TÂY NINH, Việt Nam (NV) – Xác nhận sự việc người dân quỳ lạy chủ tịch huyện Tân Châu sau khi chính quyền quyết định cưỡng chế đất của họ, song ông bí thư huyện cho rằng sự việc bị “xuyên tạc, vu khống.”
Ngày 18 Tháng Bảy, một video clip kèm theo thông tin “Người dân khóc quỳ lạy van xin nhưng chủ tịch ngồi uống bia tại sân coi như không có chuyện gì xảy ra” xuất hiện trên mạng xã hội quay lại cảnh hơn 10 người dân quỳ lạy trước cổng nhà ông Tạ Châu Lâm, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, để xin tạm ngưng thu hồi đất chờ thu hoạch hoa màu.
Trong đoạn clip, tiếng nhiều người dân tức giận la hét vì cho rằng họ bị chính quyền cưỡng chế đất, làm thiệt hại hoa màu và một số người bị tạm giữ vô lý.
Theo báo VTC, ngày 14 Tháng Bảy, Ủy Ban huyện Tân Châu chỉ đạo lực lượng chức năng xuống cưỡng chế khu đất để làm dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1, 2, 3 ở xã Tân Hưng. Song, người dân đã xin lùi thời gian thêm hai tháng để thu hoạch khoai mì. Thế nhưng huyện không đồng ý mà cho lực lượng chức năng cưỡng chế, cày phá nát khoai mì của người dân. Bất bình về sự việc, một số người dân lớn tiếng thì bị lực lượng công an bắt giữ.
“Người dân sau đó đã đến nhà chủ tịch huyện Tân Châu để phản ánh bất bình, yêu cầu thả người. Không thấy ai ra, nhiều người đã quỳ xuống lạy để gây áp lực. Sau đó, công an thả người thì những người trên đã ra về,” anh Vũ, một người dân ở xã Tân Hưng bị cưỡng chế đất kể lại.
Tuy nhiên, nói với báo Thanh Niên chiều cùng ngày, ông Nguyễn Đình Xuân, bí thư Huyện Ủy Tân Châu, khẳng định: “Thông tin người dân đang lạy van xin mà chủ tịch ngồi uống bia là xuyên tạc, vu khống.”
Ông Xuân cũng nói Ủy Ban huyện Tân Châu không thu hồi đất của dân mà do Ủy Ban tỉnh Tây Ninh thu hồi “một phần đất bán ngập của công ty khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa để giao cho công ty năng lượng mặt trời Dầu Tiếng thực hiện dự án điện mặt trời.”
Sau khi có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của tỉnh, các cơ quan chuyên môn và đơn vị thực hiện dự án đã thông báo người dân không trồng hoa màu trên đất sau ngày 15 Tháng Giêng, 2018. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp vẫn cố tình trồng.
Trước khi giải tỏa, huyện đã thông báo nhiều lần cho các hộ dân thu hoạch hoa màu; đồng thời đã dời thời gian giải tỏa mặt bằng đến ngày 25 Tháng Sáu, “nhưng các hộ dân này yêu cầu phải dời thêm 2-3 tháng nữa nên không được đơn vị thực hiện dự án chấp nhận,” ông Xuân nói.
Ông Nguyễn Tân Phong (56 tuổi, ở xã Tân Hưng) cho biết thêm, thời điểm Ủy Ban huyện Tân Châu xuống cưỡng chế thì người dân xã Tân Hưng đưa quyết định mới của Ban Tiếp Công Dân Trung Ương yêu cầu tỉnh Tây Ninh xem xét giải quyết khiếu nại của người dân.
Lúc này, ông Tạ Châu Lâm, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Tân Châu chỉ đạo dừng cưỡng chế và gọi người dân đến trụ sở xã Tân Hưng để họp.
“Trong cuộc họp trưa 14 Tháng Bảy, ông chủ tịch huyện đồng ý cho người dân thời hạn 2 tháng để thu hoạch khoai mì. Tuy nhiên, khi người dân đang họp thì lực lượng cưỡng chế đã cày bới, phá nát nhiều héc ta khoai mì của dân,” ông Phong cho hay.
Theo ông Phong, người dân không chống đối mà tức giận vì chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện đồng ý cho người dân thời hạn 2 tháng để thu hoạch mì nhưng lại không giữ đúng lời hứa. Đó là nguyên nhân người dân kéo đến nhà ông chủ tịch để bày tỏ sự bất bình. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment