SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Chiều 9 Tháng Mười Một, dư luận xôn xao trước tin ông Lê Bạch Hồng, cựu thứ trưởng Lao Động, Thương Binh và Xã Hội, cựu tổng giám đốc Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam, bị bắt.
Cổng thông tin điện tử của Bộ Công An CSVN cho biết vụ bắt giữ ông Hồng nằm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam, Công Ty ALCII (thuộc Ngân Hàng Agribank) và các đơn vị có liên quan.
Ông Hồng được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam vào năm 2008 và “nghỉ hưu theo chế độ” năm 2014.
“Hiện Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An đang tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án và thu hồi tài sản cho nhà nước,” trang web nêu trên viết.
Bị bắt cùng ngày với ông Hồng là ba cựu quan chức cao cấp khác cũng của Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam.
Báo Zing dẫn kết luận của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương cáo buộc ông Hồng “đã không chỉ đạo, đề xuất báo cáo Ban Cán Sự Đảng thực hiện việc bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc cho phù hợp chức năng nhiệm vụ; không chấp hành đúng quy chế làm việc; thông báo số kết dư quỹ bảo hiểm y tế năm 2010 không đúng chế độ quản lý tài chính; chưa nghiêm túc trong việc chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong việc cho vay tiền không đúng”.
Truyền thông Việt Nam nói mấu chốt của vụ án này là Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam ký 14 hợp đồng cho vay với Công Ty ALCII với tổng số tiền hơn 1,000 tỷ đồng ($42.6 triệu) vào năm 2008. Trong đó, 13 hợp đồng thời hạn từ 2 đến 5 năm với số tiền là 810 tỷ đồng ($34.5 triệu) và một hợp đồng ngắn hạn 200 tỷ đồng ($8.5 triệu, đã được thu hồi khi đến hạn). Đến giữa năm 2009, ALCII bắt đầu không thanh toán lãi hàng tháng và gốc khi đến hạn của các hợp đồng. Đến Tháng Mười Hai, 2016, tòa án ở Sài Gòn ra phán quyết mở thủ tục phá sản đối với ALCII.
Trên mạng xã hội, nhiều blogger gọi thẳng tội của ông Hồng cũng như các giới chức khác của Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam bị bắt vì tội thụt két. Công luận nêu quan ngại về nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội khiến hàng chục triệu người lao động ở Việt Nam mất sổ hưu dù họ vẫn đều đặn đóng tiền cho quỹ này mỗi tháng.
Một số blogger viết: “Đè cổ dân ra đóng bảo hiểm xã hội thật nhiều để cho bọn quan chức phá hết rồi lại tận thu và gia tăng tuổi hưu vì nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm. Đúng là chuyện chỉ có ở Việt Nam.”
Báo Dân Trí hồi Tháng Tư, 2018 dẫn lời ông Lê Đình Quảng, phó ban Quan Hệ Lao Động, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam: “Thời gian qua, trong các lý do đề xuất tăng tuổi hưu, một số ý kiến cho rằng có nguyên nhân sâu xa nhằm tránh nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội ở giai đoạn sau này. Họ lập luận rằng, theo dự báo của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) tới năm 2034, quỹ bảo hiểm xã hội tại Việt Nam sẽ mất cân đối nghiêm trọng. Thậm chí có tài liệu còn cho rằng, tới năm 2034 có nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội. Đây là một nhận định hoàn toàn chưa có căn cứ.”
Tuy vậy, phát ngôn của ông Quảng ở thời điểm đó được công luận nhìn nhận là chỉ nhằm mục đích tuyên truyền, trấn an người dân trong lúc niềm tin vào quỹ bảo hiểm xã hội ngày càng vơi đi vì các vụ bê bối của giới chức. (T.K.)
No comments:
Post a Comment