HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Vài ngày sau khi mạng xã hội bàn tán vụ một Phật tử bị chùa Phúc Khánh từ chối giải hạn chỉ vì “thiếu lễ” 50,000 đồng (hơn $2), báo điện tử VTC News hôm 20 Tháng Hai dẫn lời trần tình của Đại Đức Thích Minh Đức, người đại diện chùa này: “Việc thu tiền lễ dâng sao giải hạn có từ hàng chục năm nay và tôi là người kế tục toàn bộ các công việc của các vị tiền tổ để lại. 150,000 đồng ($6.5) là tiền phục vụ, giấy sớ, dầu đèn cho Phật tử trong 12 tháng trong một năm. 150,000 đồng chia cho 12 tháng, có năm có cả những tháng nhuận. Tính ra như vậy là cũng rất ‘hạ’ rồi.”
Vị này cũng cho hay “không nắm rõ số lượng người đăng ký dâng sao giải hạn mỗi năm” và rằng nhà chùa “nhờ các Phật tử chấp pháp thu hộ, sau đó nội bộ nhà chùa sẽ tự kiểm đếm và quản lý” nhưng không công bố số tiền thu được.
Trước đó, hôm 18 Tháng Hai (tức 14 Tháng Giêng Âm Lịch), các báo nhà nước ghi nhận hàng vạn người dân tràn kín lòng đường, xì xụp vái vọng trước chùa Phúc Khánh trong lễ dâng sao giải hạn.
Đáng nói là theo báo Lao Động, $6.5 Mỹ kim là khoản phí dâng sao giải hạn, còn nếu ai muốn “cầu an” cho gia đình sau đó thì lại phải chi thêm $6.5 nữa và nhà chùa có những “gói dịch vụ” hẳn hoi theo nhu cầu của “khách hàng”.
Từ các con số nêu trên, một số blogger ước tính chùa Phúc Khánh “có doanh thu” lên đến hàng chục tỉ đồng sau mấy ngày Tết.
Hòa Thượng Thích Huệ Thông, phó tổng thư Ký Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được tờ Lao Động dẫn lời: “Phật giáo có nghi thức cúng cầu an đầu năm nhằm nguyện cầu cho quốc thái dân an. Phật tử có thể cúng dường tùy hỷ, không có chuyện quy định mức tiền cúng là bao nhiêu. Việc chùa Phúc Khánh tổ chức thu tiền cầu an của Phật tử là trái với chủ trương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.”
Chùa Phúc Khánh còn có tên chùa Sở, được cho là ngôi chùa lâu đời ở Hà Nội nhưng chỉ được biết đến về vụ làm lễ dâng sao giải hạn cho hàng ngàn người vào đầu mỗi năm Âm lịch.
Sư trụ trì chùa, Thượng Tọa Thích Thanh Quyết, “đại biểu Quốc Hội CSVN”, từng gây tranh cãi với các phát ngôn tại nghị trường: “Đảng và nhà nước CSVN phải xây dựng quân đội mạnh như quân đội Bắc Hàn” (hồi Tháng Mười, 2014); “Bức cung nhục hình là nguyên nhân dẫn đến oan sai, và điều này cần chấm dứt vì nó để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan tư pháp. Nguyên nhân, là do cán bộ điều tra còn chủ quan nóng vội, do cán bộ điều tra chưa thấm nhuần đức nhà Phật” (hồi Tháng Sáu, 2015)
Ngoài chùa Phúc Khánh, ông Quyết còn trụ trì khu di tích Yên tử-Quảng Ninh, chùa Non Nước ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội và là trưởng ban chỉ đạo nhiều dự án xây dựng chùa Đồng (Yên Tử), tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, chùa Non Nước…
Nhà báo Đào Tuấn của báo Lao Động bình luận trên trang cá nhân: “Năm nay, dù kinh tế tăng trưởng kỷ lục, tiền dâng sao nâng lên 150,000 đồng. Mặc cả hay thiếu 50,000 à? Cút! Tại sao nhà chùa vẫn cổ súy một tín ngưỡng phản khoa học, phản nhân quả? Hãy hỏi Tiến Sĩ Phật Học từ Trung Quốc Thích Thanh Quyết. Tại sao một hành vi bất kính với đạo là phải đóng tiền mới được giải hạn cầu an vẫn tồn tại trong một ngôi chùa ngay giữa thủ đô? Hãy hỏi Phó Chủ Tịch Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thích Thanh Quyết. Tại sao một tín ngưỡng nằm trong nghi lễ của Lão giáo lại trở nên phổ biến trong các ngôi chùa miền Bắc? Hãy hỏi “đại biểu Quốc Hội Thích Thanh Quyết.”
Báo Giáo Dục Việt Nam hôm 14 Tháng Hai dẫn thống kê của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cho hay trong giai đoạn 2007–2017, chùa Phật giáo ở Việt Nam tăng từ 14,777 ngôi lên đến 18,466 ngôi.
“Đặc điểm chung của các quần thể di tích mới được xây dựng là lấy chùa làm vùng lõi, còn xung quanh chùa là nhà hàng, sân golf, khách sạn… và dường như chùa chỉ là cái cớ để người ta kinh doanh. Chùa nào cũng đua nhau công bố kỷ lục; đầu tư hoành tráng để thu hút ‘Phật tử’. Nhưng không dành cho các ‘Phật tử’ ít tiền khi vé vào cửa, vé dịch vụ… bủa vây phật tử khi hành hương. Bên cạnh đó, có điều khá lạ là phàm những ngôi chùa mới hiện nay được các đại gia đầu tư xây dựng hoành tráng là được khoác thêm danh hiệu ‘thiêng nhất Việt Nam,’ tờ báo viết thêm. (T.K.)
No comments:
Post a Comment