu học[7]
Cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng[8]
Cô giáo bắt học sinh tát bạn[9]
Cố giáo bắt học sinh tự tát 50 cái[10]
Còn nhiều và rất nhiều, ngày càng nhiều các vụ việc như vậy. Không thể kể hết các vụ việc giáo viên làm trò bậy bạ với học sinh. Tôi tự hỏi rằng: những chuyện này thường xuyên được báo chí đưa tin, vậy tại sao các giáo viên đó không biết sợ hãi? Hay họ cho rằng việc làm của mình sẽ không bị ai phát hiện? Hay đó là cách giáo dục học sinh của họ? Tại sao ngành giáo dục lại để xảy ra những câu chuyện như vậy?
Tôi chưa được thấy bài viết nào của giới báo chí quốc doanh nêu đúng nguyên nhân giải thích cho các sự việc một số giáo viên có hành vi phản giáo dục mà người ta gọi là mất dạy như thế. Tôi cho rằng có một số nguyên nhân sau đây có thể không đầy đủ nhưng cần thiết phải chỉ đích xác nguồn gốc của vấn đề.
1. Chất lượng đầu vào ngành giáo dục càng ngày càng thấp
Ngành sư phạm là một trong những ngành hot trong mùa tuyển sinh… cách đây chục năm về trước. Đó là ngành học luôn luôn đứng top đầu trong tất cả các khối ngành tuyển sinh của bộ giáo dục. Một phần do người học ngành này được miễn hoàn toàn học phí, một phần khác đó là ước mơ chính đáng của các em học sinh. Một ước mơ cao cả thừa hưởng từ những người thầy của mình. Đó là truyền dạy tri thức cho người khác. Đó cũng là mong muốn bậc nhất của các bậc phụ huynh.
Tuy nhiên, trước thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” hiện nay thì ngành sư phạm đã giảm đi đáng kể độ hot của mình. Phần lớn người ta đã thực tế hơn, họ ý thức được việc làm sau khi ra trường của ngành này chứ không hẳn là mộng mơ về một cái nghề cao quý.
Và rồi “Điểm chuẩn vào các trường sư phạm thấp: ngành sư phạm không còn sức hút?[11]”, “Ngành sư phạm: điểm chuẩn thấp vì nguồn tuyển khan hiếm[12]”, “Điểm chuẩn vào các ngành sư phạm thấp: sẽ khó có giáo viên giỏi[13]”, “Đầu vào sư phạm thấp, chất lượng giáo dục sẽ về đâu[14].
Việc hạ điểm chuẩn của ngành sư phạm, cũng tức là hạ thấp tiêu chí giáo viên của ngành học này. Người ta tuyển chọn cốt cho đủ chỉ tiêu chứ không quan tâm tới chất lượng của từng sinh viên theo học. Tiêu đề của các bài báo vừa kể trên cũng đã cho thấy nguyên nhân khiến chất lượng giáo viên ngày càng thấp. Nếu muốn hiểu hơn, xin hãy đọc các bài báo đó. Đây là một điều đáng buồn trong cách tổ chức đào tạo của Bộ Giáo dục. Nói đúng hơn, một Bộ Giáo dục đã không còn thuốc chữa nữa rồi.
2. Chạy việc, xin việc và mua việc
Đó là hệ quả của cơ chế. Không phải chỉ riêng ngành sư phạm mới phải “chạy việc, xin việc và mua việc”. Mà tất cả các ngành nghề, các công việc có dính dáng tới ngân sách nhà nước đều nằm trong vòng xoáy buôn bán chức tước này. Tôi đã từng phân tích trong một bài viết trước đây của mình “Ba ngành kinh doanh siêu lợi nhuận của tư bản đỏ” trên báo Tiếng Dân.
Với tâm lý làm việc đúng ngành, đã học ngành nào thì ra trường phải làm đúng ngành đó. Các sinh viên sư phạm ra trường không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đi “chạy” vào nghề giáo viên.
Những sinh viên may mắn hơn, có người nhà, người thân làm ở ngành giáo dục thì được ưu tiên “xuất nội bộ” nhưng cũng phải qua một số cửa mới chắc chân. Còn những sinh viên ra trường được nhận vào dạy học ngay tức thời thì ô dù của họ là trực tiếp hoặc cũng phải ở trên tận “thiên đình”, còn không thì số họ “quá may mắn”.
Đây là biểu hiện: “Hiệu trưởng nhận gần 1,2 tỷ đồng tiền chạy việc làm giáo viên[15]”, “Vụ gần 600 giáo viên nguy cơ mất việc: Hiệu trưởng nhận chạy việc 300 triệu đồng/suất[16]”, “Lời kể của giáo viên làm cò chạy việc[17]”, “giáo viên chạy hàng trăm triệu: giáo dục sẽ đi về đâu?[18]”, “Phải phăng ra đường dây chạy việc cho giáo viên[19]”…
Nếu không có chạy việc thì các giáo viên tương lai của chúng ta đúng là “mất dạy” (mất được dạy) theo nghĩa đen, còn nếu có chạy việc thì họ “mất dạy” theo nghĩa bóng.
3. Không có triết lý giáo dục
Triết lý giáo dục (hay triết học giáo dục) là một tiêu chuẩn chung của cả nền giáo dục quốc gia. Nó giúp chúng ta trả lời câu hỏi: học để làm gì? Học như thế nào? Học cái gì? Triết lý giáo dục đặc biệt nhấn mạnh vào các khía cạnh đạo đức học và nhận thức luận. Khi người học sinh biết học để làm gì thì người giáo viên mới biết dạy cái gì và dạy như thế nào. Triết lý giáo dục phải được nhà nước thừa nhận và chiểu theo đó để định hướng, đưa ra các phương án giáo dục cho mọi cấp bậc.
Ở Việt Nam hoàn toàn không có chuyện đó. Chúng ta chưa bao giờ được nghe một ông Chủ tịch nước nói về triết lý giáo dục của đất nước mình. Nếu tìm trên google chúng ta sẽ thấy mỗi ông bộ trưởng giáo dục nói một cách khác nhau. Mỗi “nhà giáo dục” nói theo một cách khác nhau. Như vậy là ở Việt Nam không có triết lý giáo dục.
Nếu không có triết lý giáo dục thì rõ ràng không trả lời được câu hỏi “giáo dục để làm gì?”. Nếu không trả lời được câu hỏi ấy thì đừng nói đến các câu hỏi khác.
Đó là lý do học sinh không biết học để làm gì, và giáo viên không biết dạy để làm gì. Việc học với học sinh chỉ đơn giản là học để lấy điểm, thi lên lớp, lên cấp, lấy văn bằng. Việc dạy của giáo viên chỉ để lấy lương, lấy thành tích, lấy cơ hội thăng quan tiến chức (nếu có) chứ không phải là dạy học. Nó giống như một cái nghề, tạm gọi là nghề nói.
Việc không có triết lý giáo dục thì có liên quan gì đến một số giáo viên “mất dạy” kia? Có đấy. Đó là nhận thức và đạo đức của người giáo viên bị xuống dốc.
Khi anh không có nhận thức dạy để làm gì thì anh không có đạo đức của người dạy học. Anh tự coi mình là một người “thầy” đứng trên đầu học sinh như một lãnh chúa độc tài. Mọi lời anh nói là chân lý, là “cành vàng lá ngọc”, buộc học trò phải vâng lời. Cái việc anh làm không phải là dạy học mà chỉ là thể hiện cái quyền lực được đứng trên đầu người khác mà thôi. Và khi anh không tự ý thức giới hạn được cái quyền đó thì đạo đức của anh bị xuống dốc tệ hại. Nó dẫn đến hành vi dâm ô, gạ tình, bắt học sinh quỳ gối, uống nước giẻ lau bảng hay tát vào mặt bạn như các hiện tượng giáo dục tôi kể trên.
Lúc đó anh hoàn toàn không ý thức được hình ảnh của mình trong mắt học sinh và hậu quả của mình sau khi làm việc đó.
4. Lương giáo viên thấp
Lương giáo viên thấp là một trong các vấn nạn khiến giáo viên không tập trung vào sự nghiệp giáo dục của mình. Một bài báo cho biết, lương giáo viên bậc THCS chỉ 2 triệu đồng/tháng, bậc lương giáo viên THPT là 3 triệu đồng/tháng, còn không bằng cả lương người giúp việc[20]. Thử hỏi với mức lương ấy có giáo viên nào sống nổi? Một số giáo viên trẻ phải vay nợ, xin tiền bố mẹ để sống[21].
Tình trạng ban đầu của các giáo viên trẻ đều như thế. Phải mất 10 – 15 năm lương của họ mới lên được tới 5 – 7 triệu. Nếu những giáo viên vay nợ từ 200 – 300 triệu để xin vào biên chế viên chức giáo viên thì họ phải mất từ 5 – 10 năm mới trả hết số nợ này. Đó là chưa kể họ còn phải sinh sống.
Lương giáo viên thấp khiến giáo viên không có tinh thần dạy học, khiến họ không cố gắng và điều quan trọng là họ coi việc dạy học chỉ là nghề tay trái để có chỗ đứng trong xã hội chứ không phải nghề tay phải để kiếm cơm.
Để họ sống được, họ phải tận dụng thời gian làm các công việc khác, nếu không họ sẽ phải bỏ nghề[22] hoặc xin ra khỏi ngành. Những người không dám xin ra khỏi ngành, tôi nghĩ họ không có cơ hội ra khỏi ngành, bởi vì nếu ra khỏi ngành họ không biết làm gì để sống. Họ được đào tạo để dạy học và họ chỉ dạy học mà thôi. Đó cũng là bất cập của nền giáo dục Việt Nam hiện nay.
Trong khi đó đâu phải cứ ai học ngành nào thì ra trường sẽ làm được ngành đó đâu. Tôi cho rằng, điều quan trọng của giáo dục phải là, phải dạy cho sinh viên biết cách thích ứng với cuộc sống, thích nghi nhanh với tất cả các ngành nghề nếu họ có cơ hội. Điều đó thể hiện đầu tiên ở triết lý giáo dục tôi vừa kể trên.
Lời kết
Ở bài viết này, tôi không ám chỉ tất cả giáo viên hay những người làm nghề giáo dục. Những “giáo viên mất dạy” chỉ là một thiểu số nhỏ trong xã hội Việt Nam hiện nay. Tôi chỉ nói về những kẻ đã làm vấy bẩn nền giáo dục Việt Nam đã bị báo chí phanh phui, và chắc chắn họ sẽ bị pháp luật, dư luận xã hội, công lý và lương tâm trừng phạt.
Không còn gì đau đớn hơn một người với tư cách là thầy giáo, làm vấy bẩn tâm hồn của học trò. Tôi rất thích câu nói của một người thầy tôi từng học: Một nền giáo dục hỏng sẽ làm hỏng một thế hệ. Một người thầy hỏng sẽ làm vẩn đục những cuộc đời. Giáo dục là cách để làm nên CON NGƯỜI.
6/3/2019
Nhân Trần
Nguồn dẫn:

No comments:

Post a Comment