Friday, January 25, 2019

Năm dân biểu lên tiếng vụ Lộc Hưng với đại sứ Mỹ tại Việt Nam

Từ trái, theo chiều kim đồng hồ, Dân Biểu Katie Porter, Dân Biểu Al Green, Dân Biểu Alan Lowenthal, Đại Sứ Daniel Kritenbrink, Dân Biểu Lou Correa, và Dân Biểu Gil Cisneros tại văn phòng ông Lowenthal ở Quốc Hội. (Hình: Văn Phòng Dân Biểu Alan Lowenthal cung cấp)
WASHINGTON, DC (NV) – Năm dân biểu liên bang Hoa Kỳ hôm Thứ Năm, 24 Tháng Giêng, gặp ông Daniel Kritenbrink, đại sứ Mỹ tại Việt Nam, để lên tiếng vụ chính quyền CSVN cưỡng chế đất đai ở Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình, Sài Gòn.
Ngoài ra, các vị dân cử này cũng nêu trường hợp ông Michael Nguyễn, bị bắt giam tại Việt Nam từ Tháng Bảy năm ngoái, và phản đối việc chính quyền Tổng Thống Donald Trump đòi trục xuất những người Việt Nam có lệnh trục xuất của tòa di trú, nhưng được thỏa thuận năm 2008 bảo vệ.

Theo thông cáo báo chí của văn phòng Dân Biểu Alan Lowenthal (Dân Chủ-California), buổi gặp gỡ này do vị dân biểu đại diện Địa Hạt 47, bao gồm vùng Little Saigon, tổ chức tại văn phòng của ông trong Quốc Hội Mỹ, Washington, DC.
Ngoài ông Lowenthal, buổi gặp gỡ vị đại sứ còn có các dân biểu Lou Correa (Dân Chủ-California), Al Green (Dân Chủ-Texas), Dân Biểu Gil Cisneros (Dân Chủ-California), và Katie Porter (Dân Chủ-California), theo thông cáo cho biết.
“Chúng tôi đã lên tiếng kêu gọi Đại Sứ Kritenbrink tìm hiểu về sự việc cưỡng chế đất và phá dỡ nhà tại vườn rau Lộc Hưng, Sài Gòn. Tuy rằng chính quyền Việt Nam sở hữu tất cả đất đai trong nước, việc cưỡng chế đất đã trở thành điểm tranh chấp với nhiều người dân cho rằng chính quyền Việt Nam đã đẩy những người chủ đất nhỏ sang một bên để làm lợi cho các công trình đầu tư bất động sản lớn, đồng thời mức tiền bồi thường cho người dân thật là thấp,” Dân Biểu Alan Lowenthal được trích lời nói.
Ông Lowenthal cho biết Đại Sứ Kritenbrink đã bày tỏ với các vị dân biểu liên bang rằng ông sẽ tìm hiểu thêm về tình hình sự việc này.
Ông Lowenthal cho biết thêm: “Các vị đồng viện cùng tôi cũng đã trao đổi với Đại Sứ Kritenbrink về nhu cầu đưa Việt Nam trở lại vào danh sách Các Quốc Gia Cần Đặc Biệt Quan Tâm (CPC), là danh sách các nước trên thế giới vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo.”
Theo thông cáo của ông dân biểu, Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách CPC của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vào năm 2006 sau khi có một số cải thiện tương đối trong lãnh vực tự do tôn giáo.
Tuy nhiên, “những sự kiện đàn áp xảy ra từ đó đến hôm nay cho thấy chính quyền Việt Nam đi ngược lại những cải thiện đó và Việt Nam nên được đưa trở vào lại trong danh sách CPC,” vị đại diện Địa Hạt 47 của California cho biết tiếp.
Ông cho biết là Đại Sứ Kritenbrink hứa với các năm dân biểu rằng vấn đề này vẫn còn là ưu tiên hàng đầu của ông.
Vẫn theo thông báo, Đại Sứ Kritenbrink cũng cập nhật đến các vị dân biểu liên bang trường hợp của ông Michael Nguyễn, một công dân Hoa Kỳ và là cư dân Orange, thuộc Địa Hạt 45, hiện do Dân Biểu Liên Bang Katie Porter đại diện, đang còn bị giam giữ tại Việt Nam.
Ông đại sứ cho biết rằng ông và các nhân viên của ông vẫn tiếp tục kêu gọi các viên chức cấp cao của chính quyền Việt Nam, bao gồm cả thủ tướng, trả tự do cho ông Michael Nguyễn.
“Chúng tôi cũng trao đổi cùng ông đại sứ những việc mà các dân biểu Hoa Kỳ có thể làm để giúp vận động trả tự do cho ông Michael Nguyễn,” vẫn theo Dân Biểu Lowenthal.
Sau cùng, các vị dân biểu nêu lên vấn đề bản thỏa thuận 2008, theo đó, Hoa Kỳ không được trục xuất những người Việt Nam qua Mỹ trước ngày 12 Tháng Bảy, 1995, có phán quyết trục xuất của tòa di trú.
Chính quyền Hoa Kỳ hiện nay đang muốn đàm phán lại thỏa thuận này với chính quyền Việt Nam, và vụ này có thể sẽ dẫn đến việc trục xuất một số người Việt Nam đã đến Hoa Kỳ trước năm 1995 nhưng chưa có quốc tịch Mỹ.
Các chính quyền Hoa Kỳ trước đây không đặt ưu tiên việc trục xuất số người này, mà đa số là đến Mỹ sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, và họ cũng lo sợ sẽ bị đàn áp dưới chế độ Cộng Sản, nếu bị trục xuất về nước.
Đại Sứ Kritenbrink hiểu rõ những quan tâm của các vị dân biểu, và cam kết sẽ tiếp tục trao đổi với các vị này trong lúc những cuộc đàm thoại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam còn tiếp tục, thông cáo cho biết. (Đ.D.)

No comments:

Post a Comment