HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Có tới 52% doanh nghiệp thừa nhận chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra.”
Đó là lời kêu ca của trên 10,000 doanh nghiệp trên cả nước khi Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức khảo sát, và ông Trần Ngọc Liêm, phó giám đốc VCCI, được báo Đất Việt thuật lại lời tại buổi “tọa đàm” hôm 17 Tháng Chín, 2018, về hoạt động của các ông “thanh tra, kiểm tra” tại các cơ sở doanh nghiệp.
Tình trạng quan chức từ kiểm toán, môi trường đến thuế vụ và bất cứ cơ quan nào, từ địa phương đến trung ương, có quyền “nhòm ngó” đến các hoạt động của giới kinh doanh, tìm đủ mọi cách để moi tiền “bôi trơn” của họ, người ta thấy năm nào cũng được nêu ra nhưng đều giống như “nước đổ lá khoai.”
Lời kêu ca của ông Trần Ngọc Liêm được tường thuật chỉ bốn ngày sau khi ông Lê Minh Khái, tổng Thanh Tra Chính Phủ CSVN, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018. Trong đó, ông Khái khoe “công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả rõ rệt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận,” theo bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 14 Tháng Chín.
Cách đây ba tháng, ngày 24 Tháng Năm, báo Pháp Luật TP.HCM viết rằng: “Dù tình trạng thanh tra, kiểm tra tràn lan, không đúng tinh thần Chỉ Thị 20 của thủ tướng nhưng các doanh nghiệp cũng không dám kêu vì sợ bị hành tiếp.”
Trước đó một năm, ngày 17 Tháng Năm, 2017, “khi ngỏ lời với cộng đồng doanh nhân trong hội nghị thủ tướng gặp doanh nghiệp, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giơ Chỉ Thị 20 mà ông vừa ký và thông báo rằng: ‘Chỉ thị này quy định chỉ được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một lần/năm.’” Báo Pháp Luật TP.HCM kể như vậy và cho biết, “Động thái đó của thủ tướng đã làm nức lòng hơn 1,000 doanh nhân có mặt.”
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh hoàn toàn ngược lại. Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 24 Tháng Năm, 2018, thuật lại cho thấy “trong kết quả khảo sát năm 2017, đáng chú ý có hai doanh nghiệp tại Sài Gòn thì một doanh nghiệp bị thanh tra 10 lần, còn một doanh nghiệp khác bị thanh tra chín lần.”
Theo khảo sát của VCCI, một nguy cơ nữa với nhà kinh doanh trong “hàng rừng các quy định” là doanh nghiệp càng nổi, càng thành công thì càng rủi ro. Ba cuộc điều tra quy mô lớn của VCCI tiến hành năm 2015 trên cả nước vừa rồi vẫn tiếp tục cho thấy thực trạng không thay đổi: “Các doanh nghiệp lớn bị thanh tra kiểm tra nhiều hơn, chịu gánh nặng hành chính lớn hơn so với các doanh nghiệp nhỏ.”
Ở giữa nhiệm kỳ thứ nhất trên cái ghế tổng bí thư đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng “chia sẻ sự sốt ruột với cử tri quận Ba Đình về tình hình tham nhũng” rằng ông “sốt ruột, bức xúc lắm, không phải bây giờ mà mấy năm trước đảng đã gọi đây là quốc nạn, giặc nội xâm, quyền lực lớn mà không kiểm soát dễ sinh hư hỏng, tham nhũng,” theo báo VietNamNet tường thuật ngày 27 Tháng Chín, 2013.
Báo VietNamNet viết thêm rằng, theo ông Trọng, phải chống nhiều thứ như lợi ích nhóm, cục bộ, suy thoái và cả tham nhũng nhỏ. “Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu,” báo này cho hay.
Bây giờ, năm năm sau, tuy người ta thấy một vài vụ án bỏ tù quan chức tham nhũng được báo chí trong nước tường thuật vẫn chỉ như “gãi ghẻ.” Con số 52% doanh nghiệp phải “bôi trơn” cho các quan chức thanh tra kiểm tra chắc gì đã chỉ có vậy.
Trong khóa họp cuối năm ngoái, bà Trần Thị Nga, chủ nhiệm Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội CSVN, phàn nàn về dự luật sử đổi “Luật Phòng Chống Tham Nhũng” là “tù mù” và “luẩn quẩn, nửa vời,” báo Thanh Niên ngày 9 Tháng Mười Một, 2017, kể lại. (TN)
No comments:
Post a Comment