Vụ đập phá nhà dân ở khu vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình, Sài Gòn vẫn tiếp tục nóng đối với tất cả nhà dân nằm trên con đường Chấn Hưng, Hưng Hóa, khi suốt tuyến đường này vẫn rải đầy lực lượng công an, dân phòng, an ninh thường phục. Tất cả những ai đi qua đây mà dừng xe lại rồi đưa điện thoại lên để quay phim, chụp hình là lập tức bị lực lượng sắc phục lẫn thường phục ập tới cản ngăn. Nếu người dân phản ứng, họ sẽ bị thu luôn điện thoại.
Xin ghi nhận một số ý kiến từ cư dân Lộc Hưng, và khu xóm lân cận đó cũng trên địa bàn phường 6, quận Tân Bình.
* Ông Quang, người trồng rau: Sáng chủ nhật rồi, nhân viên chính quyền gặp tôi nói là lên phường để nhận tiền hỗ trợ 18 triệu đồng cho việc miếng đất trồng rau, chuồng gà của tôi nơi đây đã bị họ đập phá tan hoang. Quá vô lý, họ cướp công khai tài sản, gia cầm, hoa màu tôi trồng để bán mùa Tết thì sao gọi là tiền hỗ trợ? Nếu từ đầu họ thương lượng với giá cả hợp lý, tôi nghĩ sẽ không ai phản ứng khi nơi đây sẽ có một dự án trường học tử tế.
Dĩ nhiên đó phải là xây dựng trường học, chứ không phải là cái cớ để sau đó chuyển đổi sang mục đích kinh doanh chung cư, căn hộ mà chính quyền đã từng toan tính nhiều lần ở khu đất vườn rau Lộc Hưng.
* Ông Nguyễn Minh Hùng, giáo viên môn tiếng Anh: Tôi từng thuê một căn nhà ở kề khu vườn rau Lộc Hưng để mở lớp dạy thêm, và tham gia lớp tình thương cho trẻ em nghèo khu vườn rau.
Tôi không am tường về luật đất đai, nhưng về chuyện xây dựng trường lớp nơi đây thì tôi thấy là trên cương vị Bí thư Thành ủy, đồng thời cũng từng là phó chủ tịch TP.HCM, rồi giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, tin chắc ông Nguyễn Thiện Nhân biết rõ ràng là làm gì có chuyện chỉ với vật chất của một ngôi trường được xây dựng là có thể đạt chuẩn quốc gia, như tên của dự án trên tấm bảng đang cắm ở đất của bà con khu vườn rau Lộc Hưng, là “cụm trường học đạt chuẩn Quốc gia”.
Tôi nghe nói ông Nguyễn Thiện Nhân cũng từng đứng lớp. Tôi muốn nói chi tiết hơn với thầy giáo Nguyễn Thiện Nhân rằng cụm từ “trường chuẩn quốc gia” đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ với ban giám hiệu các trường, mà với tất cả giáo viên như chúng tôi. Khi trường học nào đó được khoác trên mình danh hiệu “trường chuẩn quốc gia mức độ 1, 2 hoặc 3” như một điều hiển nhiên phải nổi trội hơn các trường khác, dù thực chất không có được điều đó.
Thế là mọi hoạt động ở trường phải chạy đua, phải gồng mình lên để theo kịp những cái danh vừa đạt được. Cứ như việc trường lên hạng, mọi thứ bỗng chốc buộc phải lên hạng theo. Như tỉ lệ học sinh khá, giỏi phải luôn đạt mức cao, thấp nhất cũng từ 75% trở lên; học sinh lên lớp thẳng khoảng 99%…
Chẳng thế mà có trường mới chỉ năm ngoái thôi khi chưa được công nhận là “trường chuẩn quốc gia” thì học sinh yếu còn được phép lưu ban để học lại cho chắc. Nhưng năm nay các em không được phép ở lại, dù học sinh ấy có học yếu cỡ nào…
Nói dông dài như vậy để xin khẳng định một điều, là chắc chắn trong tất cả các văn bản pháp lý liên quan đến vấn đề giáo dục, không hề có ý niệm về xây cất một, hoặc cụm trường học đạt chuẩn Quốc gia như tấm bảng đang cắm trên đất của bà con vườn rau Lộc Hưng.
* Bà Nguyễn Thu Dung, giáo viên môn địa lý: Tôi có đứa em đang dạy mầm non ở khu dân cư 50 héc ta tại Cát Lái, quận 2. Xin mời thầy Nguyễn Thiện Nhân đến đây tham quan để biết thế nào là chuẩn quốc gia đối với trường học.
Trường mầm non Cát Lái nằm trong cụm các trường từ mầm mon, tiểu học đến trung học cơ sở, xây dựng rất bề thế ở phía sau trụ sở của Tòa cấp cao tại TP.HCM. Trường mầm non này được thành lập 2001, với cảnh quan thoáng mát, môi trường học tập xanh – sạch – đẹp – an toàn. Tất cả phòng học, phòng chức năng đều đầy đủ trang thiết bị, phục vụ tốt việc chăm sóc, giáo dục cho hơn 336 trẻ đang theo học tại trường.
Đến tháng 11/2017, trường mầm non Cát Lái được công nhận đạt chuẩn Quốc gia và Kiểm định chất lượng giáo dục. Còn 2 trường nằm liền kề trong cụm thì chưa đạt chuẩn Quốc gia, mặc dù cơ sở rất rộng rãi, lớn hơn nhiều so vị trí tính xây dựng ở khu vườn rau Lộc Hưng.
Thầy Nguyễn Thiện Nhân ơi, họ phải mất tới 16 năm, trường mầm non Cát Lái mới có thể đạt chuẩn Quốc gia. Và thầy Nhân cũng lưu ý luôn là chuyện “chuẩn Quốc gia” này được tính theo niên hạn mỗi 5 năm, chứ không phải đạt một lần là… mãi mãi như tấm bảng cắm ở đất bà con vườn rau Lộc Hưng đâu.
* Bà Chinh, cựu Hội thẩm nhân dân: Khu đường Chấn Hưng và Hưng Hóa có chiều ngang hẹp. Trông nó giống con hẻm nhiều hơn. Thử tưởng tượng cảnh phụ huynh đón con mỗi khi tan trường đồng loạt ở 3 cấp từ mầm non đến trung học cơ sở, sẽ hình dung ra ngay chuyện kẹt xe, tắc đường khi họ phải len lõi chạy ra con đường chính Cách Mạng Tháng Tám nằm bên ngoài.
Mà thôi, đó là chuyện tương lai. Biết đâu giờ chót chính quyền đổi ý để xây dựng cái khác thì sao?. Ngay lúc này, tôi thấy đa số dân bị cưỡng chế ở khu vườn rau Lộc Hưng chủ trương đòi hỏi ‘công lý’. Ý nguyện đó không có gì khó khăn. Nếu thực hiện thì chỉ khẳng định những quyết tâm của cụ Tổng mà thôi…
Làm ơn cụ Tổng nói một lời công đạo, xin đừng để tiếng oán than dậy trời khi ngày Tết đang đến gần. Thất nhân tâm lắm rồi.
No comments:
Post a Comment