Friday, March 8, 2019

Gián điệp ở ta & Gián điệp từ Tầu

”..Thế mới biết chủ trương cẩn trọng (thà bắt lầm còn hơn bỏ sót) của nhà nước ta chỉ áp dụng với đám dân mình thôi, chứ còn với bọn tình báo nước lạ thì chính sách lại hoàn toàn khác...”
giandiep_huawei
Tuần báo Trẻ – phát hành từ Dallas, Texas – vừa cho đăng một bài phỏng vấn do nhà văn Phạm Thị Hoài thực hiện, với lời mở đầu rất giản dị và ngắn gọn:
“Cuộc trò chuyện này được thực hiện qua thư điện tử, với nhà bất đồng chính kiến Phạm Hồng Sơn, người từng bị chính quyền Việt Nam kết án 13 năm tù, sau giảm thành 5 năm tù và 3 năm quản thúc, nay sống tại Paris, Pháp.”
Chỉ đôi dòng giới thiệu thế thôi thì tôi e hơi bị thiếu. Tưởng cũng nên viết thêm năm bẩy chữ nữa, cho nó rõ ràng, theo như nguyên văn bản tin của TTXVN:
“Phạm Hồng Sơn bị kết án 13 năm tù về tội gián điệp.”
Sau năm năm bị giam giữ, nhà nước CSVN vẫn chưa biết tù nhân chính trị này hoạt động tình báo ra sao nên ông được phóng thích, và chỉ bị quản thúc tại gia thôi. Thiệt là phúc đức và may mắn. Ít ra thì cũng may mắn hơn một người tù khác: Nguyễn Hữu Đang
Ngày 21 tháng 1 năm 1960, nhân vật này bị kết án 15 năm tù vì tội “phá hoại chính trị” và “làm gián điệp” bởi Toà Án Nhân Dân Hà Nội. Đây là một “phiên toà kín” nên không ai biết ông Thứ Trưởng Bộ Thanh Niên / Thứ Trưởng Bộ Tuyên Truyền (trong nội các đầu tiên của Nhà Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà) đã “làm gián điệp” cho quốc gia hay thế lực thù địch nào, và “phá hoại chính trị” ra sao?
Mười lăm năm sau, sau khi mãn hạn tù, Nguyễn Hữu Đang lủi thủi trở về làng quê ở Thái Bình. Nơi đây – trong thời gian 15 năm quản chế – ông sống sót nhờ thịt của … côn trùng và ếch nhái. Mười lăm năm sau nữa, khi đương sự đã bước vào tuổi bát tuần thì … “thánh đế (bỗng) hồi tâm. Thế là ông được cấp thẻ cử tri, và cho lĩnh lương hưu, cứ y như thể là chưa bao giờ có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra hết trơn hết trọi.
Lại thêm một trường hợp may mắn nữa, nếu so sánh với trường hợp ít may mắn hơn (chút nữa) của một tù nhân gián điệp khác nữa: Nguyễn Văn Phổ.
Tuy chỉ được công luận biết đến qua tác phẩm Chuyện Kể Năm 2000 nhưng đây không phải là một nhân vật hư cấu. Ông bị tù với tội danh “gián điệp” và “đốt bệnh viện,” dù cái bệnh viện này không hề bị cháy.
Sau gần 20 mươi năm bị giam giữ, Nguyễn Văn Phổ được tha. Khi ra khỏi tù thì mắt bị mù, nhà cửa bị tịch thu, và vợ đã đi tu – theo lời của một người bạn đồng tù:
“Tôi nhớ ngày tôi đến Thanh Xuân Bắc thăm anh khi cả hai chúng tôi đã được ra tù. Chúng tôi ôm lấy nhau. Câu đầu tiên tôi hỏi anh là hỏi về chị Phổ, người phụ nữ ‘chờ chồng từ năm 33 tuổi đến năm 51 tuổi vẫn chờ đợi và không chịu tuyệt vọng.’
– Chị đâu rồi anh?
– Nhà tôi vào Sài Gòn đi tu rồi.
Quá bất ngờ. Tôi chỉ muốn kêu trời. Hoặc thét lên một tiếng. Nhưng họng tắc nghẹn.
– Chị tu ở đâu. Anh cho tôi địa chỉ. Tôi sắp vào trong ấy. Để tôi đến thăm chị.
Phổ lấy giấy bút. Tôi nhìn theo tay anh:
Sư cô Trí Tuệ
Tĩnh xá Tòng Lâm
260 Nguyễn Thị Minh Khai (Xô Viết Nghệ Tĩnh
cũ) Quận 3. Thành phố Hồ Chí Minh.
Đưa tờ giấy cho tôi, anh hỏi:
– Anh có đọc được không?
Tôi ngơ ngác, không biết anh hỏi gì.
– Mắt tôi không nhìn thấy gì nữa. Tôi viết theo quán tính. Tôi nhận ra anh vì nghe giọng nói của anh.
Tôi khóc. Hôm ấy tôi đã không giữ được nước mắt. Những giọt nước mắt nóng bỏng. Những giọt nước mắt lặn vào trong. Suốt thời gian ở tù, cùng một toán, cùng là tổ trưởng, chưa một lần Phổ nói với tôi vì sao anh phải vào tù, vì sao anh tù lâu đến thế. Trong tù không ai nói với ai điều vì sao ấy. Chỉ đến khi chiếc máy bay không người lái của Mỹ bay qua khu vực trại, tiếng rầm rầm trên trời ập đến rất nhanh và tắt đi cũng rất nhanh để lại dấu vết là một vệt khói mảnh vắt ngang bầu trời rất lâu mới tan, Nguyễn Văn Phổ ngước mắt nhìn vệt khói nói một mình:
– Tiên sư cái thằng Mỹ. Mình bị nghi là gián điệp Mỹ mà nó còn mạnh thế này thì đến bao giờ được ra hở giời?
Anh chỉ nói vậy. Qua đó chúng tôi biết anh bị nghi làm gián điệp cho Mỹ. Theo nhiều người kể lại, Nguyễn Văn Phổ tham gia quân đội ngay trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp năm 1946. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người ký giấy cho anh trở vào Hà Nội hoạt động tình báo. Tổ tình báo của anh có ba người. Anh, nhà văn Vũ Bằng, và một đảng viên ít tuổi nhất làm tổ trưởng. Năm 1954, khi hiệp nghị Genève được ký kết, cả tổ được lệnh chuyển vào Nam, nhưng Phổ đã xin được ở lại Hà Nội. Ít ngày sau anh bị bắt vì tội đã đốt — hay định đốt? — nhà in Ideo.
Anh bị xử tù 15 năm. Sau đó xử lại, mức án rút xuống còn 8 năm rưỡi, và thực tù hơn 17 năm. Anh cười:
– Cái tổ tình báo của tôi chỉ có mỗi Vũ Bằng là không bị bắt. Cái anh tổ trưởng đảng viên ít tuổi kia khi vào Nam cũng bị ta bắt như tôi. Vũ Bằng thật là may…
Rồi anh rủ rỉ:
– Tôi về được ít ngày thì một cô sĩ quan công an đến nói năng rất lễ phép, tế nhị. Bác làm cho chúng cháu cái thu hoạch. Cháu biết bác cũng chẳng muốn nghĩ đến những chuyện ấy nữa nhưng đây là ý kiến cấp trên của cháu.
Tôi bảo: Cô nói tôi cũng làm nữa là cấp trên của cô. Tôi viết. Cuối cùng nó lại như một bản thanh minh anh ạ. Mới nghĩ nộp ngay cũng phí. Tôi đem thuê đánh máy. Gửi Viện Kiểm Sát một bản. Tháng sau đến Viện Kiểm Sát. Anh cán bộ phụ trách việc của tôi rất phấn khởi nói: Việc của bác thế nào cũng được xử lại. Cháu đang trình viện trưởng. Nửa tháng nữa mời bác quay lại.
Y hẹn, tôi tới. Anh cán bộ kiểm sát ỉu xìu: Không xong rồi bác ơi. Đồng chí viện trưởng không duyệt. Tôi cũng chẳng nghĩ ngợi gì. Tù thì tù rồi. Cũng sắp về với tổ tiên rồi. Bẵng đi lâu lâu, đã quên hẳn chuyện khiếu nại, thì anh cán bộ viện kiểm sát tới nhà: Bác ơi! Bác làm sổ hưu đi. Vụ của bác xử lại rồi. Trắng án.” (Bùi Ngọc Tấn. Hậu Chuyện Kể Năm Hai Ngàn. Tiếng Quê Hương: Fall Church, VA, 2015).
Nghĩ cho cùng thì đây vẫn cứ là một trường hợp … may mắn: trắng án! Chả hiểu đã bao nhiêu mảnh đời, bao nhiêu gia đình đã tan nát vì những cái án “trắng tinh” như thế. Tuy thế, vì an ninh quốc gia nên chiến thuật “thà bắt lầm hơn bỏ sót” vẫn là một chính sách xuyên suốt từ thời cụ Nguyễn Hữu Đang cho đến đám cháu chắt về sau – như lứa Phạm Đoan Trang:
“… có một tội rất nặng luôn lơ lửng trên đầu những người làm việc với các cá nhân, tổ chức nước ngoài: gián điệp. Làm cộng tác viên cho báo đài nước ngoài: gián điệp. Gặp gỡ các cơ quan ngoại giao để thảo luận về tình hình nhân quyền và dân chủ trong nước và quốc tế: gián điệp. Gửi báo cáo – nghiên cứu cho các tổ chức nước ngoài: gián điệp. Vận động nhân quyền cho Việt Nam trên trường quốc tế, phản ánh tình hình nhân quyền trong nước ra nước ngoài: gián điệp. Vân vân.”
Cẩn tắc vô áy náy! Tôi hoàn toàn tán đồng sự cẩn trọng cùng mức độ nghi ngại (quá cao) của Đảng và Nhà Nước Việt Nam, và chỉ hơi băn khoăn khi biết tin Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố muốn Huawei hợp tác với các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực an toàn thông tin – vào ngày 13 tháng 1 vừa qua.
Hoá ra người đứng đầu “Chính Phủ 4.0” không hay biết gì ráo về những lo ngại của cả thế giới hiện nay về những hoạt động tình báo của công ty Hoa Vi. Ngài cũng phớt lơ luôn sự kiện một quan chức Huawei đã bị bắt tại Ba Lan với cáo buộc làm gián điệp, chỉ vài hôm trước đó, cùng lời tố cáo về hoạt động tình báo của tổ chức này .
nguyenxuanphuc_huawei
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ Tịch Tập Đoàn Huawei
Ảnh: 
TTXVN
Nhà nước ta vốn rất cẩn trọng và nhậy cảm về những hoạt động tình báo, sao bỗng dưng lại khinh xuất và mù mờ thế nhỉ? Thế mới biết chủ trương cẩn trọng (thà bắt lầm còn hơn bỏ sót) của nhà nước ta chỉ áp dụng với đám dân mình thôi, chứ còn với bọn tình báo nước lạ thì chính sách lại hoàn toàn khác. Rất “vô tư” và hoàn toàn “thoải mái,” hay nói quá ra (chút xíu) là sẵn sàng “nhận giặc làm cha!” Tội danh này, xét ra, còn nặng hơn tội làm gián điệp cho nước ngoài nhiều.
Tưởng Năng Tiến

No comments:

Post a Comment