Một ‘nhóm người lạ’ mà chủ đầu tư và cánh báo chí ám chỉ về một nhóm người dân không đeo khẩu trang, đeo CMND trước ngực, tay cầm sổ và bút để… đếm lượt xe qua BOT Ninh Lộc.
Không một ai trong số ‘nhóm người lạ’ đó tin tưởng kết quả đếm lưu lượng xe mà Tổng cục đường bộ công bố. Và họ phải gánh chịu nắng mưa, khói bụi,… để thực hành cái gọi là quyền giám sát của nhân dân.
Cuộc chiến chống BOT bẩn đã đưa những con người ‘vì đại cục’ thực sự đi vào trận chiến thầm lặng. Và ‘đất nước đứng lên nhờ những con người như thế’, theo sự chia sẻ trên trang Facebook của nhà báo Trương Châu Hữu Danh.
Facebooker Việt Võ cho rằng, ‘nhóm người lạ’, bằng phương pháp thủ công của mình đã ‘chỉ ra được sai phạm hết sức nghiêm trọng của tập đoàn BOT bẩn, điều mà Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước không làm được’. Và đây có thể là lý do vì sao, BOT đang được hiểu là sân sau của nhóm quan chức địa phương lẫn trung ương, nơi mà lực lượng vũ trang, bán vũ trang và côn đồ (đeo khẩu trang xanh) được huy động để trấn áp tinh thần của những người phản đối sự thiếu minh bạch, tại một địa điểm vốn thuần túy là giao dịch dân sự.Đếm xe thủ công, nhưng những công dân dấn thân đã phát hiện ra, con số thu về ở BOT lớn hơn con số mà Tổng cục đường bộ kiểm soát được và chủ đầu tư báo cáo, số liệu có thể vượt mức hàng ngàn tỷ đồng.
Khởi đầu bằng vụ cướp trạm BOT (2,22 tỷ đồng) làm lộ ra cả một đường dân lợi ích nhóm, cấu kết giữa quan chức và đội nhóm tư nhân. Và hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế của nhà nước đã bị chảy vào túi nhóm lợi ích, trong khi người dân bị ‘vặt lông’ theo cách không ai ngờ tới.
Trong cuộc chiến chống BOT bẩn cũng trở thành một hình mẫu cho những câu chuyện ngược đời tại Việt Nam: cơ quan công quyền đứng ngoài cuộc; người dân nhúng tay vào chống BOT bẩn; đeo khẩu trang để hung hãn phá xe, đánh người; không đeo khẩu trang để thực hành quyền giám sát nhân dân.
Vào ngày 4.3.2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng chỉ đạo Bộ GTVT, Thanh Tra Chính phủ kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu phí BOT. Đây là sự chỉ ‘kịp thời’, bởi ít nhất nó cho thấy dấu hiệu kiến tạo và liêm chính mà bản thân Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh. Nhưng khi tin mừng chỉ đạo còn chưa được được phổ biến rộng rãi, thì tin anh Hà Văn Nam (người chống BOT bẩn và từng bị côn đồ đánh đập) đã bị công an huyện Quế Võ (Bắc Ninh) bắt giữ với tội gây rối trật tự công cộng (?) và việc ‘khám nhà khẩn cấp’ được đồn đoán là cơ sở để mở rộng tội danh. Việc bắt giữ này không chỉ cho thấy tính chất kỳ lạ trong vấn đề BOT ở Việt Nam, mà cho thấy tính chất lợi ích nhóm gắn kết chặt chẽ, xuyên suốt.
Trở lại cuộc chiến chống BOT bẩn, đây là sức mạnh của xã hội dân sự, bởi nếu không có những người như nhóm anh Trương Châu Hữu Danh hay Hà Văn Nam cùng hàng chục người khác, thì vấn đề lạm thu – thu sai – thu trái quy định tiếp tục tồn tại.
Thế nhưng, ‘xã hội dân sự’ lại được ông Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí của ông xếp vào quy định ‘cấm’ trong đảng viên. Cái làm nên sự chia sẻ với công việc Nhà nước, điều làm nên giá trị của sự minh bạch trong xã hội lại là điều cấm tại Việt Nam.
Một sự học hỏi không hề khôn ngoan của Việt Nam trước Trung Quốc. Bởi nó khiến cho tính lợi ích nhóm tiếp tục được quy kết, trong khi quyền dân chủ cơ sở của nhân dân bị giảm xuống (đảng viên vẫn là một công dân trong xã hội và việc cấm đảng viên bàn về xã hội dân sự đã gián tiếp ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của số đông người dân còn lại).
Có lẽ, khi đoàn xe của ông Nguyễn Phú Trọng hay các thành viên gia đình ông đi qua các trạm BOT thì ông và gia đình ông đã nợ ‘xã hội dân sự’ một lời xin lỗi. Khi ngân sách nhà nước tăng lên, bức xúc xã hội về BOT giảm xuống, và nạn tham nhũng tiếp tục bị diệt trừ,… thì Chính phủ kiến tạo Nguyễn Xuân Phúc hay những Ủy viên Bộ Chính trị thực tâm chống tham nhũng đã nợ anh Hà Văn Nam, nhóm Trương Châu Hữu Danh và ‘nhóm người lạ’ đeo CMND, không bịt khẩu trang… một lời cảm ơn.
Và giá như các vị ‘tinh hoa’ của Bộ máy chính trị hiện thời có đủ sự can đảm, trung thực, thẳng thắn,… Có đủ lương tâm, trách nhiệm, và nhu cầu minh bạch,… Có đủ ý chí bước qua sự kiêu ngạo chức quyền. Thì có lẽ, cuộc chiến chống BOT bẩn nên được coi là bài học đáng giá về quyền giám sát nhân dân, về cái ‘dân chủ cơ sở’ đã được hô khẩu hiệu hàng triệu lần, và về tiền đề cho ‘đất nước đứng lên nhờ những người như thế’./.
No comments:
Post a Comment