TTO - Không còn lén lút chặt phá từng cây, nhiều người ngang nhiên đưa cả máy ủi loại lớn vào ủi toàn bộ cả vùng rừng tự nhiên Khe Cau - huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị.
Nhiều năm nay, hàng trăm hecta rừng phòng hộ ở thượng nguồn sông Bến Hải, phía tây huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bị nhiều đối tượng phá rừng, chiếm đất.
Phóng viên Tuổi Trẻ đã tiếp cận và ghi nhận cận cảnh máy ủi được đưa vào vùng rừng Khe Cau (xã Vĩnh Hà, Vĩnh Linh) ngang nhiên ủi trọc một vùng rừng dày đặc liên tục trong 3 ngày mà không hề bị kiểm lâm hay chính quyền địa phương ngăn chặn.
Chiều 7-10, phóng viên Tuổi Trẻ đã bí mật tiếp cận khu vực này. Cách vùng mà dân địa phương gọi là Khe Dừa, Bến Cùng gần một cây số đã nghe tiếng máy gầm rú.
Luồn rừng thêm khoảng vài trăm mét bắt đầu nghe tiếng cây rừng đổ toang toác như có bão lớn quét qua. Nơi phát ra tiếng máy gầm rú là một dãy đồi khá cao nằm ngay giữa Bến Cùng, cách mép thượng nguồn sông Bến Hải vài trăm mét.
Dãy đồi này vẫn còn là rừng tự nhiên nguyên sinh nên xanh ngắt. Phải đến khi nguyên vùng đỉnh đồi này bị "cạo trọc" thì chiếc máy ủi hạng nặng mới hiện ra.
"Nay thì đưa luôn máy vô ủi sạch toàn bộ. Chỉ mới hai tiếng buổi chiều mà cả vạt rừng mấy hecta đã bị cạo sạch" - ông N. nói.
Sáng 8-10, chiếc máy ủi tiếp tục leo lên đỉnh đồi kế tiếp, cày xới từng đường dọc từ đỉnh xuống tận chân đồi rồi sau đó ủi rộng ra theo chiều ngang.
Ở mỗi đường ủi hơn 4 mét máy đi qua, hàng loạt cây rừng tự nhiên cao trên chục mét đổ la liệt.
Đến ngày 9-10 thì toàn bộ hai dãy đồi đều bị ủi trọc hoàn toàn như chưa hề có rừng tồn tại ở đây.
Ở ngay mấy quả đồi khác trước mặt và bên cạnh vị trí này cũng đã bị một số người khác ủi sạch. Tổng diện tích ước tính lên tới hàng trăm hecta.
Đặc biệt là ở khu vực dãy đồi ngay bên cạnh, hiện cũng thuộc đất rừng phòng hộ mấy năm trước còn là rừng tự nhiên dày đặc, nay đã chỉ thấy cây keo tràm mới trồng lại tầm hơn tháng tuổi.
Ông N. nói khu rừng này đã bị tàn phá từ khoảng 4 năm trước để trồng keo tràm và đã thu hoạch. Đợt keo tràm này là trồng lại sau khi thu hoạch.
Lần theo thông tin có được, chúng tôi biết người vừa cho máy ủi cạo trọc các ngọn đồi như trong clip đã ghi nhận được là ông V.T. - trú tại làng thanh niên lập nghiệp tây Vĩnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông T. thừa nhận mình là người thuê máy ủi vào ủi rừng và cũng xác nhận tình trạng rừng ở khu vực vừa ủi là rừng tự nhiên.
"Bốn năm trước tui có phát thủ công một số đám nhỏ cây rừng thưa thớt ở mạn phía đông của quả đồi rồi đưa một số keo tràm vào trồng. Còn cây tự nhiên to tui để lại hết. Mạn tây thì hoàn toàn tự nhiên", ông T. cũng cho biết thêm.
Về khu vực rừng phòng hộ khoảng ba chục hecta bên cạnh, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phúc - giám đốc xí nghiệp 2, thuộc công ty lâm nghiệp Bến Hải xác nhận chính ông là người đã đưa máy vô ủi khu vực rừng này.
Tuy nhiên, theo ông Phúc, ông được một số người khác thuê. Và thời điểm ông Phúc ủi 4 năm trước đã có người trồng một lứa keo tràm rồi. Ông vô ủi để trồng lại.
Từ tọa độ nơi ông T. và ông Phúc thừa nhận ủi rừng, Trung tâm điều tra, quy hoạch thiết kế nông lâm tỉnh Quảng Trị xác nhận tất cả đều thuộc quy hoạch rừng phòng hộ.
Vị trí mới bị ủi và vị trí ông Phúc ủi trước đây có một nửa là rừng phòng hộ tự nhiên. Một nửa là rừng trồng phòng hộ.
Trung tâm này cũng khẳng định rừng trồng phòng hộ thì cũng phải là nhà nước trồng và quản lý chứ không phải để dân trồng để trục lợi riêng. Qua hệ thống vệ tinh, trung tâm này cũng truy xuất lại tình trạng rừng ở những khu vực trên ở thời điểm năm 2006, 2014 và 2017 để so sánh.
Hình ảnh trên vệ tinh cho thấy ở khu vực 25 hecta rừng mà ông Phúc nhận chính mình ủi thời điểm 2014 vẫn đang còn là rừng tự nhiên chứ không phải đã bị ủi và trồng keo tràm trước đó như ông Phúc nói.
Ảnh vệ tinh khu vực khoảnh rừng hàng chục hecta mà ông Phúc đã ủi 4 năm trước cho thấy thời điểm năm 2014 đây vẫn là vùng rừng tự nhiên - Ảnh: QUỐC NAM
Tuy nhiên, theo báo cáo ngày 12-10 của hạt kiểm lâm Vĩnh Linh gửi UBND huyện Vĩnh Linh và chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, khu vực rừng bị ủi là rừng sản xuất của người dân. Những người này đã trồng trước đó, nay ủi để trồng lại. Chứ không phải là rừng phòng hộ.
Báo cáo này xác nhận có chuyện máy ủi ủi một số điểm chưa có rừng trồng, nhưng là dây leo và cây bụi chứ không phải rừng tự nhiên (?!)
Ông Võ Văn Sanh, chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà (theo quy định là chủ rừng) cho biết đã nhận được báo cáo của hạt kiểm lâm gửi nhưng thấy báo cáo này "không ổn" nên sẽ thành lập đoàn vào rừng xác định lại cụ thể.
Theo ông Sanh, hiện vùng rừng này đang nhập nhằng việc quản lý.
"Hiện trên danh nghĩa thì của xã quản lý nhưng phía lâm trường Bến Hải mới chỉ bàn giao bằng miệng. UBND xã đã có văn bản đề nghị huyện và tỉnh có biên bản bàn giao cụ thể. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở ngành liên quan giải quyết ngay sau đó. Nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Tý - Chi cục trưởng kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho biết: "Ai cho người dân vào ủi rừng, trồng tràm thì người đó phải chịu trách nhiệm. Nếu không ai cho mà dân tự trồng thì chủ rừng và kiểm lâm phụ trách địa bàn phải chịu trách nhiệm".
Ông Võ Văn Hưng, giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết việc để phá rừng chiếm đất là không thể chấp nhận.
"Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm túc và quyết liệt. Sai đến đâu phải xử lý đến đó. Không có chuyện bao che. Có thể sẽ phải đề nghị khởi tố và quy trách nhiệm cụ thể", ông Hưng khẳng định.
QUỐC NAM
TƯỜNG VY
BẢO SUZU
No comments:
Post a Comment