Saturday, December 29, 2018

Thủ tướng mê… vòng!

Theo VOA-Trân Văn/29/12/2018 
Ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Hunsen tại Hà Nội, tháng 12, 2018.
Ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Hunsen tại Hà Nội, tháng 12, 2018.
Thập niên 1990, lúc “sinh đẻ có kế hoạch” còn là quốc kế, triệt sản trên cả nam giới (thắt ống dẫn tinh) lẫn nữ giới (thắt ống dẫn trứng) và đặt vòng còn là một thứ chỉ tiêu mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương phải phấn đấu để đạt hoặc vượt, tại nhiều nơi, đặc biệt là các bàn nhậu, rất nhiều người nghêu ngao “Bài ca đặt vòng” với lời thế này: Rủ nhau ta đi đặt vòng. Rủ nhau ta đi đặt vòng. Vòng… số 8 hay vòng… số 9, vòng nào… vừa thì… ta đặt! A… á… a… anh chị em ơi, tổ quốc ơi, từ nay… tự do, thoải mái!
Dẫu nhiều người hát, hát nhiều lần nhưng không ai biết tường tận về nguồn gốc của “Bài ca đặt vòng”. Có người bảo đó là tác phẩm phục vụ một hội thi - hội diễn văn nghệ quần chúng nào đó. Có người thì xem nó như phản ứng trước sự bất nhân, bất trí của “sinh đẻ có kế hoạch”: Do chỉ tiêu, nhân viên y tế tự tiện thắt ống dẫn trứng của những phụ nữ phải sinh mổ. Do chỉ tiêu, chính quyền các địa phương không cấp giấy khai sinh cho những đứa trẻ là con thứ ba, buộc cha mẹ chúng phải nộp phạt, thậm chí tổ chức kiểm điểm, buộc thôi việc những người chủ động hoặc chẳng may có đứa con thứ ba... - song bất kể thế nào, “Bài ca đặt vòng”, dùng những ý tưởng ngô nghê, ngốc nghếch để gây cười cũng là một tác phẩm đại chúng.
“Bài ca đặt vòng” tưởng chừng đã quá vãng bỗng nhiên bật dậy, ngân vang trong đầu một số người, kể cả đầu kẻ viết bài này, sau khi đọc tường thuật về hội nghị giữa chính phủ và các địa phương vừa diễn ra sáng 28 tháng 12 để “triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019” (1)…
***
Một ngày trước khi diễn ra hội nghị giữa chính phủ và giới lãnh đạo các địa phương để “triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019”, tại phiên họp cuối cùng trong năm 2018 của chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc hoan hỉ loan báo, tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08% - mức cao nhất trong tám năm vừa qua (2). Đó là tiền đề để ngày hôm sau, ông Phúc tuyên bố với lãnh đạo chính quyền các địa phương rằng: “Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.
Ai cũng biết, vòng nguyệt quế là một thứ biểu tượng thường được đặt trên đầu, thi thoảng được khoác trên cổ người chiến thắng nhằm chúc mừng họ. Thủ tướng Việt Nam có lẽ là người đầu tiên sáng tạo ra loại vòng nguyệt quế đủ lớn để… nằm, thành ra ông sợ sẽ phát sinh tình huống… ngủ quên! Dẫu ý tưởng có tính sáng tạo ấy hết sức khác thường nhưng giống như nhiều đồng chí đồng đảng, ông Phúc đã từng có rất nhiều ví von phi lý, phản khoa học, trái tự nhiên, thành ra không chủ động gạt bỏ, cả đời sẽ sống trong hoang mang do ông Phúc và các đồng chí gieo rắc.
Gạt bỏ thắc mắc về “vòng nguyệt quế” đủ lớn để… nằm, những yếu tố tạo ra “vòng nguyệt quế” cho ông Phúc nói riêng và chính phủ nói chung - tăng trưởng GDP năm 2018 của Việt Nam đạt 7,08% - cũng là lý do khiến người ta cảm thấy lấn cấn. Chẳng hạn tại sao tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt mức cao nhất trong tám năm vừa qua khi số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động trong năm 2018 tăng 49,7% so với năm ngoái? Chẳng hạn tại sao vốn đầu tư của nước ngooài (tính cả vốn mà các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký) giảm khoảng 14% so với năm ngoái mà tăng trưởng GDP năm 2018 vẫn có thể ấn tượng như vậy?..
Người ta kinh ngạc khi hiện trạng rừng đang như thế, tác động từ hiện trạng này tới môi trường sống đã rất rõ ràng như vậy, hậu quả của thiên tai (cả lũ, lụt, sạt lở lẫn hạn hán) càng ngày càng thảm khốc, mà ông Phúc vẫn xem kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2018 đạt 10 tỉ Mỹ kim – giúp Việt Nam lọt vào nhóm năm quốc gia dẫn đầu toàn cầu về bán gỗ - là một trong những bằng chứng về những “tiềm năng” có tính… “chủ lực”, có thể “kiến tạo sức bật mới cho phát triển”!
***
GDP là cách gọi tắt Gross Domestic Product (tổng sản phẩm nội địa – diễn đạt ngắn gọn là toàn bộ chi tiêu của một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định). Bởi GDP thường được dùng để đánh giá mức độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia nên trong vài thập niên vừa qua, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam luôn đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm và “phấn đấu” đạt cho bằng được, nhằm chứng minh cả khả năng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của mình, lẫn kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là… ưu việt.
Theo thời gian, các chuyên gia kinh tế nhận ra, những số liệu liên quan đến tăng trưởng GDP không đồng nghĩa với ấm no, hạnh phúc. Tăng trưởng GDP của một quốc gia có thể rất cao nhưng theo sau đó, khoảng cách giữa giàu và nghèo có thể trở thành rất lớn, bất bình đẳng xã hội có thể tăng vọt, tài nguyên cạn kiệt, môi trường sống có thể bị hủy hoại trên diện rộng. Đó là lý do khái niệm tăng trưởng bền vững, phát triển bền vững xuất hiện. Trong thực tế, chẳng riêng các chuyên gia kinh tế mà một số viên chức hữu trách ở Việt Nam cũng thú nhận, dù luôn đạt hoặc vượt chỉ tiêu tăng trưởng GDP nhưng tiến trình phát triển ở Việt Nam càng ngày càng… thiếu bền vững.
Cho dù đã có không ít cơ quan truyền thông tại Việt Nam giới thiệu hàng loạt tài liệu, nhận định của các chuyên gia kinh tế trên thế giới, cảnh báo “mặt trái” của tăng trưởng GDP, chẳng hạn Nhịp Cầu Đầu Tư tóm tắt và giới thiệu cuốn “Wellbeing Economy: Success in a World Without Growth” (Nền kinh tế hạnh phúc: Thành công trong một thế giới không tăng trưởng) của Lorenzo Fioramonti, nhằm giúp người ta thôi ngộ nhận về tăng trưởng GDP (ví dụ đốn toàn bộ cây cối để bán sẽ giúp tăng trưởng GDP, còn giữ - chăm bón cây cối thì không và khác biệt thế nào, ai cũng có thể hình dung được) (3). Hoặc những chuyên gia kinh tế trong nước như Vũ Thành Tự Anh từng phân tích về hiệu quả đầu tư của Việt Nam với các quốc gia khác, so sánh chúng để chứng minh giá mà Việt Nam phải trả cho tăng trưởng GDP quá cao, rồi nhắc nhở GDP chỉ là phương tiện chứ không phải và không bao giờ là mục đích cuối cùng của nền kinh tế. Nếu tính cả những thiệt hại và chi phí do ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, căng thẳng xã hội... gây ra thì số liệu về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khó mà có thể như đã công bố (4)... Song hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn đổ tiền vào các cổng chào, tượng đài, quảng trường, trụ sở hành chánh và soạn – duyệt – triển khai đủ loại dự án, công trình khác, nếu không vô bổ thì chất lượng cũng thuộc loại “trời ơi, đất hỡi” để tăng trưởng GDP hàng năm đạt hay vượt… chỉ tiêu.
“Vòng nguyệt quế” của ông Phúc – tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08% - chắc chắn có sự góp phần của 8.000 tỉ đã rót vào Dự án mở rộng Quốc lộ 1 ở đoạn chạy ngang hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. “Vòng nguyệt quế” ấy mang lại vinh quang cho chính phủ do ông lãnh đạo, củng cố niềm tin vào sự tài tình, sáng suốt của tổ chức chính trị mà ông là một trong 16 trụ cột, còn hơn 5.000 hố, ổ đang hiện hữu trên bề mặt đoạn quốc lộ vừa kể, cũng như nghĩa vụ thanh toán cả vốn lẫn lãi cho các khoản vay trong lẫn ngoài nước để thực hiện thì thuộc về nhân dân Việt Nam… anh hùng! Đâu chỉ có thế, “vòng nguyệt quế” kiểu Nguyễn Xuân Phúc còn được kết bằng hết chục ngàn tỉ này, tới chục ngàn tỉ khác cho những dự án mà tổng vốn đầu tư liên tục tăng gấp đôi, gấp ba, ở vô số dự án kiểu như metro Cát Linh – Hà Đông, metro Bến Thành – Suối Tiên,…
***
Mê… vòng, đầu năm nay, ông Phúc từng gieo hoang mang cho các chuyên gia kinh tế trong và ngoài Việt Nam khi chỉ đạo Tổng cục Thống kê, đưa các dữ liệu liên quan đến hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp vào việc tính toán GDP, bất kể các chuyên gia kinh tế trong và ngoài Việt Nam cảnh báo, tính toán GDP theo kiểu đó vừa vô giá trị, vừa có thể làm lệch định hướng phát triển (5). Cũng vì mê… vòng, ông Phúc dõng dạc tuyên bố: Nếu tăng trưởng thấp thì đó là một cái tát vào mặt chính phủ (6).
Thủ tướng Việt Nam và các đồng chí của ông đã có cái… vòng mà họ muốn. Còn những cảnh báo kiểu như cảnh báo của Fioramonti (Chạy theo tăng trưởng GDP là dại dột, hệ thống kinh tế tốt là hệ thống trao cho dân chúng quyền lựa chọn hạnh phúc phù hợp với giá trị và động cơ của họ), hay Tôn Thất Nguyễn Thiêm (Động lực thúc đẩy tăng trưởng chỉ có thể thật sự lớn mạnh nếu bản thân tiến trình tạo dựng tài sản kinh tế được xây dựng trên cơ sở những cảm thụ có thật về hạnh phúc của con người. Tăng trưởng là điều kiện cần cho hạnh phúc nhưng mặt khác, tăng trưởng cần có hạnh phúc để trở thành phát triển bền vững! Tăng trưởng không thể đơn thuần chỉ là tạo ra của cải vật chất mà nhất thiết phải mang đến một luân lý tinh thần, bồi đắp các mối quan hệ giữa người với người trong công cuộc mưu cầu hạnh phúc của mỗi một cá nhân. Thiếu yếu tố đó, tăng trưởng vật chất sẽ dẫn đến khủng hoảng xã hội trầm kha, gây rối loạn nghiêm trọng, cản trở việc khởi động một tiến trình phát triển thật sự) (7) – thì ông Phúc cũng như các đồng chí không màng!
Tuy “vòng nguyệt quế” đủ lớn để hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam… nằm, kèm cam kết... không ngủ quên, dẫu cuối cùng, chính phủ không bị… tát vào mặt nhưng còn nhân dân? Ai sẽ đỡ cho hơn 90 triệu người những cái tát nảy lửa, liên tục giáng vào mặt họ từ đủ loại thuế, phí, giá xăng tăng, giá điện tăng, từ những rủi ro càng ngày càng khó lường định ở đủ mọi khía cạnh của đời sống? “Vòng nguyệt quế” kiểu Nguyễn Xuân Phúc có thể khiến hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam… tự do, thoải mái, vậy kiểu vòng nào phù hợp với ước vọng tự do, thoải mái của dân chúng Việt Nam?
Chú thích

No comments:

Post a Comment