NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Báo Tuổi Trẻ hôm 10 Tháng Hai đăng tin một tài xế xe hơi mang biển kiểm soát Đắk Lắk “cố tình đâm vào barie và cọc tiêu phản quang để vượt trạm thu phí cầu Bến Thủy 2 vào chiều hôm 9 Tháng Hai”.
Hồi Tháng Mười Một, 2018, BOT Bến Thủy, từng bị giới tài xế cáo buộc là trạm thu phí “bẩn”, loan báo tăng giá vé 18% kể từ ngày 1 Tháng Giêng, 2019.
Theo báo Nhà Báo và Công Luận, tuyến đường tránh thành phố Vinh do tập đoàn CIENCO 4 đầu tư theo hình thức BOT dài 25.8 km, từ Bắc thị trấn Quán Hành đến cầu Bến Thủy cũ vào năm 2003, với tổng mức đầu tư 378 tỉ đồng ($16.2 triệu).
Báo Tuổi Trẻ cho hay: “Trước khi sự việc xảy ra, chi nhánh BOT tuyến tránh thành phố Vinh nhận được tin báo từ các đơn vị quản lý trạm thu phí BOT quốc lộ 1 ở Quảng Đông, tỉnh Quảng Bình và Cầu Rác, tỉnh Hà Tĩnh, thông báo về một nhóm người đi xe hơi có hành vi được cho là gây rối khi cố tình chây ì, kéo dài thời gian trả phí đường bộ tại các trạm. Nhóm người này còn quay video clip phát trực tiếp lên mạng xã hội.”
“Khoảng 3 giờ chiều 9 Tháng Hai, đoàn xe này đi tới trạm thu phí cầu Bến Thủy 2. Lúc này, tài xế xe mang biển số 47A-130… cố tình không mua vé bằng cách lấy các lý do ‘hết tiền và đề nghị ghi nợ’ và ‘quẹt thẻ ATM để trừ phí’. Sau đó, người này lái xe đâm gãy cọc tiêu nhựa phản quang tại làn 5, rồi vượt trạm thu phí. Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh đã báo cáo sự việc cho các cơ quan chức năng và đề nghị công an tỉnh Nghệ An vào cuộc, xử lý nghiêm hành vi coi thường pháp luật của tài xế.”
Cũng trong hôm 10 Tháng Hai, phóng viên Trương Châu Hữu Danh của báo Làng Mới xác nhận trên trang cá nhân rằng các báo “đưa hình chiếc xe của tôi”.
Ông Danh cho biết thêm: “Không có việc đâm barie vì tài xế đánh lái qua bên phải. Có một cọc tiêu nhựa bị ngã nhưng cọc nằm ở điểm mù nên không rõ xe có va cọc hay không. Cọc này thường thấy ở quốc lộ và rất dễ ngã, giá trị thấp. Đây là giao dịch dân sự. Nếu có xe vượt trạm thì chủ BOT có thể kiện yêu cầu bồi thường và không phải việc của công an. Nếu chỉ vi phạm giao thông hoặc làm hư hại cọc phản quang thì sao tài xế phải làm việc tại công an huyện Hưng Nguyên rất lâu?”
Trên mạng xã hội, nhiều blogger đặt câu hỏi: “BOT Bến Thủy ở tỉnh Nghệ An là của ai mà được công an Nghệ An và “những người đeo khẩu trang” bảo kê và ra sức bảo vệ đến cùng. Và vì sao lực lượng này kiếm chuyện, vu khống, đánh đập tài xế đến thế?”
Đáng lưu ý, trong lúc vụ căng thẳng tại BOT Bến Thủy diễn ra, giới tài xế cho hay không một lãnh đạo cơ quan nào của tỉnh Nghệ An nghe máy khi nhóm người dân, nhà báo gọi đến cầu cứu.
Hồi Tháng Mười, 2018, sau nhiều đàm tiếu và dị nghị, tin cho hay bà Trương Thị Tâm, vợ của ông Lê Ngọc Hoa, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Nghệ An đã rút khỏi Hội Đồng Quản Trị Tập Đoàn CIENCO 4.
Trước đó, công luận xôn xao chuyện vợ chồng ông Hoa nắm giữ tổng cộng khoảng 136,000 cổ phiếu CIENCO 4 nên chuyện có “lợi ích nhóm” ở BOT Bến Thủy là điều dễ hiểu. (T.K.)
No comments:
Post a Comment