SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Những ngày đầu năm dương lịch, vụ xe container (Việt Nam gọi là xe đầu kéo) đi từ miền Tây về Sài Gòn đến ngã tư Bình Nhựt (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đã tông thẳng vào đoàn xe gắn máy đang đậu trước đèn đỏ. Chạy với tốc độ 45-55 km/h, chiếc xe container “tử thần” lướt đi tới gần 200 mét mới dừng lại được, vì đã cuốn nhiều xe gắn máy vô gầm xe.
Vụ tai nạn thảm khốc và đẫm máu, làm bốn người chết tại chỗ, hơn 20 người bị thương nặng. Tại hiện trường, người nằm rên la, cũng như các mảnh vỡ của xe gắn máy nằm la liệt.
Tài xế xe container gây tai nạn, bỏ trốn khỏi hiện trường. Tới hơn 7 tiếng đồng hồ sau mới ra trình diện. Nhưng khi đem tài xế vô bệnh viện để “test,” thì tài xế vẫn “dương tính” với ma túy và có nồng độ cồn (rượu) rất cao…
Đây không phải là lần đầu, và chắc chắn càng không phải là lần cuối, những người dân đàng hoàng, tuân thủ luật giao thông dừng xe trước đèn đỏ bị những chiếc xe tải, xe container mang tên “tử thần” cướp đi mạng sống một cách bất ngờ và đau đớn.
Một clip trên mạng Internet, cho thấy một vụ tương tự xảy ra tại Phú Mỹ Hưng, quận 7, Sài Gòn. Cũng tại một ngã tư đèn đỏ, giao giữa đại lộ Nguyễn Văn Linh và đường Nguyễn Lương Bằng. Trong khi rất nhiều xe gắn máy đang chờ đèn đỏ bên phía Nguyễn Văn Linh, thì từ phía Nguyễn Lương Bằng một chiếc xe container bỗng phóng về phía dòng xe với tốc độ “như tên bắn.” May là con đường khá rộng nên có người kịp quăng xe bỏ chạy, nhưng xe container cũng kịp tông nhiều xe gắn máy làm vài người bị thương và chỉ dừng lại được khi tông hư hỏng nặng một chiếc xe hơi 7 chỗ.
Tài xế xe hơi 7 chỗ là người hiểu chuyện, đã kịp kéo tài xế xe container vô xe mình và khóa chặt cửa lại. Nếu không, trước cơn thịnh nộ của bao nhiêu người đi đường, chắc chắn tài xế xe container đã bị đánh bầm dập.
Sau khi che chở cho tài xế container trước sự giận dữ của đám đông. Tài xế xe 7 chỗ, gọi điện thoại cho cảnh sát xuống lập biên bản. Trong biên bản, tài xế xe 7 chỗ đề nghị phải ghi là “nghi ngờ tài xế container có sử dụng ma túy, đề nghị đưa đi kiểm tra.” Nhưng đề nghị của tài xế xe 7 chỗ bị phớt lờ. Cho đến khi các bên liên quan làm việc với các giới chức để bàn việc bồi thường cho các nạn nhân, tài xế xe 7 chỗ nêu lại vấn đề nghi sử dụng ma túy của tài xế container. Nhưng một lần nữa vụ việc bị… ngó lơ, là vì các chủ xe container đều đã chung chi tiền bảo kê, nên vụ việc thường được dàn xếp theo lối… chìm xuồng.
Việc các tài xế xe container (cũng như xe tải đường dài) sử dụng ma túy, từ lâu đã không còn là vấn đề nghi vấn nữa. Mà trên thực tế, trong một đợt tổng kiểm tra sức khỏe tài xế xe container, thì hầu hết đều dính ma túy.
Hãy tưởng tượng, một chiếc xe container dài thậm thượt, có tải trọng lẫn hàng hóa lên tới 40 tấn phóng như tên trên những con đường Sài Gòn đông người hậu quả sẽ ra sao? Như vụ xe container tông chết hàng loạt người chờ đèn đỏ tại ngã tư Bình Nhựt, theo cơ quan chức năng, xe này khi lướt qua đèn đỏ với tốc độ 45-55 km/giờ, mà hoàn toàn không… đạp thắng.
Rõ ràng tài xế vừa phê ma túy, vừa phê rượu thì họ nghĩ họ là “thiên bồng nguyên soái” đang “cưỡi mây” đi tìm Hằng Nga (nàng tiên nâu) chứ đâu còn quan tâm gì đến cõi phàm trần này nữa.
Vì đâu nên nỗi?
Chuyện đường xá Việt Nam quá đông, xe chở quá trọng tải thì ai cũng biết rồi. Nhưng ác một cái là các xe container, cũng như xe tải đường dài phải giao hàng đúng hạn. Nếu không đúng hạn sẽ phải “ôm hàng” hoặc chịu bồi thường rất lớn. Mà xe từ trong Nam ra tới cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn giáp với Trung Quốc, trên ngàn cây số, chủ hàng quy định chỉ đúng 2 ngày xe phải ra tới nơi.
Đường xá Việt Nam quá đông, xe ra hai ngày đã là một nhiệm vụ bất khả. Chưa kể, quy định hạn chế tốc độ, khi xe qua các khu vực nội ô, huyện thị kể cả tuyến quốc lộ cũng bị hạn chế tốc độ. Trong khi loại đường cao tốc Bắc-Nam thì chưa có, hoặc chỉ có được “vài đoạn.”
Thế cùng, tài xế container phải lấy đêm làm ngày. Ban đêm họ đạp “lút ga” cho xe lướt đi như một bóng ma của tử thần. Vì chỉ có vậy, họ mới lấy lại thời gian đã mất lúc ban ngày. Và vì phải chạy tốc độ cao ban đêm, đa số tài xế để giữ cho mình được tỉnh táo, họ đành phải “bắn vài bi.”
Đó là giải thích của giới tài xế đường dài, xe container cho chuyện hầu hết người trong giới này đều sử dụng ma túy. Bên cạnh đó phải kể tới áp lực của công việc, nhiều nguy hiểm, buồn chán và cám dỗ của tuyến đường dài Nam-Bắc.
Như một tài xế chúng tôi có dịp trò chuyện tâm sự. Đời tài xế đường trường, cũng chẳng khác nào kiếp sống giang hồ. Ban ngày giao vô-lăng cho tài nhì, tụi tui ngủ. Ban đêm căng mắt ra cầm lái, nhiều cung đường đèo cheo leo hiểm hóc vẫn không dám giảm tốc độ vì sợ bị cướp. Trên xe tụi tui bao giờ cũng có một lượng tiền lớn, là tiền hàng, tiền chung chi cho các trạm CSGT cố định, lưu động… Ra tới nơi giao hàng, mừng vì sống sót, mừng vì an toàn, mừng vì có lời, thế là phải đi xả “súp-bắp.” Dính những tệ nạn cũng từ đó mà ra. Bởi vì căng thẳng thần kinh lắm. Bước chân lên xe là xác định đã đặt một chân vào “cửa tử,” vì chạy kiểu này không có ngày tông chết người ta, thì cũng bị người ta tông chết.
Luật giao thông đường bộ tại Việt Nam ra quy định (từ năm 2008) cấm tài xế đường dài chạy xe quá 10 tiếng/ngày và cấm tài xế chạy xe liên tục quá 4 tiếng. Do vậy, hầu hết xe đường dài phải thuê cùng lúc 2 tài xế, để thay phiên nhau chạy. Nhưng vì lợi nhuận, các chủ xe bắt các xe quay đầu nhanh, cũng như kịp thời gian giao hàng, nên cả hai tài xế cũng đều… phờ râu. Nên hầu như cũng chẳng giảm tai nạn là mấy. Vì luật ra là để giúp những kẻ “làm luật” thêm nặng “hầu bao,” còn giới chủ thì phải chung chi đủ thứ nên chỉ còn cách “siết” tài xế, để đầu xe mau mau đẻ tiền. Cho nên luật giao thông đường bộ Việt Nam bị đồng tiền che khuất, hầu như không còn tác dụng.
Thêm nữa, xe container ở Việt Nam đều là những xe cũ nhập từ ngoại quốc, mà kiểm định kỹ thuật ở Việt Nam, chẳng qua là “kiểm định… phong bì.”
Theo giới chuyên môn, để giảm thiểu tai nạn của container. Biện pháp bắt buộc là phải phân luồng xe, tức làn xe chạy riêng. Nhưng với ngân sách Việt Nam hiện nay, tách làn xe riêng là không thể. Coi như cái khó bó cái khôn.
Chính vì thế mà người dân cũng như giới tài xế ai cũng có nguy cơ trở thành “thương phế binh,” “tử sĩ” trên đường phố. Hiểm họa từ những chuyến xe điên đã được báo trước. Nhưng mà “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi!” (Văn Lang)
No comments:
Post a Comment