Theo VOA-Trân Văn/20/09/2018
Biếm họa "Dịch chuyển đám mây điện toán" được lan truyền trên Facebook trong thời gian Quốc hội biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng.
Cuối cùng, ông Lê Hữu Vinh và vợ vẫn phải đến trụ sở công an xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa để “làm việc”làm việc vì liên quan đến “một số vấn đề về an ninh mạng, an ninh thông tin”...
Ngày 15 tháng 9, sau khi đi họp về chuyện học hành của con tại trường Mầm non Thọ Thanh, bà Lê Thị Mai – vợ ông Vinh – kể trên facebook rằng, Ban Giám hiệu trường này đưa ý định mua TV hiệu Panasonic loại 43 inches cho học sinh ra “hỏi ý kiến phụ huynh”. Vì giá TV là chín triệu/cái nên mỗi đứa trẻ phải đóng 220.000. Theo tính toán của trường thì dù phụ huynh phải đóng tới chừng đó nhưng vẫn chưa đủ tiền, thành ra Ban Giám hiệu sẽ bù số còn thiếu (khoảng 50%) – nghĩa là phụ huynh chỉ phải đóng một nửa, nửa còn lại Ban Giám hiệu sẽ “bù”.
Cứ như những gì bà Mai đã kể thì chẳng phải bà mà những phụ huynh khác cũng không tán thành. Trong số này có một phụ huynh chuyên kinh doanh đồ điện tử. Ông tình nguyện thay trường đứng ra mua TV, cũng hiệu Panasonic, cũng loại 43 inches nhưng giá chỉ có sáu triệu/cái. Với giá này, nếu Ban Giam hiệu vẫn bù 50% thì phụ huynh của mỗi đứa trẻ chỉ phải đóng 120.000 đồng. Tuy có thể mua TV với giá rẻ hơn, cả phụ huynh lẫn trường cùng phải bỏ ra ít tiền hơn nhưng đáng ngạc nhiên là Hiệu trưởng không đồng ý. Bà bảo nếu phụ huynh đứng ra mua TV thì trường sẽ rút lại ý định bù 50%. Thậm chí cuối năm, trường sẽ không tặng quà cho những đứa trẻ tốt nghiệp mầm non… (1)
Dẫu không bình luận, không chỉ trích, chỉ hỏi bạn bè xem họ thấy chuyện có “hợp lý không” nhưng ba ngày sau (18 tháng 9), Trưởng Công an xã Thọ Thanh vẫn gửi Giấy mời, buộc cả bà Mai lẫn chồng đến “làm việc” vào ngày 19 tháng 9…
Chuyện vợ chồng bà Mai bị mời “làm việc” được hàng chục ngàn người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam chia sẻ, bình luận. Ngay cả hệ thống truyền thông của chính quyền cũng thấy kỳ quái.
Tờ Người Lao Động cử phóng viên phỏng vấn một số viên chức hữu trách. Ông Lê Hữu Việt, Trưởng Công an xã Thọ Thanh – người ký giấy mời – khẳng định, việc “mời” vợ chồng bà Mai đến làm việc là theo chỉ đạo của công an huyện. An ninh nhân dân của Công an huyện Thường Xuân sẽ “làm việc” với vợ chồng bà Mai tại trụ sở công an xã Thọ Thanh, chứ công an xã không dính dáng gì đến buổi “làm việc” này.
Phóng viên tờ Người Lao Động cũng đã phỏng vấn ông Lâm Anh Tuấn, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Thường Xuân, ông Tuấn bảo rằng những phụ huynh bị công an huyện mời “làm việc” vì đưa “thông tin không đúng sự thật” lên facebook, bởi sau khi phụ huynh có ý kiến, Ban Giám hiệu trường Mầm non Thọ Thanh “đã dừng không thu tiền nữa”. Ông Tuấn nói thêm, nhằm trấn an công chúng rằng, công an huyện Thường Xuân chỉ muốn “chấn chỉnh một số bình luận không đúng thôi” (2).
Trên mạng xã hội, có rất nhiều “bình luận” của vô số facebooker ở rất nhiều những trang facebook khác nhau nêu ra những thắc mắc kiểu như: Chắc chắn Ban Giám hiệu trường Mần non Thọ Thanh sẽ không móc tiền trong túi của họ ra “bù”, thành ra khoản được gọi là “bù” ấy phải được lấy từ công quỹ. Ai sẽ hưởng khoản chênh lệch về giá giữa TV Ban Giám hiệu đứng ra mua với TV phụ huynh tình nguyện mua?.. Đặc biệt tai hại là chính các facebooker tố giác, Hiệu trưởng trường Mầm non Thọ Thanh là bà Hà Thị Tự, phu nhân của ông Đỗ Xuân Nam, Bí thư huyện Thường Xuân. Vợ chồng bà Mai uống mật gấu, dám vuốt râu hùm!..
***
Chỉ trong tháng này, ít nhất cũng đã có hai vụ phụ huynh của đám trẻ con đang học mẫu giáo và tiểu học bị lực lượng công an nhân dân mời “làm việc” vì dám kể chuyện, có ý kiến về lạm thu.
Hồi đầu tháng, tất cả những phụ huynh của học sinh trường Tiểu học Sơn Đồng, tọa lạc tại huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, dám bày ra trên facebook những khoản thu mà Ban Giám hiệu trường này bắt họ nộp (19 khoản, tổng cộng hơn tám triệu/học sinh), dám phân tích về sự phi lý của những khoản thu đó,… đều đã phải đến trụ sở công an xã Sơn Đồng (3). Nếu sự kiện không làm công chúng phẫn nộ, dư luận dậy lên thành bão trên mạng xã hội, chắc chắn sẽ không có chuyện lãnh đạo chính quyền huyện Hoài Đức hứa trong tháng này, sẽ buộc Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Hoài Đức kiểm điểm và “xử lý nghiêm hiệu trưởng”(4).
Có một điểm đáng chú ý là tại sao chỉ kể sự thật (thể hiện dân biết), nêu thắc mắc, nhận định, đề nghị (thực hiện dân bàn), cung cấp thêm thông tin – góp thêm ý kiến để giải quyết vấn đề (thực hiện dân làm, dân kiểm tra) về những vấn đề thuần túy là dân sinh (lạm thu trong giáo dục, khiến phụ huynh khốn khổ, trong nhiều trường hợp là lý do biến nhiều đứa trẻ trở thành thất học) mà vẫn bị công an nhân dân mời “làm việc”?
Nhiều người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam cho rằng, những tờ giấy mời, buộc phải “làm việc” ấy là biểu hiện của tình trạng công an nhân dân lạm quyền. Tuy nhiên nếu xét thật kỹ thì đây là nhận định thuộc loại “thấy cây mà không thấy rừng”. Công an nhân dân các nơi, thuộc đủ mọi cấp không tùy tiện, lực lượng này đã được “quán triệt” kỹ lưỡng cả đường lối lẫn chủ trương và nôi dung Luật An ninh mạng chính là bằng chứng về nỗ lực luật hóa đường lối, chủ trương ấy.
Vài tháng nữa, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực (1 tháng 1 năm 2019), kể sự thật, nêu thắc mắc, nhận định, đề nghị, cung cấp thêm thông tin, góp thêm ý kiến về bát kỳ chuyện gì cũng có thể bị chế tài bằng tiền, bằng các biện pháp xử lý hành chính hay hình phạt tù. Luật An ninh mạng hỗ trợ diễn giải để thông tin, ý kiến kiểu nào cũng có thể quy chiếu thành sự xâm hại lợi ích không phải lợi ích của nhà nước thì cũng là lợi ích của tập thể, cá nhân. Thông tin, ý kiến kiểu nào cũng có dấu hiệu liên quan đến “an ninh mạng, an ninh thông tin” (5), cần điều tra. Nội dung Luật An ninh mạng cho thấy, nó là công cụ hữu hiệu để công dân Việt Nam phải giả mù, giả điếc, giả câm, tự biến mình thành bại liệt trước các vấn nạn kinh tế - xã hội – văn hóa – giáo dục – y tế,… nếu muốn được yên thân.
Không phải tự nhiên mà Luật An ninh mạng của Việt Nam gây ra sự lo ngại trên toàn cầu, bị chính phủ nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế chuyên theo dõi - bảo vệ các quyền căn bản của con người chỉ trích kịch liệt. Tin mới nhất, 32 Nghị sĩ của Liên hiệp châu Âu (EU) vừa gửi thư ngỏ cho Đại diện cao cấp đặc trách Chính sách đối ngoại - An ninh của EU và Ủy viên Thương mại của EU đòi EU phải “minh định các chuẩn mực nhân quyền mà Việt Nam cần đáp ứng” trước khi trình Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt (EVFTA) cho Nghị viện EU để cơ quan này xem xét, phê chuẩn. Nhóm nghị sĩ vừa kể liệt kê nhiều yêu cầu, trong đó xác định, Luật An ninh mạng là một trong những qui định pháp luật cần phải bãi bỏ và việc thực thi những yêu cầu mà họ liệt kê được xem như bằng chứng cho thấy Việt Nam thực tâm muốn cải thiện nhân quyền như đã từng cam kết với cộng đồng quốc tế (6).
Chú thích
No comments:
Post a Comment