RFA-2018-12-13
Sinh viên tại trường Đại học Hà Nội.-AFP
Vấn đề không có lý tưởng cách mạng, bị kích động, đi ngược lại đường lối chính sách của đảng lại được ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập khi đến dự đại hội.
Do đó, ông yêu cầu sinh viên cần quan tâm rèn luyện chính trị, không để phai nhạt lý tưởng chính trị, sống thực dụng và xa rời truyền thống Việt Nam.
Đài Á Châu Tự Do có liên lạc với một số bạn sinh viên cũng như giới trẻ tại Việt Nam để tìm hiểu về sự việc và được bạn Cát Linh hiện đang sống tại Hà Nội chia sẻ với chúng tôi rằng, lý tưởng chính trị đối với giới trẻ hiện nay là một điều gì đó xa vời không có thực tiễn.
“Em nghĩ giới trẻ VN nghĩ về lý tưởng cách mạng thì nó đã phai nhạt nhiều và ngay cả bản thân em nó cũng đã phai nhạt dần, không còn cảm giác gì cả. Bời vì mình học toàn những thứ được tuyên truyền và hầu như cái gì cũng tốt, giờ mình nghĩ lại thì nó cũng không hoàn toàn là như thế, được tô vẻ lên rất nhiều cho nên nói về lý tưởng cách mạng trong lòng giới trẻ hiện nay thì CL thấy nó hơi xa vời.”
Em nghĩ giới trẻ VN nghĩ về lý tưởng cách mạng thì nó đã phai nhạt nhiều và ngay cả bản thân em nó cũng đã phai nhạt dần, không còn cảm giác gì cả.
- Sinh Viên
Một bạn trẻ khác tên Ngọc cũng ra trường được vài năm và hiện đang làm việc tại Hà Nội trao đổi với chúng tôi rằng, bạn không quan tâm đến chính trị hay lý tưởng cách mạng, bạn cho rằng nó là môt điều gì đó mơ hồ.
“Em không quan tâm anh ơi, đối với em cách mạng nó là một cái gì nó rất là mơ hồ, nó quá chung chung và nó không liên quan gì đến cuộc sống hằng ngày của em cả. Và nó là những cái mà người chỉ hô hào thôi, em không thấy nó hiện hữu và nó không có gì liên quan gần gần đến cuộc sống của em cả. Cho nên phải định nghĩa được cách mạng nó được thể hiện qua các điều nào, đối với em từ trước đến nay cái đó vẫn là cái gì chung chung và không có thực tiễn và chỉ mang tính cổ động thôi.”
Ngoài ra, bạn Ngọc còn chia sẻ thêm rằng, sự quan tâm chính trị đối với giới trẻ Việt Nam hiện nay khắc hẳn so với thời còn đi học của bạn này.
“Khi học lớp 11, 12 học về mấy bài liên quan lịch sử về tuyên ngôn…. Thì em thấy như học công thức ấy và em không bao giờ cố gắng hiểu hoặc cắt nghĩa những chuyện ấy như thế nào. Nhưng giới trẻ bây giờ tụi nó có nhiều thắc mắc hơn, có phản biện hơn khi nghe bất cứ cái gì nó đều phân tích chứ nó không nghe như mình hồi xưa nữa và những cái quan tâm đời sống chính trị thì nó không phải là lớn lao đâu.”
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, một nhà quan sát chính trị hiện đang sống tại Nha Trang cho chúng tôi biết, phai nhạt lý tưởng cách mạng nó không phải đặc biệt đối với sinh viên mà ngay cả Đảng viên và nhiều tầng lớp khác nhau của xã hội.
“Theo tôi mọi tầng lớp đều có độ phai nhạt chính trị hết, đúng là sinh viên so với trước đây thì độ phai nhạt nó mạnh hơn rất nhiều so với tầng lớp cựu chiến binh. Lớp trẻ được tiếp cận nhiều thông tin và thứ hai do cuộc sống bây giờ khác hồi xưa về vật chất và giải trí nó đa dạng hơn thì bản chất của giới trẻ thì họ sẽ quan tâm nhiều đến giải trí hơn. Do tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhiều vấn đề khác chi phối cho nên chắc chắn so vơi thế hệ chúng tôi thì phai nhạt lý tưởng mạnh hơn rất nhiều, nói thẳng ra hồi đó chúng tôi còn ngu lắm, bây giờ tụi trẻ bớt ngu rồi mặc dù các ông nhà nước vẫn cố gắng níu kéo đó nhưng cũng không được mấy đâu.”
Cũng tại Đại hội Sinh viên Việt Nam, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng một bộ phân sinh viên thiếu động cơ học tập, là đối tượng dễ bị kích động, lôi kéo và tham gia vào các hoạt động trái với quy định của pháp luật nên chưa chuẩn bị tốt để khởi nghiệp và lập nghiệp.
Cát Linh từ Hà Nội chia sẻ “Thứ nhất em nghĩ là mình cũng nhìn nhận lại nền giáo dục VN bởi vì giáo dục VN không dạy cho học sinh cách phản biện và cách phản ứng trước những thông tin đa chiều mà hiện nay trong đất nước VN không có nhiều thông tin đa chiều ngoài mạng xã hội ra. Thứ hai nói về học sinh bị kích động lôi kéo bởi các thế lực thù địch, ông nói như thế cũng là một phần coi thường người dân và giới trẻ. Vì mặc dù ông có thể nói rằng là nền giáo dục kém nhưng mà mỗi người đều có một quan điểm riêng, tư duy riêng chứ không ai giống nhau cả cho nên dứng trước những vấn đề khác nhau thì người ta cũng biết phân biệt đúng sai.”
Một thầy giáo hiện đang làm giảng viên tại một trường đại học tại Sài Gòn không muốn nêu tên chia sẻ với chúng tôi rằng, việc sinh viên có thể bị kích động, lôi kéo tham gia hoạt động trái luật thì đối với các sinh viên đang theo học trong môi trường của Việt Nam điều này rất khó xảy ra và hoàn toàn không dễ dàng. Cho nên việc nói như vậy chỉ là câu cửa miệng thôi.
Ngoài ra, vị giảng viên còn cho biết thêm, không phải vì công nghệ phát triển nên việc tiếp cận thông tin dễ dàng mà các bạn trẻ có thể quan tâm đến chính trị mà các bạn chỉ quan tâm vấn đề mang tính giải trí là chính.
“Ngay cả học viện báo chí tuyên truyền khi được hỏi về tình hình chung thì rất là quan tâm chính trị nhưng khi mà hỏi thủ tướng hoăc phó thủ tướng thì họ không phân biệt được là ai mà. Thật ra mối quan tâm của họ là đối với công nghệ 4.0 đang phát triển thì việc tiếp cận thông tin mang tính giải trí nhiều hơn thật sự quan tâm chính trị. Như thế nào là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa thì đâu có phân biệt được, hay là kinh tế tư bản và kinh tế thị trường như thế nào đâu có phân biệt được đâu chỉ biết lơ mơ vậy thôi.”
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này được nói tại các đại hội, hội nghị toàn quốc. Vào ngày 11/12/2017 tại đại hội đoàn toàn quốc, ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói rằng các đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cần tránh “nhạt đảng, khô đoàn, xa rời chính trị". Trước đây, ông Trọng cũng từng nhắc đến cụm từ này trong một văn bản về giáo dục tư tưởng từ năm 2009.
No comments:
Post a Comment