Theo RFA-14-12-2018
Tư liệu: Bích chương chống nạn buôn người (AP Photo/Jae C. Hong)
Các hoạt động buôn người mà nạn nhân là người Việt Nam vẫn phát triển mạnh trước thềm năm dương lịch mới 2019. Theo các nguồn tin tổng hợp, nhiều nạn nhân là những phụ nữ bị lường gạt hoặc lừa tình, rồi bán sang Trung Quốc để bị bóc lột sức lao động, hoặc làm nô lệ tình dục. Trang mạng Asia Times nói một số nạn nhân khác là những thiếu nữ bị dụ dỗ trên mạng hoặc bị bắt cóc ở các chợ, cũng rơi vào cảnh nô lệ “mới”. Mặt khác, nhiều người Việt đã chi tiền cho những đường dây buôn người để mong có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở các nước Tây Phương. Báo Local Spain của Tây ban nha hôm 7/12 cho biết Europol-Cảnh sát Châu Âu vừa phá vỡ một đường dây buôn người Việt vào Tây Ban Nha.
Theo Asia Times, tại khu vực biên giới giáp ranh với Trung Quốc, nhiều người kể chuyện về những trường hợp phụ nữ bị buôn sang Trung Quốc. Có người có bà con, thân nhân bị bắt cóc, có những bà vợ, những thiếu nữ bỗng dưng mất tích, như trường hợp cô con gái tuổi teen của bà Vũ Thị Định tên Dua, mất tích hồi tháng Hai năm nay cùng với cô bạn thân tên Di ở Mèo Vạc, một huyện nghèo thuộc tỉnh Hà Giang. ở vùng núi non sát biên giới Trung Quốc.
Bà Định đã đi tìm con ở khắp mọi nơi, mang theo ảnh của hai cô gái 16 tuổi, mặc áo đầm trắng và đỏ. Giờ thì bà lo sợ hai cô đã bị bán sang Trung Quốc làm vợ.
“Tôi chỉ mong con tôi gọi về cho biết nó an toàn, chỉ cần nó nói ‘con đi rồi nhưng con vẫn an toàn, xin đừng lo cho con’.”
Bà Định chỉ là một trong vô số các bà mẹ có con mất tích, có phần chắc đã bị đưa sang Trung Quốc nơi mà tình trạng trai thừa gái thiếu dẫn tới tệ nạn buôn người.
Vẫn theo Asia Times, nhiều học sinh địa phương kể chuyện về một người chị họ hoặc em họ bị bắt cóc, nhiều người vợ bỗng nhiên biến mất trong đêm.
Nhiều bà mẹ như bà Định và bà Lý thị My, mẹ của Di, lo sợ sẽ không bao giờ được trông thấy con lần nữa. Bà Định không được tin gì về Dua từ khi con gái mất tích. Bà sợ hai cô gái đã bị bán làm vợ hoặc bị đưa vào các động mãi dâm ở Trung Quốc.
Nhiều người mất tích ở sát biên giới Trung Quốc là người Hmong, một trong các nhóm thiểu số nghèo nhất, bị cô lập nhất nước. Những kẻ buôn người thường nhắm vào những cô thiếu nữ tại những ngôi chợ cuối tuần. Một số bị dụ dỗ trên mạng như Facebook, những kẻ xấu đôi khi tán tỉnh các cô nhiều tháng trước khi ra tay, lừa nạn nhân sang Trung Quốc.
Một số người tự nguyện đi vì được hứa hẹn có việc làm tốt, nhưng trong nhiều trường hợp, nạn nhân bị đưa sang Trung Quốc trái với ý muốn.
Asia Times dẫn lời bà Lê Quỳnh Lan thuộc tổ chức phi chính phủ Plan International ở Việt Nam:
“Có người sang Trung Quốc để cố làm việc nuôi thân, nhưng lại rơi vào cái bẫy của những kẻ buôn người.”
Bà Lau Thị My, 35 tuổi, giận chồng say rượu, bồng con trai, đi theo một người hàng xóm sang Trung Quốc tìm việc. Người này hứa sẽ giúp bà tìm việc làm tốt nhưng bà bị lừa, bị cách ly với con, và bán đi tới 3 lần, trước khi một người đàn ông Trung Quốc mua đứt bà với 2,800 đôla. Sau 10 năm sống tù túng, bà dành dụm đủ tiền để đào thoát về nhà, nhưng đứa con vẫn bị thất lạc.
Asia Times tường thuật rằng theo các số liệu chính thức, Việt Nam có 3000 ca buôn người từ năm 2012 tới năm 2017. Tờ báo dẫn lời bà Lê Quỳnh Lan của Plan International nói con số trên thực tế chắc chắn phải cao hơn thế nhiều.
Mặt khác, nhiều người Việt Nam đã chi tiền cho các tổ chức buôn người để hy vọng có cơ hội làm lại cuộc đời ở các nước Tây Phương, tuy nhiên một số cũng rơi vào tình trạng bị khai thác sức lao động.
Báo Local Spain trích dẫn một phúc trình của Europol, Cảnh sát Châu Âu, cho biết tổng cộng 37 nghi can có dính líu tới đường dây buôn người Việt nam vào Tây Ban Nha đã bị bắt giữ hồi tuần trước sau một trong một chiến dịch kéo dài gần một năm trời.
Báo Tây Ban Nha này cho biết đường dây buôn người này đã đưa lậu 730 người Việt vào Tây Ban Nha. Mỗi người phải trả 18,000 euro, tương đương với USD $20,471, qua nhiều cách. Một là trả tiền mặt trước, hai là trả bằng đất hoặc tài sản ở Việt Nam, và cách thứ ba là làm việc không lương ở Châu Âu.
Báo địa phương cho biết nhiều người được đưa lậu vào Tây Ban Nha đã bị buộc phải lao động 12 giờ mỗi ngày tại các trung tâm làm móng, phải sống trong các điều kiện vô cùng tệ hại, và không được tự do đi lại. Mỗi ngày họ được đưa tới chỗ làm và đưa về dưới sự giám sát của những kẻ buôn người.
Local Spain cho biết chỉ tính từ đầu năm 2018 tới bây giờ, đường dây này đã thu về 13 triệu euro từ các hoạt động bất hợp pháp đó.
No comments:
Post a Comment