RFA-2019-03-07
Trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội.-Courtesy of baomoi.com
Vào ngày 3/1/2019, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch Thành phố Hà Nội đã ký vào Quyết định 12/QĐ-UBND ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố.
Theo đó, ở điều 7 mục ‘Đối với công dân’ có quy định rõ không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân.
Công luận sau đó có phản ứng. Cục Kiểm Tra Văn Bản Pháp Luật của Bộ Tư Pháp cũng lên tiếng.
Đây là 1 hình thức mang tính đối phó của chính quyền Hà Nội bởi vì họ vẫn xuất phát từ quan điểm là việc người dân quay phim hay livestream là làm khó khăn cho họ. - Lã Việt Dũng
Đến đầu tháng 3 vừa qua, Thành phố Hà Nội có văn bản hướng dẫn Quyết định 12/QĐ-UBND. Trong đó cho biết không cấm ghi hình, chụp ảnh, ghi âm nữa, mà thay vào đó là bổ sung việc cấm livestream hoặc các hình thức phát hình ảnh, âm thanh trực tiếp ra ngoài phòng tiếp dân.
Nhận xét về qui định mới này dưới quan điểm cá nhân, từ Hà Nội, Luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng việc này không sai:
“Vì livestream và quay hình chỉ là biện pháp cách thức thực hiện việc giám sát thôi, mà quyền giảm sát có nhiều hình thức: có thể qua cử tri của mình tiếp xúc trực tiếp, gửi văn bản khiếu nại. Nhưng mà nơi tiếp công dân theo quan điểm của mình là phải bảo vệ tính tôn nghiêm của nó, nhưng mà livestream thì người tốt livestream có khi lại ít nhưng mà người mà vì bức xúc đưa lên gây ra một trật tự xã hội không tốt. Việc bảo đảm cho quyền giám sát cũng đưa vào đó những cách thức, biện pháp và nguyên tắc, nhưng ngược lại cũng trong hệ thống pháp luật Việt Nam còn phải bảo đảm tính văn minh, tính tôn nghiêm ở nơi công cộng, đặc biệt là nơi tiếp công dân và nơi công quyền.”
Giải thích rõ hơn, Luật sư Nguyễn Văn Hậu ở Sài Gòn cho rằng:
“Luật cấm ghi hình được quy định trong Luật tiếp công dân, mà Luật tiếp công dân được giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh thành có những nơi tiếp công dân theo đặc thù thì họ có quyền có những quy định, ví dụ như ghi hình một buổi tiếp công dân thì phải có sự đồng ý của người tiếp công dân.
Sau khi Bộ Tư Pháp xem lại thì thấy rằng trong luật tiếp công dân có quy chế tiếp công dân thì Ủy ban nhân dân có quyền quy định những điều đó.”
Tuy nhiên, không đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng việc cấm livestream của chính quyền thành phố Hà Nội thể hiện sự lẩm cẩm, tức là cho phép ghi âm, ghi hình nhưng lại cấm livestream.
“Sự khác biệt của nó không lớn, nó vẫn là một hình thức ghi được hình ảnh trong quá trình làm việc giữa hai bên. Chỉ có điều livestream phổ biến hình ảnh ngay trực tiếp ra ngoài cho công chúng xem. Và thật ra điều này đối với pháp luật thì cũng không có quy định nào cấm như vậy cả. Cho nên riêng ở Hà Nội, họ ra quy định này giống như Hà Nội có luật lệ riêng vây. Điều này không đúng, theo quy định của pháp luật là không thể chấp nhận được.”
Vẫn theo Luật sư Mạnh, nếu cán bộ làm việc nghiêm túc thì không có gì phải e dè chuyện người dân phát hình trực tiếp buổi làm việc lên mạng.
Đồng quan điểm trên, nhà hoạt động Lã Việt Dũng, một công dân từng làm việc với cơ quan công quyền Hà Nội nhiều lần, cũng cho rằng quy định mới này cũng chỉ là sự cấm đoán trá hình nhằm làm khó cho người dân:
“Đây là 1 hình thức mang tính đối phó của chính quyền Hà Nội bởi vì họ vẫn xuất phát từ quan điểm là việc người dân quay phim hay livestream là làm khó khăn cho họ. Nhưng thực ra mình nghĩ rằng nếu họ làm đúng, không làm gì sai thì họ không việc gì phải sợ. Nếu mình là chính quyền Hà Nội thì mình sẽ cho quay phim thoải mái, livestream thoải mái.”
Vẫn theo nhà hoạt động Lã Việt Dũng, việc công dân được quyền phát hình trực tiếp sẽ giúp hạn chế những mặt tiêu cực của chính quyền:
“Đã có lần ngay từ thời trước khi mà chưa có livestream thì mình cũng đã có vài lần làm việc với cơ quan công quyền, thì họ vòi tiền và làm ăn rất tắc trách, nhưng lúc đó không có công cụ để quay lại, để phát tán lên mạng thời đấy cả.”
Trong văn bản hướng dẫn những quy định mới, ngoài việc cấm livestream, đối với việc ghi âm, chụp ảnh thì yêu cầu sử dụng dữ liệu đúng pháp luật cũng khiến nhiều người bày tỏ lo ngại sử dụng thế nào thì mới đúng pháp luật?
Trao đổi với RFA, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng:
“Khi sử dụng một hình ảnh, câu chuyện, sự việc thì phải đúng sự thật. Thí dụ nó xâm phạm quyền riêng tư, phỉ báng người khác, thì pháp luật sẽ có những chế tài.”
Ngoài ra, Luật sư Hậu cũng cho rằng việc tiếp công dân là công khai, người dân trong quá trình tiếp công dân nếu không đồng ý với quyết định hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, họ có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện những quyết định hành vi hành chính đó.
Cho nên riêng ở Hà Nội, họ ra quy định này giống như Hà Nội có luật lệ riêng vây. Điều này không đúng, theo quy định của pháp luật là không thể chấp nhận được. - LS. Đặng Đình Mạnh
Luật sư Hoàng Văn Hướng thì cho rằng Thành phố Hà Nội có bố trí camera ghi lại không gian nơi tiếp công dân, nên theo ông, chính quyền Hà Nội cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho những người thu thập chứng cứ, chứ không hề gây khó khăn.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm việc với cơ quan công quyền, nhà hoạt động Lã Việt Dũng lại có cách nhìn khác:
“Thực ra mình chưa bao giờ yêu cầu việc chiết xuất đó cả, và nếu mình có yêu cầu thì họ cũng không làm, đấy là điều chắc chắn.”
Còn đối với Luật sư Đặng Đình Mạnh, do những quy định này chưa đưa vào thực hiện nên không thể biết được diễn biến, tuy nhiên ông vẫn giữ quan điểm:
“Tôi chỉ có thể nói một điều mang tính nguyên tắc thôi là suốt tất cả những quy định của họ về vấn đề có dấu hiệu mà ngăn cản, cấm người dân thực hiện quy định giám sát, kiểm tra khi mà cán bộ nhà nước làm việc theo tôi căn bản điều đó là sai rồi.”
Những quy định được ban hành gần đây của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thường vấp phải những phản đối mạnh mẽ từ phía người dân với nguyên nhân được nói là thiếu tính thuyết phục, không có tính thực tế và hạn chế quyền công dân, hay như lời Luật sư Đặng Đình Mạnh là “Hà Nội có luật lệ riêng”.
No comments:
Post a Comment