Thanh Lam/13/10/2018
Nhà báo John Reed của tờ Financial Times đã có bài chia sẻ thẳng thắn về nền giáo dục Việt Nam với tiêu đề “Education in Vietnam: very good on paper”. Để thực hiện bài viết, ông đã đến tham quan và có những cuộc tiếp xác với học sinh, sinh viên, giáo viên, nhà nghiên cứu giáo dục trên địa bàn Hà Nội.
Theo đó, nhà báo này cho rằng: Kết quả thi tốt là tiêu chí đầu tiên đánh giá bạn có giỏi không trong nền giáo dục ở đây. Tuy nhiên, nó sẽ không giúp học sinh chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo.
Mỗi năm ở Việt Nam đều tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học kèm theo sự mong đợi cao của các bậc cha mẹ, sự cạnh tranh từ các học sinh khắp nơi. Để chuẩn bị cho kỳ thi đó, mỗi tuần đều có những bài kiểm tra với mức độ khó tăng dần trong các trường học
Cô bé Nguyễn Thị Phương Thảo nói với John Reed: “Có rất nhiều bạn học rất giỏi và tài năng, nó khiến em cảm thấy áp lực.” Thảo muốn trở thành nhà báo, nhưng môn học yêu thích lại là toán học, nguyên nhân là vì cha mẹ cô “bắt buộc” học từ khi còn bé.
Còn Nguyễn Tùng Chi, sinh viên năm thứ hai Đại học, dự định sẽ làm việc trong lĩnh vực marketing, chia sẻ: “Mục tiêu ban đầu của em cũng là vào một trường Đại học top đầu. Hầu hết các bạn cùng lớp đều bị ám ảnh với điểm tốt.”
Tuy nhiên, trong các bảng xếp hạng về giáo dục, Việt Nam lại ở vị trí vượt trội so với các nước láng giềng ở Đông Nam Á, điều đó cũng tương tự đối với bảng xếp hạng toàn cầu. Điểm xếp hạng cao giúp cho Việt Nam đứng thứ 48 trong chỉ số vốn nhân lực của Ngân hàng Thế giới - thứ hạng cao nhất đối với bất kỳ quốc gia có thu nhập trung bình thấp nào. Thành tích giáo dục này thậm chí nổi bật hơn cả mức tăng trưởng kinh tế.
Giáo dục chiếm tới 6% GDP ở Việt Nam, đó là mức cao theo tiêu chuẩn toàn cầu ngay cả khi so với hầu hết các nước láng giềng. Ngoài việc đầu tư của chính phủ vào các trường học, các nhà nghiên cứu đánh giá điểm mạnh của trẻ em Việt Nam nằm ở tính văn hóa và lịch sử.
Thế hệ dưới 20 tuổi hiện tại của Việt Nam là nhóm nhân khẩu học đặc biệt. Đó chính là những thí sinh sẽ cạnh tranh quyết liệt cho vị trí trong các trường đại học top đầu, xa hơn là vị trí công việc trong nền kinh tế đang trải qua quá trình biến đổi sâu sắc dưới sự tác động của công nghệ và toàn cầu hóa.
Hoàng Kim Ngọc, 24 tuổi, giáo viên tiếng Anh tại trường Nguyễn Huệ, cho biết: “Thế hệ cha mẹ của những em học sinh đã phải làm việc chăm chỉ, cật lực để vươn lên thoát khỏi nghèo nàn và họ nhận ra cách nhanh nhất để làm điều đó là tri thức. Nhu cầu của lực lượng lao động hiện tại rất cao. Thế giới đang tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nơi chúng ta không chỉ phải cạnh tranh với máy móc công nghệ, mà còn cần phải kiểm soát chúng.”
Trong khi đó, Phạm Hiệp - nhà nghiên cứu về giáo dục đại học - cho rằng thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế của Việt Nam một phần là do chương trình giảng dạy được thiết kế tốt về mảng toán học và khoa học. Việc dạy kèm thêm toán học và các môn học khác ngoài trường học cũng rất phổ biến.
Nhà nghiên cứu cho rằng, còn một yếu tố khác khi nhắc tới những vấn đề tồn tại của Việt Nam đó là sự cạnh tranh khốc liệt tại các trường đại học khi Việt Nam đang trải qua giai đọan bùng nổ dân số. “Nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu.” Các trường đại học tư ở Việt Nam đến nay mới chỉ đào tạo khoảng 15% tổng số sinh viên thấp hơn so với các nước láng giềng trong khu vực như Philippines, Malaysia và Trung Quốc.
Hệ thống giáo dục của Việt Nam đã làm khá tốt trong việc giúp cho trẻ em có những kết quả cao trong các bài kiểm tra, đặc biệt là trong toán học và khoa học. Nhưng nếu đặt vấn đề về việc giáo dục tư duy và lý luận cho học sinh thì chưa chắc đã đúng. Điểm số của bài kiểm tra có thực sự đáng tin cậy?
Bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới mà Việt Nam tham gia dựa trên các bài kiểm tra Chương trình Đánh giá Sinh viên Quốc tế (Pisa), do OECD điều hành dành cho học sinh 15 tuổi. Tuy nhiên, đã có ý kiến cho rằng kết quả bị ảnh hưởng bởi trong quá trình diễn ra ở Việt Nam, trẻ em đã được làm mẫu sẵn khiến cho bảng tổng kết trông đẹp hơn. Trên thực tế, có rất nhiều trẻ em Việt Nam đã bỏ học ở tuổi 15.
Những học sinh bỏ học có khuynh hướng nghèo hơn và kết quả học tập dưới mức trung bình, còn những học sinh khá hơn và ham học hơn giúp cho kết quả tổng thể tăng lên đáng kể.
John Jerrim, giảng viên tại Viện Giáo dục Đại học London, thẳng thắn chia sẻ: “Bài kiểm tra Pisa cho Việt Nam bị lệch, dường như nó chỉ bao gồm những đứa trẻ có thành tích cao. Đây là nguyên nhân quan trọng giải thích tại sao Việt Nam đã làm tốt.” Ông Jerrim cũng nói thêm rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với một “nghịch lý” trong tương lai, vì việc cải thiện giáo dục có nghĩa là ngày càng có nhiều trẻ em ở lại trường. Điểm số Pisa sẽ có khả năng giảm hơn là tăng.
Tuy nhiên, ông cũng đưa ra đánh giá khách quan rằng ngay cả khi đưa các thống kê bất thường vào bảng xếp hạng, “Việt Nam có thể làm khá tốt so với các nước khác có cùng mức độ phát triển”. Chính phủ Việt Nam đã theo đuổi cải cách giáo dục trong hơn một thập kỷ, tập trung vào việc giảm khối lượng môn học của sinh viên, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào giáo dục đại học, và cải thiện giáo dục đào tạo nghề. Kết quả cho đến nay chưa được như mong đợi. Những đứa trẻ được học cách làm sao để vào được các trường danh tiếng, nhận được một công việc dựa trên số điểm hơn là kỹ năng riêng. Ngay cả các chuyên gia nước ngoài cũng đã có thể nhận ra điều đó, chứ không cần làm việc lâu năm trong ngành giáo dục như nhiều vị quan chức ở ta.
Theo Financial Times
No comments:
Post a Comment