SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Sau nhiều ngày giữ im lặng tuyệt đối, hôm 10 Tháng Giêng, các báo nhà nước đồng loạt đưa tin về vườn rau Lộc Hưng, nhưng chỉ dẫn quan điểm của chính quyền mà không hề có ý kiến của cư dân khu vực này.
Những người ngụ tại vườn rau Lộc Hưng thuộc phường 6, quận Tân Bình, Sài Gòn, hầu hết là giáo dân Công Giáo từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, ba bốn thế hệ đã sống và canh tác trên một khu vực rộng khoảng hơn 50,000 mét vuông đất.
Vụ cưỡng chế được ghi nhận “đã hoàn tất” hôm 8 Tháng Giêng, 2019, tức hôm 3 Tháng Chạp, sau nhiều năm căng thẳng đối đầu giữa người dân và nhà cầm quyền.
Lấy cớ là cưỡng chế để xây một trường học đã có kế hoạch từ năm 2014 và những ngôi nhà xây cất nơi đây “không phép,” chính quyền địa phương bất chấp các đơn thư khiếu kiện suốt hai chục năm qua đòi hỏi phải cấp giấy tờ quyền sở hữu chính thức, theo luật đất đai nhưng vẫn bị lờ đi.
Báo Tuổi Trẻ hôm 10 Tháng Giêng dẫn nguồn lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân quận Tân Bình mô tả vụ việc là “cưỡng chế tháo dỡ 112 căn nhà xây trái phép” và rằng “có một số người dân không hợp tác, cản trở việc thi hành công vụ.”
“Lãnh đạo quận Tân Bình cho biết khi thu hồi đất Vườn rau Lộc Hưng để thực hiện dự án, người dân sẽ được trợ giúp một khoản tiền chứ không được bồi thường, vì khu vực này là đất công. Tuy nhiên, quận đang kiến nghị Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn áp dụng mức trợ giúp bằng với mức giá bồi thường để đảm bảo lợi ích cho người dân bị ảnh hưởng,” theo Tuổi Trẻ.
Đáng lưu ý, một số người làm báo ở Sài Gòn lên tiếng về Vườn rau Lộc Hưng trên trang cá nhân khác với “giọng điệu” tuyên truyền của các báo nhà nước. Nhà báo Cù Mai Công của báo Tuổi Trẻ viết trên trang cá nhân: “Cư dân Lộc Hưng lẫn chính quyền ai đúng ai sai thế nào có lẽ chưa hết tranh luận, thậm chí dai dẳng. Thế nhưng, cái rõ nhất mà một đồng nghiệp người Đà Nẵng của tôi bảo: Ở Hà Nội, Đà Nẵng…, như Đà Nẵng chẳng hạn, năm nào cũng vậy, cứ cận Tết là có thông báo không được giải tỏa cưỡng chế trong dịp giáp Tết. Mọi việc đều ra Tết mới giải quyết…”
Nhà báo Đoàn Khắc Xuyên, từng công tác tại Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, bình luận trên trang cá nhân: “Việc không tìm cách tiếp cận người dân của báo chí trong nước có thể được hiểu, hoặc họ coi tiếng nói người dân là không đáng tin hoặc họ bị chỉ đạo, bị áp lực từ đâu đó không được đưa tiếng nói của người dân. Cho đến đêm 9 Tháng Giêng thì đồng loạt các báo đưa thông tin từ cuộc họp báo của Ủy Ban Nhân Dân quận Tân Bình, và chỉ có thông tin từ cơ quan này. Không có một nỗ lực điều tra riêng nào của các báo. Một nguyên tắc căn bản của báo chí là công bằng trong đưa tin đã không được thể hiện. Một bên là bộ máy đầy đủ ban bệ, lực lượng của chính quyền; một bên là phản ứng rời rạc của người dân bị ảnh hưởng. Báo chí đứng ở đâu, ai cũng đã thấy. Bất đối xứng thông tin là đây chứ đâu.” (T.K.)
No comments:
Post a Comment