RFA-2019-02-19
Chính quyền Hà Nội tuyên các bản án tù nặng nề đối với các nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam.RFA
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc đặc trách khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch có chuyến đi đến thủ đô Washington D.C để vận động cho nhân quyền và dân chủ.
Ông Phil Robertson dành cho Ban Việt ngữ một cuộc phỏng vấn liên quan tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Trước hết, ông cho biết ghi nhận của HRW về vụ việc Blogger Trương Duy Nhất mất tích vào ngày 26 tháng 1 vừa qua:
Ông Phil Robertson: Vụ việc xảy ra thật sự là bí ẩn. Có thể nói rõ ràng là ông Trương Duy Nhất đến Thái Lan để tìm quy chế tị nạn chính trị và ông Nhất đã xuất hiện tại văn phòng làm giấy tờ của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) và có hình ảnh chứng minh cho điều này. Chúng tôi cũng nhận được tin ông Nhất có gặp gỡ và liên lạc với một số người mà ông tin cậy trước khi mất tích. Chúng tôi thật sự không biết chuyện gì đã xảy ra. Nhưng, chúng tôi quan ngại Chính quyền Việt Nam có liên can trong việc bắt ông Nhất và làm cho ông ta mất tích.
Chính quyền Việt Nam được ghi nhận đã từ lâu tiến hành việc theo dõi và cản trở các nhà bất đồng chính kiến chạy lánh nạn ra nước ngoài, như Thái Lan và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, ngay lập tức Hà Nội bị ngờ có thể đã làm điều gì đó như họ từng hành động một cách tương tự đối với nhân vật (Trịnh Xuân Thanh) tìm quy chế tị nạn ở Đức, đã bị bắt cóc mang về nước.
Chúng tôi chờ đợi nhìn thấy ông Trương Duy Nhất xuất hiện trở lại. Nhưng ngay lúc này, chúng tôi cố gắng gây áp lực lên Chính quyền Thái Lan tiến hành một cuộc điều tra nghiêm túc. Một giới chức di trú tại Bangkok nói rằng họ đang xem xét vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi không thể biết được họ sẽ điều tra một cách toàn diện và sâu rộng ra sao.
RFA: Như ông đã nói rằng Chính quyền Việt Nam thường xuyên có những hành động bắt giữ công dân như thế, ông nhận định tính chất nghiêm trọng của vụ việc Blogger Trương Duy Nhất mất tích như thế nào?
Ông Phil Robertson: Cứ mỗi một người tìm quy chế tị nạn bị mất tích thì đều nghiêm trọng. Chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp xảy ra trong khu vực Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, bắt người ở Thái Lan. Việt Nam và Campuchia cũng thế. Do đó, một cách tổng thể có thể cho rằng Blogger Trương Duy Nhất đã bị bắt về Việt Nam. Chúng tôi vẫn chưa có thông tin nào để xác minh và chúng tôi đang kết hợp với các tổ chức cũng như tiếp xúc với những người biết được thông tin liên quan để tìm hiểu thêm thông tin xác thực. Vụ việc vẫn còn trong vòng bí ẩn.
RFA: Về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, HRW vẫn luôn kêu gọi Chính quyền Hà Nội trả tự do cho các blogger, những nhà hoạt động và tù nhân chính trị đã bị bắt giữ và giam cầm một cách bất công. Thế nhưng, RFA ghi nhận sự kêu gọi của HRW vẫn chưa nhận được sự phản hồi nào từ phía Hà Nội. Trái lại, ngày càng nhiều bản án tù bị tuyên với thời gian dài hơn, chẳng hạn như trường hợp nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Đình Lượng bị kết án đến 20 năm tù giam. Không những vậy, tình trạng đàn áp các hoạt động cổ súy cho dân chủ, các quyền tự do về biểu đạt, hội họp, tôn giáo…các quyền về xã hội/chính trị ngày càng mạnh tay. Ông cho rằng những lý do mà Hà Nội hành xử như vậy là gì, đặc biệt từ khi đương kim Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng được bầu chọn trở thành Chủ tịch nước Việt Nam?
Ông Phil Robertson: Tôi muốn nhắc lại sự kiên hồi năm 2017 khi Thủ tướng Việt Nam đến thăm Nhà Trắng qua lời mời của Tổng thống Donal Trump. Tại cuộc họp ở Nhà Trắng với Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Nội An Hoa Kỳ, chúng tôi nhận thấy vấn đề nhân quyền không hề được nhắc đến. Chính phủ Hoa Kỳ hoàn toàn thiếu sót khi không đề cập đến vấn đề nhân quyền với Thủ tướng Việt Nam. Chúng tôi cho rằng Việt Nam nhận ra là Hoa Kỳ không quan tâm đến vấn đề nhân quyền nên Việt Nam được tự do trong cách hành xử về nhân quyền ở nước của họ. Chúng tôi tin rằng Chính quyền Việt Nam rất thông minh trong lãnh vực ngoại giao nên do đó họ nghĩ rằng học có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn và vì thế chúng ta nhận thấy tình trạng đàn áp và kết án tù nhiều năm đã và đang diễn ra đối với những người bất đồng chính kiến. Đây là bản chất thật của Chính quyền Việt Nam, họ cứ việc làm bởi vì họ nhìn thấy cộng đồng thế giới không quan tâm.
Chúng tôi ghi nhận có chút thay đổi liên quan đến việc Hà Nội ngược đãi các quyền của dân chúng ở Việt Nam vì bị ảnh hưởng đến mối quan hệ với Châu Âu (EU) về Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-EU (EVFTA). Hiện Hà Nội gặp trở ngại trong việc ký kết hiệp định này với phía Quốc hội Châu Âu.
RFA: Mới đây nhất, hồi tháng 1 năm 2019, tại kỳ Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền của Việt Nam (UPR) diễn ra ở Thụy Sĩ nói riêng, cũng như Việt Nam nhiều lần phản bác những báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam bị tồi tệ; đồng thời Việt Nam còn lên tiếng cho rằng các tổ chức phi chính phủ như HRW, Ân xá Quốc tế-Amnesty International, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Tổ chức Phóng viên Không Biên giới hay các chính phủ như Chính phủ Hoa Kỳ, Chính phủ EU hiềm khích với Việt Nam, can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Việt Nam và thực hiện các báo cáo sai trật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Câu hỏi được nêu lên rằng HRW và những tổ chức khác làm thế nào để chứng minh những lời tuyên bố của Việt Nam hoàn toàn tôn trọng các quyền của người dân về nhân quyền, dân sự, chính trị, tôn giáo là không đúng sự thật?
Chúng tôi muốn nói với người Việt Nam khắp thế giới rằng quý vị quan tâm đến nhân quyền Việt Nam thì chính quý vị phải yêu cầu các lãnh đạo quốc gia của quý vị ủng hộ cho nhân quyền ở Việt Nam.
RFA: Không chỉ liên quan báo cáo nhân quyền ở Việt Nam, mà báo cáo nhân quyền tại các nước trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Myanmar, Lào…cũng được ghi nhận là bị xấu đi. HRW có ghi nhận nào về sự phối hợp của các tổ chức xã hội dân sự giữa những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức nhân quyền cho mục đích tương lai tốt đẹp hơn tại khu vực này?
Ông Phil Robertson: HRW ghi nhận có một sự nỗ lực ở khu vực Đông Nam Á. Các tổ chức xã hội dân sự cùng với những tổ chức phi chính phủ (NGOs) sẽ có cuộc họp trong cùng thời gian diễn ra hội nghị giữa các lãnh đạo của khối ASEAN trong năm 2019 này, ở Thái Lan để bàn thảo về tôn trọng nhân quyền và ủng hộ dân chủ tại khu vực Đông Nam Á.
Sự phối hợp như vậy là rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại phía Việt Nam sẽ gửi các tổ chức NGOs sự giả hiệu, do nhà nước dựng lên đến tham dự. Chính quyền Hà Nội rất công kích các hoạt động của quốc tế nhằm ủng hộ nhân quyền tại Việt Nam. Họ luôn theo đuổi việc kiểm soát các tổ chức NGOs, những người tị nạn và những nhà bất đồng chính kiến ở nước ngoài như trường hợp bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hay vụ việc Blogger Trương Duy Nhất mất tích. Nhà nước Việt Nam là vô pháp, đàn áp nhân quyền và một trong những nhà nước bị báo cáo có thành tích nhân quyền tồi tệ nhất khu vực Đông Nam Á.
RFA: Ông có nhìn thất được viễn ảnh nào khích lệ tinh thần cho những nhà hoạt động dân chủ, các blogger và nhà báo độc lập ở Việt Nam trong năm 2019 qua chuyến đi đến thủ đô Hoa Kỳ để vận động cho dân chủ nhân quyền, thưa ông?
Ông Phil Robertson: HRW nhận thấy có nhiều hoạt động để vận động cho nhân quyền Việt Nam ở Quốc hội Hoa Kỳ. Chúng tôi hy vọng sẽ nhìn thấy sự quan tâm nhiều hơn về vấn đề nhân quyền Việt Nam của Chính phủ Mỹ cũng như Hoa Kỳ sẽ đặt nặng vấn đề nhân quyền trong mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á hầu nhân quyền ở đó cũng được tôn trọng giống như ở Hoa Kỳ.
HRW sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ của các nước và Liên Hiệp Quốc để cộng đồng quốc tế ủng hộ và bảo vệ cho nhân quyền tại Việt Nam.
FRA: Chân thành cảm ơn ông Phil Robertson dành cho RFA cuộc phỏng vấn này.
No comments:
Post a Comment