Trung Khang, RFA 2018-12-13
Nông dân xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.-Courtesy of Nông Nghiệp
Tình trạng thương lái thu mua lúa non ồ ạt, bất thường ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre trong những ngày qua lại khiến nhiều người cảm thấy hoang mang bởi không biết mục đích phía sau của sự việc này là gì?
Nghi ngờ thương lái Trung Quốc đứng sau
Vào ngày 10 tháng 12 năm 2018, ông Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, xác nhận với báo chí việc thương lái đến địa phương mua ruộng lúa với tổng diện tích gần 7.000 m2, rồi tổ chức thu hoạch khi lúa đang ngậm đòng hoặc vừa trổ bông. Hình thức mua này được người dân Miền Tây gọi là mua ‘mão’.
Ông Nhân cho biết, hiện vẫn chưa rõ về giá cả cũng như mục đích mua lúa non của thương lái, chỉ mới nghe người dân nói thương lái mua lúa non là để làm… thuốc nam”.
Theo ông Nhân, người mua lúa non tên Dương Văn Ba, sống ở Sài Gòn. Khoảng vài năm gần đây, vào mùa thu hoạch lúa thường xuống để mua gốc rạ của nông dân, nói là để mang lên thành phố Hồ Chí Minh làm thuốc nam. Ông Nhân cho biết thêm, riêng năm nay ông Ba đến đây hỏi mua lúa lúc còn đang ngậm đòng hoặc vừa trổ bông, khiến dư luận địa phương nghi ngờ ông mua để bán lại cho thương lái Trung Quốc.
Ở miền Nam, thì tôi bao giờ thấy người ta thu hoạch lúa non để sản xuất thực phẩm hay làm thuốc hay làm thứ gì khác cả. Tôi cho rằng hiện tượng này là hiện tượng không bình thường, tôi nghĩ chắc là có vấn đề gì đó ở đây.
-TS. Đặng Kim Sơn
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, cho biết:
“Chắc chắn nếu có hiện tượng mua lúa non thì đó là hiện tượng không bình thường. Theo tôi được biết, về mặt kinh tế, về mặt kỹ thuật, ở miền Bắc thì người ta có lấy lúa non về để làm cốm. Thế còn ở miền Nam, thì tôi có bao giờ thấy người ta thu hoạch lúa non để sản xuất thực phẩm hay làm thuốc hay làm thứ gì khác cả. Tôi cho rằng hiện tượng này là hiện tượng không bình thường, tôi nghĩ chắc là có vấn đề gì đó ở đây.”
Để tìm hiểu thêm sự việc, Đài Á Châu Tự Do liện lạc Hội nông dân huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre và được trả lời như sau:
“Cái này phải gặp lãnh đạo… chứ e không dám cung cấp thông tin anh ơi… Cũng vài ba hộ thôi à… một hai hộ gì đó… Lúa non mới ngậm sữa thì làm gì làm thuốc… cái lý đưa ra là không đúng rồi. Cái này chưa có nắm kỹ anh ơi… cái này anh gặp lãnh đạo giùm em nhe anh. Anh trao đổi với lãnh đạo chứ cái này em cũng không dám trao đổi rộng nữa. Anh thông cảm dùm em nhe.”
Chưa từng nghe làm thuốc từ lúa non?
Tin cho biết, đây là lần đầu tiên tình trạng thu mua lúa non ồ ạt diễn ra ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Theo tìm hiểu của Báo Đất Việt, đơn vị đứng sau thu mua được xác định là Công ty Núi Cam Xanh ở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Công ty này khẳng định việc thu mua lúa non của mình để làm dược liệu chứ không phải xuất sang Trung Quốc như dư luận đang lo lắng. Tuy nhiên, công ty này không chia sẻ công năng của lúa non làm dược liệu có công dụng chữa bệnh gì hay chăm sóc sức khỏe cho con người như thế nào.
Chúng tôi liên lạc Hội đông y huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, và được vị lương y phụ trách Hội cho biết ý kiến:
“Không có lấy lúa non làm thuốc… không có nghe cái đó… cũng như không có thấy tài liệu nào làm cái đó cả…”
Lương y Nguyễn Văn Minh ở Sài Gòn cũng cho biết chưa từng nghe chuyện lấy lúa non làm thuốc:
“Từ xưa đến giờ mình không nghe chuyện dùng lúa non làm thuốc bao giờ cả. Còn nếu có công trình nghiên cứu gì mới thì mình không biết. Chứ còn bản thân thì chưa đọc và cũng chưa nghe ai nói là dùng lúa non để chữa bệnh đâu.”
Cũng cùng quan điểm, Phòng khám đông y Nguyễn Hữu Trường ở thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết:
“Phòng khám thì không có dùng lúa non để làm vị thuốc, tuy nhiên chúng tôi chỉ có dùng lúa mạch, mạch nha thôi, còn lúa non thì mình không có cái vị thuốc đó.”
Âm mưu của Trung Quốc thì chúng ta không thể lường trước được. Còn về chuyên môn thì tôi thấy hoàn toàn không thuyết phục trong việc mua lúa non đại trà để làm thuốc.
-Đông y sĩ Nhất Nguyên
Đài Á Châu Tự Do liên lạc Đông y sĩ Nhất Nguyên, hiện sống và làm việc tại Houston, Hoa Kỳ để tìm hiểu rõ về vấn đề này và được ông cho biết:
“Theo kiến thức và theo kinh nghiệm của tôi, tôi chưa từng nghe chuyện thu mua lúa non hàng loạt để làm thuốc. Riêng về chuyên môn lúa non thì chỉ có lúa mạch non thì có những bài thuốc về dinh dưỡng sắc đẹp… trong những bài thuốc dân gian, đơn giản. Vì vậy tôi nghi ngờ có âm mưu Trung Quốc sau chuyện này, trong lịch sử đã nhiều lần thương lài Trung Quốc mua móng trâu, rắn, chuột, mèo, mua lá điều… những điều đó đã làm xáo trộn đời sống người dân chúng ta. Quay trở lại vấn đề lúa non, có thể là nó sẽ không ảnh hưởng vấn đề ăn uống trong nước, nhưng về vấn đề xuất khẩu thì tôi nghĩ có thể ảnh hưởng, âm mưu của Trung Quốc thì chúng ta không thể lường trước được. Còn về chuyên môn thì tôi thấy hoàn toàn không thuyết phục trong việc mua lúa non đại trà để làm thuốc.”
Trong nhiều năm qua tại Việt Nam, chuyện thương lái Trung Quốc thu mua các loại nông sản, thủy sản mà thường ít ai mua, bị nghi ngờ mang tính chất phá hoại, hoặc gây hoang mang, không còn là chuyện hiếm.
Chẳng hạn như vụ thu mua cá lìm kìm gai ở vùng U Minh của tỉnh Cà Mau, hay các vụ thu mua rễ cây Tờ Trung, lá nhàu, rễ tiêu… ở Tây Nguyên… khiến người dân bỏ ruộng chuyển đổi cây trồng, phá rẫy, săn lùng tận diệt các loài đang có giá cao mà không quan tâm đến hệ quả về sau. Cho đến nay các địa phương cũng không hề biết được mục đích chính thật sự của thương lái Trung Quốc là gì?
Cụ thể việc thu mua lúa non ở Bến Tre lần này, khi trả lời báo chí hôm 11 tháng 12, ông Lê Văn La, trưởng Phòng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện Bình Đại cũng chỉ nói chưa có thông tin rõ ràng.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhận định:
“Theo cơ chế thị trường thì có người mua thì có người bán, nhưng theo chính sách của mình là chính sách bảo vệ lương thực thì chắc chắn không ai ủng hộ một cái cách mua bán lúa non như thế cả. Bởi vì người nông dân sản xuất lúa là để làm ra gạo, để sản xuất lương thực, đảm bảo an ninh lương thực. Không ai lại cắt lúa non để bán dưới dạng như thế cả.”
Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nếu mà bán như thế thì một vài vụ thì có thể được, về lâu về dài thì hậu quả sẽ khó lường? Theo ông nghĩ, đây là một cách làm không vững bền, và hiệu quả của nó thì thật rất là đáng nghi ngại.
No comments:
Post a Comment