Việc giới cầm quyền CSVN đưa xe cần trục đến dời lư hương trước tượng đức Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn và ngăn chận đồng bào các giới đến đặt vòng hoa trước tượng vua Lý Thái Tổ ở Hà Nội trong ngày 17 tháng 2 cho thấy không chỉ có một mà là hai cuộc “chiến tranh biên giới” xảy ra trong cùng thời điểm.
Cuộc chiến thứ nhất: chống Trung Cộng xâm lược
Ngày 17 tháng 2, dù đứng trên quan điểm chính trị nào, cũng là ngày mọi người Việt nên dành một phút im lặng để tưởng niệm anh linh đồng bào đã ngã xuống để bảo vệ đất nước.
Giống như nhiều thế hệ Việt Nam trước họ, thế hệ Việt Nam 1979 đã chiến đấu bằng một lòng yêu nước vô cùng trong sáng. Sự hy sinh của họ sẽ được nhân dân Việt Nam đời đời ghi nhớ.
Dù tính toán bao nhiêu, khoảng bốn ngàn lính Trung Cộng chết chỉ trong vài ngày đầu của trận chiến và khoảng 100 xe tăng bị diệt.Theo Peter Tsouras trong tạp chí Military History Magazine phát hành ngày 4 tháng 11, 2016, Đặng Tiểu Bình đánh Việt Nam để chứng tỏ ông thần bảo hộ Liên Sô của CSVN chẳng có giá trị gì. Ngoài ra, Đặng dùng chiến tranh như một lý do để thúc đẩy hiện đại hóa Trung Cộng. Họ Đặng tính rất kỹ. Về mặt thời tiết, Trung Cộng có lợi vì vùng biên giới Hoa Việt mùa mưa chưa đến nhưng biên giới Liên Sô-Trung Quốc tuyết vẫn còn ẩm ướt bất tiện cho các đơn vị cơ giới nếu Liên Sô quyết định động binh.
Cũng theo bài báo của Peter Tsouras, một nữ dân binh Việt Nam đã xâm nhập vào phía sau các đoàn tăng Trung Cộng để bắn tỉa. Khi bắt được chị, quân Trung Cộng đè chị xuống đất và cho xích xe tăng cuốn thân thể chị. Chị chết trong đau đớn tận cùng.
Cuộc chiến thứ hai: xung đột giữa hai đảng CS đạt tới điểm cao
Người Việt Nam chết, người Việt Nam đau. Người Việt Nam hy sinh, người Việt Nam tưởng nhớ. Hình ảnh 43 phụ nữ bị đập chết và quăng xuống giếng là chuyện thương tâm của người Việt Nam, đó không phải chuyện của đảng.
Đảng CSVN đánh giá xung đột 40 năm trước để hòa giải với CS đàn anh Trung Cộng và thực hiện trong giới hạn được Trung Cộng cho phép chứ không phải thật tâm đun sôi lòng yêu nước.
Lòng yêu nước trong tay đảng CSVN chỉ là chiếc bẫy
Vừa rồi “Viện Hàn lâm Khoa học xã hội” phối hợp với “Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam” tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc – 40 năm nhìn lại (1979-2019)”.
Nhiều người phản đối khi những viện và hội mang tiếng “hàn lâm” và “khoa học” nhưng không đủ sĩ diện để viết cho đúng tên của cuộc chiến “chống Trung Quốc xâm lược”.
Người Việt yêu nước phản đối đương nhiên là đúng khi đứng từ phía người dân, từ gia đình của 30 ngàn người bị giết nhưng không phải từ phía đảng CS.
Với đảng CS, mối quan hệ giữa hai đảng cần thiết hơn, quan trọng hơn, lâu dài hơn, sống còn hơn một cuộc chiến mà sau hội nghị Thành Đô đã bị nhận chìm vào quá khứ.
Quan hệ giữa CSVN và CSTQ trong suốt chiều dài lịch sử có khi ấm khi lạnh nhưng đó chỉ là những ấm lạnh ngoài da.
Nói như Chu Ân Lai, mối quan hệ về tư tưởng chính trị giữa hai đảng như là “máu và thịt”. Ý họ Chu, sự tồn tại của một đảng gắn liền với sinh mệnh của đảng khác. Quan hệ cốt tủy sống còn như thế được gọi là quan hệ hữu cơ.
Bài học giàn khoan HD-981
Tháng 5 năm 2014, Trung Cộng đưa giàn khoan HD-981 đến sát bờ biển Việt Nam, lãnh đạo CSVN phản đối. Không chỉ phản đối riêng tại Việt Nam mà đảng còn xúi giục du học sinh VN tại các nước mang cờ CS biểu tình chống Trung Cộng.
Nhiều người nghĩ rằng CSVN phản đối vì Trung Cộng xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Không phải. Trung Cộng xâm phạm lãnh hải Việt Nam hàng trăm lần trước đó nhưng CSVN im lặng. CSVN phản đối chỉ vì lãnh đạo Trung Cộng đã vượt qua giới hạn của những thỏa thuận ngầm giữa hai đảng. Trung Cộng rút giàn khoan và sóng gió tạm ngưng.
Cơn hờn giận giữa hai đảng CS nguôi ngoai. Nhưng trong vùng biển Việt Nam, máu của ngư dân Việt Nam không vì nguôi ngoai đó mà ngừng chảy. Hàng chục ghe tàu đánh cá Việt Nam vẫn tiếp tục bị đâm thủng và ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục bị giết.
Đừng để tự rơi vào chiếc bẫy yêu nước của đảng CS mà phải vận dụng mọi cách để giành lại quyền làm chủ vận mệnh đất nước, từ đó các vấn đề lịch sử khác dù lớn hơn cũng sẽ được giải quyết dễ dàng./.
No comments:
Post a Comment