Không phải chỉ theo cách nói thông thường “ba ngày Tết” mà người Việt Nam mình “ăn Tết” đến 9 ngày. Theo lịch năm 2019 thì ngày Mùng Một Tết sẽ vào Thứ Ba, 5 Tháng Hai, 2019, lịch nghỉ Tết Nguyên Đán là 5 ngày, từ ngày 29 Tháng Chạp đến hết Mùng Ba Tết hoặc từ ngày 30 Tháng Chạp đến hết ngày Mùng 4 Tết. Nhưng năm nay, ngày 28, 29 Tháng Chạp rơi đúng vào hai ngày nghỉ cuối tuần là Thứ Bảy và Chủ Nhật, nên xí nghiệp công ty, công sở, cơ quan chính phủ được nghỉ thêm 4 ngày, nâng tổng số ngày “ăn Tết” lên 9 ngày.
Chín ngày để chen, chạy, chồm, chực… ngoài phố, trong đình chùa, nơi các lễ hội, “đổ mồ hôi, sôi con mắt,” tiêu hao biết bao nhiêu năng lực, đến Mùng Năm đi làm lại thì còn uể oải, dật dờ, miệng còn hơi men, nhâm nhi trà lá chờ giờ tan sở, như con tàu đứng ở sân ga, bây giờ bắt đầu chạy lại, chắc phải thở hào hễn, “nghìn đời không đủ sức đi mau!”
Một kỳ lễ dài không phải là thời gian để nghỉ ngơi du lịch như ở các nước khác, mà ở đất nước ta là phải sống hết mình, cướp thời cơ, chụp giật, không nghỉ ngơi, mà phải tìm cách chen chúc nhau đến chỗ đông người. Muốn kịp chen thì phải chạy cho kịp, chạy nhanh thì gây ra lắm tai nạn, nhưng chuyện này tôi sẽ nói về sau.
Cứ vào tin tức Việt Nam mà xem, chưa đến Tết thiên hạ đã chen nhau. Nghẹt thở, vật vạ chen nhau ở sân bay đón “Việt kiều” về quê ăn Tết. Chen nhau ở máy ATM rút tiền tiêu Tết, chen nhau chờ khai mạc chợ hoa Nguyễn Huệ (50,000 người,) và xem chợ hoa đêm Giao Thừa, chen nhau đi xem chợ Lồng Đèn Lương Nhữ Học (Chợ Lớn), chen nhau đi chùa xin xăm, hái lộc, cầu tài, cầu lộc. Chen nhau ở bến xe về quê, rồi chen nhau trở lại thành phố làm việc. Ở Hà Nội dân chen nhau qua cầu Thê Húc Hà Nội ngày Mùng Một, thì ở Huế dân “đồng bóng” chen nhau qua đò đến Điện Hòn Chén, nơi thờ Nữ Thần Po Nogar!
Chín ngày Tết người ta tạm bỏ “bác Hồ” ra ngoài cuộc sống, mà nhân vật cần phải tin tưởng, nhờ cậy là Ông Thần Tài, ông Thổ Địa, Ông Thần, Ông Thánh, kẻ khuất mặt khuất mặt ở cây Đa, cây Đề… và chưa lúc nào loại văn hóa xin xỏ thịnh hành như thời nay.
Ông Phật, Ông Thánh Trần trở thành những kẻ ban phát mơ hồ, ai cũng ráng cầu xin, không cầu xin Thần Thánh nào biết đến mà chứng giám. Đời nay những ai còn “cầu vừa đủ xài,” là quá lạc hậu, vì thế nào là đủ? Trong khi thiên hạ nằm bên, người thì xây lâu đài bảy tầng, mua xe hơi hảo hạng, có con du học, đi du lịch hằng năm, hạng bét thì cũng chưng diện bằng cái xe gắn máy đắt tiền, cái ví mấy chục nghìn đô la hay cái phone đời mới.
“Ba cô đội gạo lên Chùa” không phải cúng dâng bất vụ lợi cho chùa mà mong được Ông Phật đổi lại cho cái vé trúng tuyển đi Đài Loan, phỏng vấn du học êm xuôi, hay vào được Top 10 Hoa Hậu Ao Làng trót lọt.
Bởi vậy trong thế giới cho và nhận hối lộ, người ta nhét tiền hay xoa tiền cả vào nách, vào tay vào vai tượng Phật, bất cứ chỗ nào có thể rải, gài, nhét… tiền lẻ, đều được khách hành hương tận dụng. Thậm chí, tiền còn được rải lên tận mái chùa, hoặc nhét vào vách, khe tường… mong lòng thành được chứng giám và được trả lại bằng mười, bằng trăm số vốn đã bỏ ra.
Không chỉ có nơi chùa chiền, trong những ngày đầu năm nay, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cũng tái diễn tình trạng rải tiền lẻ và xoa đầu rùa của giới người được cho là có ăn học. Sinh viên trèo qua rào sắt để có dịp xoa tay vào đầu rùa. Đầu rùa đội hạc ở nhà Đại Bái bóng loáng vì ước vọng đỗ đại học của nhiều sĩ tử. Khi học sinh không tin vào sức mình, không tin vào chế độ khoa cử, mà tin vào cái đầu rùa thì văn hóa và trí tuệ đất nước đi về đâu?
Ba ngày Tết, người ta giẫm đạp, chồm lên đầu lên vai nhau để xin hoặc cướp lộc ở chốn đền chùa, hy vọng đời mình sẽ tươi sáng hơn. Trong khi thiên hạ chạy tiền mà có được ghế, có đứa con là “hạt nhân đỏ” nên được nâng đỡ, còn mình thân yếu thế cô, chỉ có cách đi xin, không xin được thì cướp, trong một xã hội toàn cướp thì đâu có gì lạ. Không còn ai còn tin vào chính khả năng mình, tin vào bộ máy chính quyền chí công vô tư.
Cứ lấy một chuyện cướp lộc đền Trần hằng năm, một biến cố thuộc loại “văn hóa” thì thấy rõ. Mặc dù thời tiết lạnh buốt nhưng cả không gian đền Trần trong đêm khai ấn là của một bọn người hung hãn. Người ta phải chen lấn, xô đẩy nhau, đến lúc này người cởi trần, người mặc áo cộc tay, từ trẻ con đến người lớn cố sức xông vào “trận địa.” Ở bên trong đền Thiên Trường người chen chật ních đến nỗi không xe dịch nổi.
Ngày Tết cũng là thời gian cho một số hoạt động mang nặng tính chất mê tín, dị đoan bộc phát mạnh mẽ với những lễ hội, bùa phép, những buổi cúng sao giải hạn, đăng đàn cầu phước, khai ấn, dâng hương, hái lộc đầu năm… ngày càng nhiều hơn, số lượng người tham gia đông hơn, từ vài ngàn lên đến hàng chục rồi hàng trăm ngàn, chen lấn xô đẩy.
Vì tệ nạn rượu bia không được kiểm soát, dân Việt Nam nhậu nhẹt trong ba ngày Tết, gây nên ba thảm trạng: ngộ độc rượu, xô xát đánh nhau và tai nạn giao thông.
-Mỗi ngày khoa cấp cứu bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hơn 200 bệnh nhân ngộ độc, xuất huyết tiêu hóa, suy gan, thận… liên quan đến rượu.
-Tờ Thanh Niên dẫn phúc trình nhanh của Bộ Y Tế ngày 7 Tháng Hai, 2019, cho biết chỉ trong 5 ngày Tết Kỷ Hợi (từ 28 Âm lịch đến sáng Mùng Ba Tết) đã có 4,100 vụ đánh nhau phải vào bệnh viện. Trong đó có 1,820 ca phải nhập viện điều trị và 11 người thiệt mạng.
Riêng ngày Mùng Hai Tết, tổng số ca đến cấp cứu do say xỉn đánh nhau đến khám là 734 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp tử vong và số ca nặng phải nhập viện điều trị, theo dõi là 435 người.
-Theo RFA thì chỉ mấy ngày Tết mà ở Việt Nam có tới và hơn 37,000 ca cấp cứu vì tai nạn giao thông, làm chết 135 người, bị thương 189 người.
Tết là thời gian để đáng lẽ chúng ta được thảnh thơi, nghỉ ngơi, sum họp gia đình, phát triển tình gia tộc, bằng hữu, thì lại là một thời gian gây ra những thảm cảnh cho gia đình, đem đến sự chết chóc, hỗn loạn cho xã hội. Trách nhiệm của ai và từ đâu nên nỗi? (Huy Phương)
https://www.nguoi-viet.com/nhin-tu-little-saigon/vat-va-ba-ngay-tet/
https://www.nguoi-viet.com/nhin-tu-little-saigon/vat-va-ba-ngay-tet/
No comments:
Post a Comment