Friday, December 14, 2018

Quảng Trị muốn xây cảng 15 ngàn tỷ: nhu cầu thực sự hay ‘học đòi’?

 Trung Khang, RFA-2018-12-14   
Dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị
Dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị-Courtesy quangtri.gov.vn
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị vừa đề nghị thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, với tổng số vốn lên đến gần 15 ngàn tỷ đồng. Cảng này có đem lại hiệu quả kinh tế cho tỉnh Quảng Trị cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng cho Việt Nam khi bị nguồn vốn nước ngoài chi phối?

Tỉnh nào cũng muốn có sân bay quốc tế, cảng nước sâu

Khu cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị do Công ty cổ phần Liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy là nhà đầu tư được triển khai trên diện tích 685 ha, tổng quy mô gồm 10 bến phát triển, có thể đón tàu 100.000 DWT.
Dự án có tổng mức đầu tư 14.234 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 2.143 tỷ đồng; vốn huy động và vốn khác là 12.091 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là 50 năm.
Tôi thấy đề nghị này cần xem xét một cách cẩn trọng, bởi vì gần Quảng Trị đã có những cảng khác rồi, như cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, Nghệ An cũng có cảng rồi…
-TS Lê Đăng Doanh
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, dự án được phân thành 3 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2018 đến năm 2025 đầu tư 4 bến với tổng vốn đầu tư 4.946 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ năm 2026 – 2031 đầu tư 3 bến với tổng vốn đầu tư 4.980 tỷ đồng và giai đoạn 3 đầu tư 3 bến với tổng vốn đầu tư 4.308 tỷ đồng.
Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết:
“Tôi thấy đề nghị này cần xem xét một cách cẩn trọng, bởi vì gần Quảng Trị đã có những cảng khác rồi, như cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, Nghệ An cũng có cảng rồi… Thế bây giờ cảng Quảng Trị cần đến đâu, chi phí của nó, nhu cầu để xuất và nhập cái gì, điều đó cần phải được chứng minh. Để tránh việc xây cảng xong lại không sử dụng được, gây lãng phí, điều đó đã xảy ra ở nhiều nơi rồi.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc quyết định xây dựng cảng Mỹ Thủy ở tỉnh Quảng Trị thì cần phải lập một hội đồng độc lập để xem xét một cách rất là kỹ càng, nhất là trong tình hình ngân sách đang bội chi rất lớn và nợ công cũng đã ở mức cao đáng lo ngại.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long, cho biết ý kiến của mình:
“Một xu hướng ở Việt Nam là tỉnh nào cũng muốn có sân bay, địa phương nào có biển thì cũng muốn xây cảng. Trong luật đầu tư công đã tính, thứ nhất nguồn lực có hạn, thứ vấn đề xã hội hóa thì đầu tư có hiệu quả không có cần thiết không? Miền Trung thì đã có cảng Đà Nẵng, Quảng Nam cũng có cảng.v.v... Trong bối cảnh hiện nay thì nguồn vốn ở đâu? Hay là xã hội hóa? Theo tôi nghĩ cần xem xét thận trọng.”
Dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Courtesy quangtri.gov.vn
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 4 tháng 12 năm 2018, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, tư duy của tất cả tỉnh ở Việt Nam đều muốn có sân bay quốc tế và cảng nước sâu, là một tư duy không hay. Theo ông, bởi vì hạ tầng kết nối đầu tư phải trong phạm vi hợp lý và đảm bảo kết nối trong cả nước. Và Quảng Trị có thể sử dụng cảng nước sâu của Huế, Đà Nẵng.
Trả lời báo chí trong nước hôm 5 tháng 12, ông Nguyễn Tương, chuyên gia về logistics (1) cho rằng, ngoài những yếu tố khác, xây dựng cảng biển cần phải gắn với phát triển logistics, đặc biệt là kết nối với hệ thống giao thông tạo thành chuỗi vận hành khép kín. Ngoài ra, vị trí xây dựng cảng biển cũng phải gắn với các khu công nghiệp, nhà máy…
Theo ông Tương, không phải cứ phát triển cảng biển là đương nhiên logistics sẽ phát triển. Logistics muốn phát triển phải phụ thuộc vào nguồn hàng, hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó cảng biển là một hạ tầng quan trọng. Ông cho rằng, không phải cứ phát triển ồ ạt, chạy theo "mốt", chỗ nào cũng xây cảng, mua tàu được, cuối cùng cảng thì ế, tàu bỏ không vì không có hàng hóa vận chuyển.

Lo ngại nước ngoài chi phối

Theo Luật hàng hải Việt Nam, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có quyền được đầu tư phát triển cảng biển tại Việt Nam, nhưng phải đúng quy hoạch cảng biển của Việt Nam. Vì vậy, có khả năng nếu được chấp thuận Quảng Trị có thể sẽ kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Điều này cũng làm quan ngại nước ngoài với phần vốn góp lớn hơn sẽ chi phối một cảng biển có vị trí chiến lược về mặc quân sự như vùng biển miền Trung.
Phải cảnh giác những đối phương, những kẻ bành trướng mà cũng có thể nó thông qua hình thức gián tiếp. Có nghĩa nó sẽ đầu tư vào, nó sẽ dùng tiền, cái này mình phải xem xét thận trọng nguồn vốn từ đâu.
-TS Ngô Trí Long
Liên quan vấn đề này Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra ý kiến của mình:
“Ở Việt Nam thì các cảng biển đều có vị trí về mặt an ninh quốc phòng rất là nhạy cảm, cho nên cần phải xem xét. Chúng ta còn nhớ Quảng Trị ngày trước cũng là một chiến trường đẫm máu, hai bên giành từng tấc đất một. Cho nên cần phải xem xét vị trí chiến lược của Quảng Trị, và cũng cần phải cân nhắc việc giám sát cái quyền điều hành và sự chi phối của nhà đầu tư nước ngoài đến đâu? Nếu phía Việt Nam đóng góp có 2 ngàn tỷ mà chi phí lên đến 15 ngàn tỷ thì rõ ràng tài chính bị nước ngoài chi phối, đều đó cần phải được giám sát chặt chẽ.”
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng cần phải xem xét cẩn trọng vấn đề an ninh quốc phòng:
“Hiện nay thì thường thường các điểm nhạy cảm đối với biên giới đường biển của Việt Nam, ví dụ như Đà Nẵng có biên giới xung quanh và tiếp giáp biển Đông thì cũng phải cảnh giác những đối phương, những kẻ bành trướng mà cũng có thể nó thông qua hình thức gián tiếp. Có nghĩa nó sẽ đầu tư vào, nó sẽ dùng tiền, cái này mình phải xem xét thận trọng nguồn vốn từ đâu. Chứ không phải tiền từ trên trời rơi xuống, nên người ta sẽ xác định rõ được ngay.”
Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, vị trí như Quảng Trị mà xây một cái cảng với số vốn dự toán như vậy thì ông cho là quá lớn, cần xem mục đích của là gì? Chứ 15 ngàn tỷ mà vốn địa phương chỉ 2 ngàn tỷ, thì còn lại vốn xã hội hóa là của đối tượng nào? Tại Việt Nam thì hiện nay cũng ít một đối tượng nào đó bỏ số vốn như vậy.
Còn theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nếu phải đầu tư xây dựng cảng ở Quảng Trị, thì phải đầu tư như thế nào để đảm bảo hiệu quả, cũng như phải đảm bảo vấn đề quốc phòng an ninh và cần đưa vào những rào cản kỹ thuật để kiểm soát trong quá trình xem xét đầu tư.
---
(1) Quản trị logistics là một phần của quản trị chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

No comments:

Post a Comment