Monday, January 7, 2019

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông lại lỡ hẹn dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi

Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông nhiều lần lỡ hẹn việc khai thác thương mại từ năm này qua năm khác. (Hình: báo Toquoc.vn)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trái với tuyên bố đưa tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông vào vận hành ngay trước dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019, phóng sự ảnh của tờ Lao Động hôm 6 Tháng Giêng cho thấy các nhà ga của tuyến này “vẫn trong tình trạng ngổn ngang, chưa hoàn thiện nhiều công đoạn.”
Do chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là Tết Âm Lịch, cam kết của giới chức ngành giao thông và nhà thầu tuyến này nhiều khả năng không thực hiện được, tương tự như những lần “hứa hão” về việc vận hành các năm trước.
Trước đó, báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam tường thuật, Bộ Trưởng Giao Thông-Vận Tải CSVN Nguyễn Văn Thể ấn định ngày vận hành thương mại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là hôm 2 Tháng Hai, 2019.
Báo Lao Động hôm 6 Tháng Giêng mô tả: “Tại lối lên các nhà ga trên đường Nguyễn Trãi, phần thang cuốn còn đang phủ bạt. Tình trạng ngổn ngang vật liệu xây dựng có thể thấy ở khá nhiều nhà ga. Lác đác một vài công nhân xuất hiện tại nhà ga trên đường Trần Phú…”
Nhà ga trên đường Nguyễn Trãi còn khá ngổn ngang hôm 6 Tháng Giêng, 2019. (Hình: báo Lao Động)
Cũng theo tờ báo này, đến nay, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông chỉ dài 13 km do Bộ Giao Thông-Vận Tải làm chủ đầu tư được ghi nhận đã “đội vốn” lên $868 triệu, tức là tăng đến $315 triệu so với dự trù kinh phí ban đầu và trở thành “dự án tiêu biểu về đội vốn và chậm tiến độ.”
Về chuyện tuyến đường sắt nêu trên đã chạy thử một số lần nhưng chưa biết khi nào vận hành này, Báo An Ninh Thủ Đô lý giải nguyên do là “còn một số vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu các hạng mục cũng như toàn bộ dự án.”
Hồi Tháng Ba, 2018, báo Zing dẫn lời ông Vũ Hồng Phương, phó giám đốc Ban Quản Lý Dự Án Đường Sắt của Bộ Giao Thông-Vận Tải khẳng định đường sắt Cát Linh-Hà Đông “sẽ vận hành và khai thác thương mại vào Tháng Mười Hai, 2018” và nói thêm rằng tin đồn cho rằng dự án này “vỡ tiến độ đến năm 2021 “là thông tin sai lệch.”
Đến nay, việc dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông lùi tiến độ và đội vốn nhiều lần khiến báo Việt Nam tốn nhiều giấy mực, nhưng truyền thông tránh nhắc chuyện tổng thầu Trung Quốc sử dụng nhân công người Trung Quốc trực tiếp tham gia việc vận hành.
Đáng lưu ý, theo báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam, dù chưa đến ngày chạy chính thức, tuyến đường sắt này đã hao hụt nhân sự. Hơn 80 nhân công do Công Ty Đường Sắt Hà Nội (đơn vị tiếp nhận công trình) tuyển dụng để tham gia quá trình vận hành tuyến đường sắt này hiện đã xin nghỉ việc.
Thực trạng tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông không phải là ngoại lệ trong số các dự án đầu tư công. Báo Tin Tức Việt Nam hôm 5 Tháng Giêng cho hay: “Theo thống kê của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, Việt Nam có 51,947 dự án sử dụng vốn nhà nước, trong đó có tới 1,609 dự án chậm tiến độ, chiếm 3.1% số dự án thực hiện đầu tư. Với các dự án này, chủ đầu tư đều nêu các nguyên do như bố trí vốn không kịp thời, chậm giải phóng mặt bằng… Trong đó, đáng chú ý là có gần 150 dự án chậm tiến độ do nguyên nhân chủ quan, do chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu không đủ năng lực.” (T.K.)

No comments:

Post a Comment