Friday, January 18, 2019

Cuộc chiến giữa CSVN với Facebook: Dáng dấp một màn tấu hài


Vợ chồng ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg (thứ 2 từ trái) và vợ Priscilla Chan (thứ 2 từ phải) trong chuyến thăm vịnh Hạ Long của Việt Nam hồi tháng 12 năm 2011. (Hình: Getty Images)
Phạm Chí Dũng/Người Việt
“Mục đích họ sang, gặp mặt chúng ta chỉ là để câu giờ. Họ không bao giờ chốt các vấn đề, không làm việc bằng văn bản bản chất. Facebook đang kinh doanh kiếm lời tại một quốc gia và không tuân thủ luật pháp quốc gia đó.”

Một quan chức của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, đã trả lời phỏng vấn báo chí nhà nước với thái độ đầy ‘bức xúc’ như thế.
Nhưng điều trớ trêu đối với nhà cầm quyền Việt Nam là trong khi họ tố cáo Facebook ‘câu giờ’, đó cũng là một thủ đoạn rất quen thuộc để đối phó với rất nhiều cáo buộc của cộng đồng quốc tế về việc Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Kể từ khi Việt Nam tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vào cuối năm 2013 đến nay, đã chẳng hề có một cải thiện nhân quyền nào được thực hiện, nếu không muốn nói là ngược lại.
Hết thời ‘nhà chồng’ và ‘nàng dâu’
“Chúng tôi có một quy trình rõ ràng để các chính phủ báo cáo nội dung bất hợp pháp và chúng tôi xem xét tất cả các yêu cầu đó, đối chiếu các điều khoản và điều kiện cung cấp dịch vụ của chúng tôi với luật pháp địa phương”, Facebook viết trong một tuyên bố để phản ứng những cáo buộc của nhà cầm quyền Việt Nam vào Tháng Giêng 2019 về việc doanh nghiệp này “vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức; cho phép quảng cáo bất hợp pháp; và trốn thuế.”
Lần đầu tiên từ lúc vào Việt Nam, Facebook đã biết phản ứng như thế nào trước sự can thiệp ngày càng thô bạo của chính thể độc đảng ở đất nước này.
Việc Facebook cho bà Lê Diệp Kiều Trang – con gái của một cựu quan chức cộng sản, đã nhiều lần thẳng tay cắt bỏ nhiều nội dung phản biện xã hội và tố cáo giới quan chức của những facebooker, nghỉ việc vào ngày 1/1/2019, đúng vào ngày Luật An ninh mạng của Việt Nam có hiệu lực, có thể là một phản ứng mang hàm ý phản ứng đối với Luật An ninh mạng mà đang tạo ra nguy cơ siết bóp đối với Facebook.
Sau một thời gian ‘vận động thuyết phục’ phần nào thành công đối với Facebook và khiến doanh nghiệp này phải xiêu lòng thỏa hiệp để cắt gỡ nhiều nội dung ‘phản động’ trên facebook cá nhân của nhiều người hoạt động nhân quyền, cuộc đấu tố hằn học và cay cú của nhà cầm quyền Việt Nam đối với Facebook đã cung cấp một bằng chứng trực tiếp về thất bại của họ trong việc cố gắng áp đặt Facebook phải tuân theo luật chơi độc trị và bóp nghẹt tự do ngôn luận trên mạng xã hội.
Thất bại của nhà cầm quyền lại là một thắng lợi đầu tiên của Facebook ở Việt Nam trong việc duy trì tiêu chí của tổ chức này là bảo đảm các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền.
Một cách chính thức, ‘mối tình’ tạm thời giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam với Facebook đã rơi vào dang dở. Lúc này thì không còn có khái niệm ‘nhà chồng’ hay ‘nàng dâu’ mà tân bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn nhá với Phó chủ tịch châu Á – Thái Bình Dương của Facebook là Simon Milner trong một cuộc gặp tại Hà Nội vào tháng 9 năm 2018. Một cách chính thức, Facebook đã chấp nhận cuộc chiến kéo dài và đầy tiểu xảo thủ đoạn của nhà cầm quyền Việt Nam.
Vậy cuộc chiến giữa nhà cầm quyền Việt Nam với Facebook sẽ tiếp diễn ra sao?


Số người sử dụng mạng xã hội facebook tại Việt Nam lên đến hàng chục triệu người. (Hình: Getty Images)

Tiền, tiền, tiền!
“Để chấn chỉnh, cơ quan quản lý sẽ có nhiều hướng xử lý đối với những vi phạm của Facebook tại Việt Nam. Theo đó, các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tập hợp các bằng chứng vi phạm, đấu tranh yêu cầu Facebook tuân thủ pháp luật. Yêu cầu bổ sung các cam kết tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam trong Thỏa thuận giữa các Nhà cung cấp dịch vụ và Facebook. Ngoài ra, Facebook phải phối hợp với các cơ quan có liên quan để quản lý các hoạt động thanh toán, thuế đối với các giao dịch thương mại, quảng cáo tại Việt Nam. Và nếu Facebook không có những động thái tích cực, các cơ quan quản lý Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp kinh tế-kỹ thuật cần thiết nhằm đảo bảo một môi trường mạng trong sạch, lành mạnh” – theo một bản tin Thông tấn xã Việt Nam, lồng trong bầu không khí ‘cả hệ thống chính trị vào cuộc’ để đấu tố Facebook vào tháng 1 năm 2019.
Cũng theo bản tin trên, thống kê sơ bộ cho thấy hiện có 8 doanh nghiệp viễn thông cho Facebook kết nối trực tiếp và đặt khoảng 900 máy chủ tại Việt Nam… Nhưng điều quan trọng rằng mạng xã hội này lại không có văn phòng đại diện tại Việt Nam và khi đặt máy chủ thông qua các doanh nghiệp viễn thông lại không chặt chẽ về mặt pháp lý. Trong các hợp đồng ký với doanh nghiệp viễn thông không có điều khoản cam kết tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam. Đây cũng chính là kẽ hở để mạng xã hội như Facebook liên tục vi phạm về luật pháp tại nước sở tại.
Hoàn toàn có thể cho rằng với não trạng và thói quen đối phó với giới đấu tranh nhân quyền trong nước, hành động đầu tiên mà các cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành sẽ là ‘trấn áp thuế’ đối với Facebook, đồng thời đe dọa đẩy đuổi doanh nghiệp này khỏi lãnh thổ Việt Nam nếu không chịu nộp thuế.
Vào năm 2017, vài ước tính của các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam đã nhắm đến số thuế phải thu đối Facebook vào khoảng 3,000 – 5,000 tỷ đồng. Nếu tiến hành thành công chiến dịch thu thuế đối với Facebook và cả Google, bức chân dung ngân sách Việt Nam – vốn đang xám xịt, đói ăn đến mức phải tìm cách thu thuế với cả những người bán hàng rong và xe ôm, có thể đen đúa thậm tệ trong cảnh vỡ nợ nước ngoài trong tương lai không xa – sẽ vét được khoảng một chục ngàn tỷ đồng, tương đương 0.8% mức thu ngân sách năm 2018, để đỡ tiều tụy hơn.
Phương châm đánh vào nguồn thu từ quảng cáo và những khoản thu khác của Facebook đang lộ hẳn ra. Tám doanh nghiệp viễn thông cho Facebook kết nối trực tiếp và đặt khoảng 900 máy chủ tại Việt Nam sẽ phải chịu áp lực từ Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an để chấm dứt hợp đồng hợp tác với Facebook, đồng nghĩa Facebook không còn đất dung thân ở Việt Nam.
Tuy nhiên, từ đe dọa đến thực hiện luôn là một khoảng cách…
Việt Nam có dám kiện hay đẩy đuổi Facebook?
Khoảng cách đó càng lớn khi giới chuyên gia kinh tế đã có những ước tính nếu Facebook và Google phải rút khỏi Việt Nam, môi trường đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ bị tổn thương trầm trọng khiến GDP của Việt Nam có thể giảm sút đến 1.5 – 2%.
Việt Nam lại không phải là Trung Quốc. Và lúc này đang là năm 2019 chứ không phải năm 2010 khi Google bị Bắc Kinh gây áp lực buộc phải dời đi. Tiềm lực quá yếu ớt về kinh tế và sự phụ thuộc quá lớn vào khối đầu tư nước ngoài sẽ không cho phép chính quyền Việt Nam hành xử thô bạo và bất cần như chính quyền Trung Quốc.
Thậm chí ngay cả việc Việt Nam có manh nha ý đồ kiện Facebook ra một tòa án quốc tế nào đó cũng chỉ là không tưởng. Bất kỳ tòa án quốc tế có uy tín và có giá trị phán quyết nào đều đậm dấu ấn của quan điểm tự do ngôn luận trên mạng xã hội, bao gồm quyền tự do thể hiện bất đồng chính kiến. Nếu vụ kiện này xảy ra, trong khi phía nguyên đơn Việt Nam còn chưa có gì bảo đảm là sẽ giành phần thắng, rất có thể nguyên đơn này bị kiện ngược lại vì vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận – được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết vào năm 1982.
Cơ hội giành phần thắng của nhà cầm quyền Việt Nam trước Facebook tại những tòa án như thế là quá thấp, hoặc chỉ là con số 0.
Cuộc chiến giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, hay cao hơn nữa là ‘siêu bộ’ – Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam – với hãng Facebook cũng bởi thế sẽ chỉ mang dáng dấp một màn tấu hài với kết quả cuối cùng chẳng đi đến đâu. (Phạm Chí Dũng)

No comments:

Post a Comment