Theo VOA-Nguyễn Hùng/20/07/2018
Bộ Trưởng Giáo Dục họp báo về vụ nâng điểm thi ở Hà Giang, 17 tháng Bảy.
Với vụ gian lận điểm ở Hà Giang đang nóng, Bí thư tỉnh Triệu Tài Vinh là ông quan được tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong ngày 19/7.
Ông Triệu Tài Vinh đứng ở vị trí thứ hai và thứ tám trong danh sách 10 cụm từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất hôm thứ Năm tuần này.
Trong diễn biến mới nhất, công an Hà Giang đã khởi tố và bắt giam ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng khả thí và quản lý chất lượng của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh vì lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi sửa điểm trên 300 bài thi của hơn 100 thí sinh ở Hà Giang.
Trong số các thí sinh được sửa điểm có con gái ông Triệu Tài Vinh mà cụ thể là điểm môn toán bị hạ từ 9,4 xuống 6 và ngoại ngữ giảm từ 10 xuống 8 sau khi chấm lại theo Dân Trí. Trang tin này cũng dẫn lời ông Triệu Tài Vinh: “Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng 2 điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?”
Trong khi đó báo Người lao động cũng nói lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã có công văn yêu cầu các cấp dưới trong tỉnh phải “[t]uyệt đối tin tưởng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.” Cấp dưới cũng được yêu cầu phải “[l]àm tốt công tác tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, đảng viên, người thân trong gia đình không tham gia tuyên truyền, bình luận, chia sẻ các thông tin trái chiều, sai lệch, không chính thức trên các trang mạng xã hội, các thiết bị điện thoại, điện tử, internet…”
Trong những ngày qua những người dùng mạng xã hội chia sẻ lại phỏng vấn của VietNamNet được thực hiện từ năm 2016 với em trai Bí thư Triệu Tài Vinh, ông Triệu Tài Phong, Bí thư huyện Quang Bình cũng ở Hà Giang, về chuyện cả nhà làm quan mà anh ông cũng đã giải thích.
“Dư luận chỉ là dư luận, cá nhân tôi chẳng thấy nó có gì liên quan cả,” ông Phong nói trong phỏng vấn cách đây hai năm. “Nếu bảo có tức thì có tức đôi chút vì nó không đúng sự thật. Chúng tôi đi từ cơ sở, phải lăn lộn từ cơ sở mới làm được. Cũng phải học thì mới làm được chứ đâu phải tự nhiên làm được đâu.”
Khi đó ông Phong cũng xác nhận: “Nhà tôi có 5 anh em ruột, cùng làm trong cơ quan nhà nước. Gia đình dù là dân tộc thiểu số [dân tộc Dao] nhưng sinh ra trong gia đình cán bộ, không phải là nông dân. Con gia đình cán bộ thì chắc là ở đâu cũng được học hành, còn học cái gì, làm cái gì thì có thể (mỗi gia đình) có sự khác nhau.”
No comments:
Post a Comment